Việc tự chủ được nguồn nguyên liệu và nâng cao năng lực giao dịch nguyên phụ liệu với các nhà đặt hàng là một thách thức với các doanh nghiệp ngành xuất khẩu da giày - Ảnh: T.V.N.
Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách VN (Lefaso), đã khẳng định như vậy về cơ hội mà ngành dệt may, da giày có được khi CPTPP được thực thi. Ông Kiệt nói: ngay cả với Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA), không còn nhiều dư địa để ngành dệt may, da giày VN đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu bởi VN vẫn đang được EU cấp quy chế ưu đãi thuế quan (GSP).
* Vì sao CPTPP khó tạo ra đột biến trong tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm dệt may, da giày - ngành được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này, thưa ông?
- Mặc dù các sản phẩm giày dép, túi xách VN... xuất sang 10 quốc gia khu vực CPTPP sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay lập tức, nhưng tổng dung lượng thị trường khu vực này (nếu tính luôn cả Mỹ dù thực tế hiện nay không còn Mỹ - PV) chỉ chiếm khoảng 11% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày, túi xách.
Hơn nữa, trong 10 nước thành viên CPTPP, VN đã ký hiệp định thương mại (FTA) với 7 quốc gia, chỉ chưa ký với Mexico, Canada và Agrentina. Giả sử ngành da giày, túi xách đạt mức tăng trưởng 10% trong khu vực CPTPP, kim ngạch xuất khẩu từ khu vực này đóng góp cho cả ngành da giày, túi xách cũng chỉ tăng được 1%.
Nói như thế để có thể khẳng định rằng CPTPP không thể tạo nên những cú biến chuyển lớn như mọi người vẫn nghĩ. Cá nhân tôi cũng thấy rằng khu vực CPTPP khó đạt mức tăng trưởng 10% vì VN đã có FTA với 7 quốc gia còn lại, ngoại trừ ba nước chưa có như trên đã nói.
* Còn đối với EVFTA thì sao, thưa ông, tăng trưởng được bao nhiêu phần trăm?
- EVFTA đưa ra lộ trình giảm thuế về 0% sau 7 năm, nhưng ngay từ năm đầu tiên đã có khoảng 37% số dòng sản phẩm da giày được đưa về mức 0%, phần còn lại giảm dần sau 3-7 năm. Thế nhưng tỉ lệ sản phẩm da giày xuất khẩu sang EU của VN đều nằm trong các dòng sản phẩm được hưởng mức thuế suất 3-7 năm, túi xách được hưởng ngay thuế suất 0% mà không cần lộ trình giảm.
Tuy nhiên, sản phẩm da giày VN đang được EU cấp quy chế GSP với mức thuế suất dao động dưới 8%. Nhưng khi thực thi EVFTA, EU sẽ mặc nhiên bỏ GSP ngay. Nên các doanh nghiệp xuất khẩu nào đạt yêu cầu theo quy định của EVFTA sẽ được hưởng ngay mức thuế suất thấp. Ngược lại sẽ phải chịu mức thuế cao, chứ không được hưởng quy chế GSP nữa.
EU hiện chiếm 32% thị trường xuất khẩu từ VN. Và do còn được hưởng GSP từ năm 2014 nên mức tăng trưởng ở thị trường này cũng chỉ 5-6% khi EVFTA thực thi, mang về tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành từ thị trường này thêm khoảng 3%/năm.
Ông Diệp Thành Kiệt - Ảnh : T.V.N
* Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu VN phải làm gì để sử dụng được lợi thế thuế quan thấp?
- Trước mắt, các doanh nghiệp phải tận dụng được tỉ lệ hàm lượng giá trị trong khu vực (regional value content - RVC) đối với hai hiệp định nói trên, tức phải biết sử dụng nguyên liệu từ các nước thành viên trong CPTPP lẫn EVFTA khi sản xuất nhằm đạt yêu cầu theo quy định nếu muốn được hưởng thuế suất thấp.
Nhưng điều này cũng sẽ không dễ dàng bởi năng lực của các doanh nghiệp VN chỉ cơ bản đáp ứng được các điều kiện cần. Để đáp ứng được các điều kiện đủ còn nhiều vấn đề phải giải quyết cấp Chính phủ.
* RVC quá khó đối với doanh nghiệp VN?
- Thật ra RVC không quá khó bởi khi đưa ra nguyên tắc này, cả CPTPP và EVFTA đều hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tham gia. Nhưng tôi phải nói thẳng một điều là với ngành sản xuất da giày và túi xách trong nước, năng lực sản xuất của chính các doanh nghiệp mới là vấn đề.
Chúng ta sẽ rất khó tận dụng RVC khi tỉ lệ doanh nghiệp tự phát triển sản phẩm chưa tới 10%, 60-70% là gia công, tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu chưa đến 30% và năng suất lao động lại thấp hơn doanh nghiệp FDI trong cùng lĩnh vực 20-25%.
Tôi ví dụ điều kiện RVC trong CPTPP yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng tối thiểu 45%, bao gồm cả vật tư, nguyên liệu và chi phí sản xuất. Nhưng do phần lớn các doanh nghiệp chỉ làm gia công, nên để thực hiện được đơn hàng theo phương thức FOB (tức mua nguyên liệu, bán thành phẩm), doanh nghiệp phải tự thực hiện đàm phán khâu mua nguyên vật liệu và vật tư phụ liệu đi kèm. Đến nay, không nhiều doanh nghiệp trong nước đáp ứng được, trừ một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và doanh nghiệp FDI.
* Chính phủ cần làm gì để doanh nghiệp được tận dụng các FTA hiệu quả hơn, thưa ông?
- Lefaso đề xuất nhiều vấn đề, trong đó khẩn cấp nhất là cần có hướng dẫn cụ thể về cam kết của VN với các nước trong CPTPP và EVFTA, cũng như doanh nghiệp cần phải làm đối với cam kết này. Cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến các cam kết về môi trường, doanh nghiệp sẽ áp dụng theo quy chuẩn hiện tại hay ở mức cao hơn? Lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ áp dụng ở mức nào, việc thực hiện các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa ra sao?
Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm soát chặt giao thương biên giới, cảng... nhằm tránh hiện tượng chuyển tải bất hợp pháp. Điều này không chỉ bảo vệ hai hiệp định nói trên, mà còn tránh vạ lây trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra. Đặc biệt, cần tăng cường phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thực tế hơn, đừng lý thuyết. Các cải cách thủ tục hành chính trong kinh doanh, trong xuất nhập khẩu cần thực hiện quyết liệt hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Không lo các quốc gia khác cạnh tranh
Các quốc gia có khả năng cạnh tranh trực diện với ngành da giày VN là Trung Quốc, Bangladesh hay Indonesia. Dù vậy, Trung Quốc đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, trong khi Bangladesh bị hạn chế về điều kiện phục vụ sản xuất (hạ tầng sản xuất, vận chuyển...) và Indonesia gặp khó bởi thời gian giao hàng.
Tuy nhiên, nếu Chính phủ không kiểm soát và doanh nghiệp trong nước cố tình bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài, VN có khả năng trở thành nơi trung chuyển bất hợp pháp, sản phẩm của các nước - chủ yếu là Trung Quốc - sẽ "mượn" VN để giả mạo xuất xứ trước khi xuất sang các quốc gia trong khối CPTPP và EVFTA.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận