Ngày 5-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Loạt vướng mắc tồn tại nhiều năm đã được tháo gỡ
Nhiều ý kiến đánh giá, trong năm qua, các tập đoàn, tổng công ty đã nhấn mạnh những kết quả, điểm sáng nổi bật, những bài học kinh nghiệm quý, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của từng doanh nghiệp và nêu các đề xuất, kiến nghị.
Trong đó, điển hình như đường dây 500kV mạch 3 của EVN mãi không triển khai được trong nhiều năm nhưng đang được quyết liệt xây dựng và dự kiến hoàn thành trong 6 tháng; PVN sau một thời gian gặp khó khăn thì những năm gần đây đã hoạt động đạt kết quả rất tích cực.
Tổng công ty Cảng hàng không những năm trước đây ì ạch nhưng đến năm nay có nhiều nỗ lực chuyển biến, nhất là trong xây dựng sân bay Long Thành; Tổng công ty Đường sắt sau nhiều năm thua lỗ đã có những đổi mới hiệu quả và có lãi trong năm 2023; những chuyển biến trong triển khai chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn sau hàng chục năm chậm trễ…
Năm 2023, Chính phủ chỉ đạo tăng cường xuất khẩu gạo trong lúc giá tăng, dù còn nhiều ý kiến lo ngại song chúng ta đã tận dụng hiệu quả, vừa xuất khẩu gạo đạt kỷ lục, vừa bảo đảm cân đối lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc phấn khởi khi gần đây Việt Nam đạt thỏa thuận về thương mại gạo cấp Chính phủ với Indonesia và Philippines. Từ cuối tháng 1, các doanh nghiệp Việt Nam đã thắng áp đảo khi giành được khoảng 350.000 tấn trong gói thầu 500.000 tấn gạo của Indonesia.
Đánh giá cao các kết quả đạt được, song Thủ tướng cho rằng tuyệt đối không say sưa, thỏa mãn, chủ quan với những thành tựu. Cũng bởi vẫn còn tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, cùng những vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Đầu tư cho phát triển còn hạn chế, tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước; đóng góp cho tăng trưởng GDP chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư kinh doanh chưa cao.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tập trung bám sát đường lối, sửa đổi đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các luật, nghị định, thông tư có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, nhất là liên quan lĩnh vực giá, môi trường, tài nguyên, đất đai…
Tập trung khắc phục vướng mắc, thực hiện tái cấu trúc
Đặc biệt, cần tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển, khắc phục bằng được hạn chế trong vấn đề này, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho ba đột phá chiến lược của đất nước; làm mới động lực tăng trưởng cũ và bổ sung động lực tăng trưởng mới...
Ông cũng đề nghị cần tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt. Trọng tâm là tái cấu trúc về quản trị, nâng cao chất lượng nhân lực; tái cấu trúc về tài chính và tái cấu trúc về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào…
Gắn với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nói không được để thiếu điện, xăng dầu, đảm bảo đủ dầu, khí, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, yếu kém, tồn đọng như Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, cắt lỗ cho Vietnam Airlines.
Trong đó, ông lưu ý các cơ quan thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội; Bộ Công Thương cải tiến lại cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng đơn giản, dễ kiểm tra, giám sát…
Về nhân sự, Thủ tướng yêu cầu bố trí đúng, trúng con người trên cơ sở căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận