16/10/2023 11:01 GMT+7

Thủ tướng gặp doanh nghiệp FDI: Nhà đầu tư Mỹ, châu Âu kiến nghị gì?

Ngày 16-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề "Đồng hành và phát triển".

Thủ tướng chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - Ảnh: VGP

Thủ tướng chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - Ảnh: VGP

Ngày 16-10, tiếp nối chuỗi hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề "Đồng hành và phát triển".

Phối hợp để hiện thực hóa cơ hội đầu tư

Ông John Rockhold, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho rằng việc Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện mở ra nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại song phương.

Đồng thời củng cố cam kết của Mỹ đối với một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.

"Chúng tôi nhận thấy động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương đã tăng lên sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng tới San Francisco, Washington D.C. và thành phố New York. AmCham đang nỗ lực phối hợp với những doanh nghiệp mà đoàn đã gặp trong chuyến thăm để hiện thực hóa những định hướng đầu tư" - ông John Rockhold nói.

Dù đánh giá cao việc cải thiện môi trường kinh doanh, song ông John Rockhold nói rằng quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian.

Điều này làm cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Khẳng định đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam tháo gỡ nút thắt, chủ tịch AmCham khuyến nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở đầu tư.

Xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh tạo thêm gánh nặng hành chính. Đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, phát triển lưới điện, thực hiện chuyển đổi năng lượng thực hiện cam kết COP26.

Mong muốn phát biểu về lĩnh vực logistics tại Việt Nam, ông Ng Boon Teck, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, đánh giá "Super port" - trung tâm logistics lớn đặt tại Vĩnh Phúc - tại Việt Nam là "siêu cảng" nên cần kết hợp mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics phát triển để biến nơi này thành khu vực trung chuyển để giảm chi phí.

Ông Josh Williams, trưởng đại diện Tập đoàn Swire - Ảnh: VGP

Ông Josh Williams, trưởng đại diện Tập đoàn Swire - Ảnh: VGP

Nhà đầu tư kỳ vọng thị trường Việt Nam tiềm năng

Trong khi đó, ông Josh Williams, trưởng đại diện Tập đoàn Swire tại Việt Nam (hoạt động hàng không, bất động sản, dịch vụ hàng hải, thương mại và công nghiệp của Anh), nhấn mạnh Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên. Cũng bởi Việt Nam có tiềm năng, tăng trưởng ấn tượng với dân số trẻ và những chính sách kinh tế hiệu quả.

Vì vậy, ông Josh Williams cho biết Swire đã ngày càng tăng sự hiện diện vào Việt Nam. Mới đây năm 2020, Swire đã đầu tư vào 2 dự án bất động sản lớn trong TP.HCM và đầu năm 2023, Swire Coca-Cola - công ty con của Swire Pacific - đã mua lại các công ty con của Coca-Cola ở Việt Nam.

Ông Bruno Jaspert - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC (nhà đầu tư Bỉ) - đề nghị Chính phủ đưa ra chính sách khuyến khích khu công nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn.

Kèm đó cần đưa ra các chính sách thuế đặc biệt đối với các khu không thể hoặc không muốn tuân thủ để xây dựng quỹ phát triển tương lai bền vững.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỉ USD.

Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế của Việt Nam; niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào chính sách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng; nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, bà Ngọc nhìn nhận những khó khăn, thách thức tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới. Để hiện thực hóa cơ hội đòi hỏi phải có sự chia sẻ, đồng hành của khu vực FDI với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa các giải pháp như tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ việc tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; triển khai hiệu quả chương trình phục hồi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị điều kiện để thu hút FDI...

Doanh nghiệp FDI rót thêm vốn vào Việt NamDoanh nghiệp FDI rót thêm vốn vào Việt Nam

Dù hoạt động xuất nhập khẩu tại 'thủ phủ công nghiệp' Đông Nam Bộ vẫn còn khá nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực khi nhiều nhà máy mở rộng đầu tư với cam kết gắn bó lâu dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên