17/09/2023 10:50 GMT+7

Thông xe đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Sáng 17-9, TP.HCM tổ chức thông xe tuyến song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP Thủ Đức) để giảm tải áp lực giao thông cho đường dẫn cao tốc này đang quá tải.

Đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (bên trái) khởi công năm 2017 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) có chiều dài hơn 4km - Ảnh: LÊ PHAN

Đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (bên trái) khởi công năm 2017 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) có chiều dài hơn 4km - Ảnh: LÊ PHAN

Đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khởi công năm 2017 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) có chiều dài hơn 4km, gồm hai đoạn đường rộng 20m, 4 làn xe.

Trong đó, đoạn 1 dài hơn 3,2km, nối đại lộ Mai Chí Thọ đến đường Đỗ Xuân Hợp. Đoạn còn lại dài gần 700m, nối từ đường Đỗ Xuân Hợp đến đường Vành đai 2.

Trên tuyến có 2 cây cầu (cầu Bà Dạt, cầu Mương Kênh) được xây mới cùng vỉa hè, hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng, cây xanh hai bên đường.

Thông xe song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, giảm tải áp lực giao thông

Theo chủ đầu tư Công ty TNHH bất động sản Nguyên Phương, việc đưa vào sử dụng tuyến song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông TP Thủ Đức, cụ thể là nút giao An Phú.

Công trình sẽ giảm tải cho đường dẫn cao tốc, kết nối vào các đường lân cận như Nguyễn Thị Định, Đỗ Xuân Hợp, Mai Chí Thọ, Vành đai 2.

Đặc biệt, trong quá trình thi công nút giao An Phú, đường song hành sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nút giao này và đường dẫn vào cao tốc.

Đối với đoạn 700m còn lại, Sở Giao thông vận tải cho biết đã kiến nghị các sở ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành điều chỉnh dự án, tháo gỡ vướng mắc. 

Đồng thời địa phương sớm bàn giao mặt bằng để thi công.

Ở góc độ địa phương, ông Hoàng Tùng - chủ tịch UBND TP Thủ Đức - nhận định trong thời gian vừa qua TP Thủ Đức được UBND TP.HCM quan tâm hoàn thiện giao thông, kết nối. Qua đó hoàn chỉnh quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội.

"Chúng tôi rất vui mừng khi đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng. TP có thêm một hạ tầng giao thông quan trọng. 

Sắp tới khi triển khai nghị quyết 98, chúng tôi hy vọng có thêm nhiều nhà đầu tư, nguồn lực tham gia cùng vốn ngân sách với các phương thức BT, PPP", ông Tùng nói thêm.

Phân luồng đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến đường Mai Chí Thọ sẽ đi 2 chiều với ô tô con, ô tô khách từ 16 chỗ trở xuống và xe 2 bánh. Cấm các loại ô tô tải, ô tô khách trên 16 chỗ đi lại.

Tại 2 nút giao đường song hành với đường Đỗ Xuân Hợp và Nguyễn Thị Định sẽ lắp đèn tín hiệu giao thông và hoạt động theo chế độ xanh, vàng, đỏ.

Đối với đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến đường Đỗ Xuân Hợp, sở đề nghị chủ đầu tư chủ động phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, UBND TP Thủ Đức trong việc phân luồng.

Qua đó đánh giá tình hình để có phương án bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Đường dẫn cao tốc vẫn đi lại như cũ.

Cầu Mương Kênh, một trong hai cây cầu được xây mới trên đường song hành - Ảnh: LÊ PHAN

Cầu Mương Kênh, một trong hai cây cầu được xây mới trên đường song hành - Ảnh: LÊ PHAN

Đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thiện, xe cộ đi sao?Đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thiện, xe cộ đi sao?

Sở Giao thông vận tải TP.HCM công bố phương án phân luồng đối với đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên