13/11/2015 06:00 GMT+7

Thu hay không thu phí vỉa hè?

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÀI PHONG
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÀI PHONG

TTO - Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc cho phép thu phí vỉa hè, lòng đường.

Vỉa hè thế này thì còn đâu chỗ cho người đi bộ - Ảnh: T.M

Theo chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày thì nhiều nước trên thế giới cũng sử dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm đỗ xe ô tô, xe máy và tạo được nguồn thu lớn cho ngân sách.

Thực tế những năm gần đây cho thấy nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố, nhất là tại các thành phố lớn nhằm phục vụ nhu cầu trông giữ xe máy, ô tô rất lớn do các bãi trông giữ xe công cộng còn hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Thực tế những năm gần đây cho thấy nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố, nhất là tại các thành phố lớn nhằm phục vụ nhu cầu trông giữ xe máy, ô tô rất lớn do các bãi trông giữ xe công cộng còn hạn chế.

Vỉa hè dành cho người đi bộ, sao lại thu phí đậu xe?

Đó là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra. Anh Phan Tấn Lộc, một độc giả của TTO cho rằng lề đường hoặc vỉa hè có chức năng chính là dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho xe đang trong trạng thái chuyển động. Do đó, người đi bộ đi trong lòng đường là không an toàn. Việc kết hợp những chức năng khác chỉ có thể thực hiện khi lề đường đủ rộng.

"Khi cho phép dùng lề đường thì như là đương nhiên người buôn bán lấn chiếm hết lề đường, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Kiểu sử dụng không gian như thế này rất khó chịu vì thái độ lấn được người khác là cứ lấn. Thật sự thiếu văn minh nói chung và văn minh đô thị nói riêng”, anh Tấn Lộc bày tỏ.

Lo lắng về vấn đề thương mại hóa vỉa hè, bạn đọc Hieu Pham nói: "Người dân lấn chiếm tự kinh doanh không phạt thì thôi giờ lại “thương mại hóa” cả vỉa hè lẫn lòng đường".

Sao tréo ngoe vậy là ý kiến của bạn Hà Nuôi. "Tréo ngoe vì “mục đích làm đường là cho các phương tiện lưu thông, vỉa hè dành cho người đi bộ, nhà nước cho buôn bán rồi thu phí vỉa hè vậy người đi bộ đi xuống lòng đường nếu bị tai nạn thì nói đi không đúng luật” - bạn Nuôi phân tích.

Cần có những dẫn chứng cụ thể từ các nước và lộ trình làm ở Việt Nam thế nào, các bước “đệm” ra sao cũng là yêu cầu từ nhiều bạn đọc.

Vỉa hè là của chung, dùng để đi bộ. Bây giờ tình trạng lấn chiếm tràn xuống cả lòng đường còn chưa giải quyết được, cho thu phí. “Người đi bộ không có đường đi ai chịu trách nhiệm?, bạn đọc Lan Đường đặt câu hỏi.

Hiện nay hầu hết ở các đô thị lực lượng quản lý đô thị hằng ngày đều đi tịch thu, phạt những hộ lấn chiếm vỉa hè mà hôm nay lại đề nghị thu phí vỉa hè thì có phải đi ngược lại với chính sách không?, thêm một câu hỏi khác từ bạn đọc Anh Tien.

Thu phí là nghiễm nhiên công nhận cho phép sử dụng vỉa hè

TTO đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia giao thông về vấn đề này. Có hai luồng ý kiến: một là phản đối hoàn toàn, hai là yêu cầu phải cân nhắc và tổ chức thực hiện tùy vào công năng của từng vỉa hè, lòng đường.

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến phải chấm dứt thu phí, lệ phí sử dụng vỉa hè, lòng đường vì đây là lạm dụng, phát sinh tiêu cực và phản văn minh.

Theo ông Nghĩa, nhiều quốc gia cho phép sử dụng vỉa hè nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc như: không vi phạm luật và cản trở giao thông; bảo đảm vệ sinh, an toàn, mỹ quan đô thị; thu phí đầy đủ; có thời hạn, vị trí nhất định, không tràn lan.

“Một số trường hợp cá biệt cho sử dụng vỉa hè phải được quy hoạch do HĐND tỉnh, thành phố duyệt và chỉ cho từng thời điểm”, ông Trương Trọng Nghĩa nói thêm.

TS. Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý Giao thông vận tải (GTVT), trường ĐH GTVT Hà Nội nhận định chức năng chính của lòng đường là để cho xe lưu thông, chức năng chính của vỉa hè là cho người đi bộ. Vỉa hè ngoài chức năng dành cho người đi bộ còn có nhiều chức năng khác như chức năng cảnh quan, bố trí hạ tầng kĩ thuật, phục vụ dân sinh…

Theo TS. Thanh Bình, về mặt chức năng sẽ xếp theo thứ tự ưu tiên. Lòng đường, vỉa hè thì lưu thông là chức năng đầu tiên. Nếu vỉa hè, lòng đường chưa sử dụng hết cho mục đích giao thông thì có thể tích hợp vào chức năng khác.

Không nên làm là quan điểm của PGS. TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách Khoa TP.HCM. Lý do không nên, theo ông Phạm Xuân Mai là do vỉa hè của ta rất nhỏ, giao thông hiện tại còn rất nhiều hỗn loạn, nếu thu phí như vậy sẽ tạo điều kiện cho nhiều người lấn chiếm vỉa hè, phát sinh tiêu cực.

“Vỉa hè gắn liền với đường giao thông, người đi lại. Nếu thu phí như vậy thì nghiễm nhiên đã công nhận vỉa hè cho phép người ta sử dụng. Ảnh hưởng đến giao thông rất nhiều mà thu lại chẳng bao nhiêu. Các nước có thể làm vì vỉa hè của người ta đạt tiêu chuẩn, mình có vỉa hè nào đạt tiêu chuẩn đâu mà làm”, PGS.TS Phạm Xuân Mai thẳng thắn.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị khẳng định cần có một quy định rõ ràng về việc lòng đường rộng bao nhiêu, đường thông thoáng ra sao, mật độ phương tiện thế nào, có ảnh hưởng đi lại không, có gây ùn tắc không… rồi mới quyết định cho đỗ xe hay không. Riêng vỉa hè thì phải dành cho người đi bộ, không được phép dùng để đỗ xe.

“Trục đường lớn với mật độ xe quá dày đặc thì không cho phép để ô tô và xe máy. Mặt khác, dứt khoát vỉa hè thì không cho phép đỗ xe. Với các nước mà tôi biết như Thụy Sỹ, Đức, Bỉ, Pháp, Ý, Hà Lan… họ cho phép để xe dưới lòng đường nhưng vỉa hè thì không bao giờ. Vỉa hè phải được giải phóng cho người đi bộ”, TS Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn chia sẻ.

“Cần phải có một rà soát về việc sử dụng năng lực của lòng đường, hè phố, xác định nơi nào có thể đậu xe và thu phí mà không ảnh hưởng đến giao thông và người đi bộ”, TS Đinh Thị Thanh Bình nói.

Hiện nay, chúng ta cho để xe trên vỉa hè, đó là một sai lầm, theo TS Nguyễn Xuân Thủy. Ông Thủy nhận định khi vỉa hè không có chỗ để đi, người đi bộ phải bước xuống lòng đường - nơi các phương tiện đang di chuyển dày đặc. Khi đó, xác suất xảy ra tai nạn rất cao.

“Những đường được cho phép đậu xe thì được thu tiền, thu với mức phí hợp lý,  không quá cao cũng không quá thấp, đảm bảo người đi xe có điều kiện để tồn tại. Nếu mức phí quá cao thì không nên. Tiền thu được có thể dùng để nâng cao chất lượng đường sá, chất lượng giao thông.”, ông Thủy nói.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nếu nhận định nguồn thu từ phí vỉa hè, lòng đường là lớn thì “phải có thống kê, dẫn chứng rõ ràng, lớn là bao nhiêu”.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng trong tình thế hiện tại, khi bão đỗ xe còn quá thiếu, có thể tận dụng một số vỉa hè rộng rãi để đậu đỗ xe nhưng không được để tràn lan như hiện nay. Phương tiện giao thông chỉ được đậu trên vỉa hè một phần, phần lớn phải dành cho người đi bộ. Không thể nào ¾ là dành đỗ xe máy, người đi bộ chỉ có ¼, ông Thủy nói.

“Quy hoạch không theo kịp với phát triển đô thị nên nếu giải phóng vỉa hè thì phương tiện không biết để ở đâu. Những nơi có thể xây dựng bãi đỗ xe đều bị choáng hết, trở thành chung cư, siêu thị... Để phương tiện trong tình thế khó khăn và thu phí từ việc để phương tiện là hai việc hoàn toàn khác nhau”, ông Thủy nói.

Không còn chỗ cho người đi bộ nếu đỗ xe tràn lan như vậy - Ảnh: T.M

Không thể có chuyện kinh doanh trên vỉa hè

Không thể nào tạo điều kiện cho việc kinh doanh trên vỉa hè, TS Nguyễn Hồng Thái ĐH GTVT Hà Nội chia sẻ với TTO.

“Nếu vỉa hè, lòng đường được khai thác vào mục đích kinh doanh thì sẽ làm mất đi tính năng cơ bản mà từ đó nó được sinh ra: đó là phục vụ giao thông”, TS Nguyễn Hồng Thái nói.

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng đồng quan điểm với TS Nguyễn Hồng Thái rằng không thể cho phép kinh doanh trên vỉa hè.

Theo TS Nguyễn Hồng Thái, trong trường hợp bắt buộc phải tận dụng để làm chỗ đỗ xe thì có thể đánh thuế việc sử dụng lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, việc đánh thuế nào phải phục vụ cho mục đích giao thông chứ không thể là mục đích kinh doanh.

“Chỉ trừ những tuyến đi bộ hoặc tuyến kinh doanh, không phục vụ cho vấn đề về giao thông thì có thể xem xét. Còn lại những tuyến khác phục vụ giao thông thì không thể nào”, TS Nguyễn Hồng Thái khẳng định.

TS Nguyễn Hồng Thái cũng nói thêm rằng cần có quy hoạch rõ ràng tuyến nào có thể sử dụng lòng đường, vỉa hè, xác định đối tượng nào được sử dụng, vào mục đích gì, ở mức độ nào, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Theo quan sát của TS Nguyễn Hồng Thái, các nước, nếu có cho sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh thì cũng chỉ là các quán cà phê hoặc thức ăn gọn nhẹ, đơn giản.

“Đi lại giờ đã ách tắc rồi, giờ còn sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích kinh doanh thì hậu quả còn lớn hơn nhiều”, ông Thái băn khoăn.  

Nghe các phát biểu trong bài:

>> PGS.TS Phạm Xuân Mai

>> TS. Nguyễn Xuân Thủy

>> TS. Đinh Thị Thanh Bình

>> TS. Nguyễn Hồng Thái

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục