Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến một số cơ quan dự thảo báo cáo triển khai thực hiện nghị quyết 595/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (sáp nhập huyện, xã).
Sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021 còn nhiều vấn đề
Theo đó, giai đoạn 2019 - 2021 đã thực hiện sáp nhập 21 đơn vị cấp huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố (giảm 8 đơn vị cấp huyện) và sáp nhập 1.056 đơn vị cấp xã thuộc 45 tỉnh, thành phố (giảm 561 đơn vị cấp xã).
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 35/45 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp của địa phương.
Báo cáo cho hay tháng 1-2022 đến thời điểm 1-4-2024, các địa phương đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Cùng với đó, bố trí nguồn lực để thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức dôi dư còn tồn tại đến thời điểm cuối năm 2021.
Cụ thể, đã tiếp tục giải quyết được 366/424 cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư. Theo đó, số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư đã được giải quyết tính từ thời điểm thực hiện sáp nhập cấp huyện đến ngày 1-4-2024 là 648/706 người (đạt 91,78%).
Số dôi dư còn lại phải tiếp tục giải quyết là 58/706 người (chiếm 8,22%). Toàn bộ cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư đến nay chưa được giải quyết thuộc TP Thủ Đức (TP.HCM).
Bên cạnh đó, đã tiếp tục giải quyết được 2.008/3.413 (đạt 58,83%) cán bộ, công chức cấp xã dôi dư.
Theo đó, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư đã được giải quyết tính từ thời điểm thực hiện sáp nhập cấp xã đến ngày 1-4-2024 là 8.289/9.694 người (đạt 85,51%).
Số dôi dư còn lại phải tiếp tục giải quyết là 1.405/9.694 người (chiếm 14,49%). Số này thuộc 18 địa phương là Thanh Hóa, Phú Thọ, Cao Bằng, Hòa Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Bình, Bắc Kạn, Quảng Trị, Quảng Bình, Lào Cai, Quảng Ngãi, Nam Định, Hà Giang, Thái Nguyên.
Cũng từ tháng 1-2022 đến nay đã giải quyết xong chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính là 492 người.
Báo cáo cũng nêu rõ việc chưa giải quyết xong chế độ, chính sách với cán bộ, công chức huyện, xã dôi dư là chậm so với yêu cầu tại nghị quyết 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021.
Đồng thời, nêu ra một số nguyên nhân như về chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa thỏa đáng...
Báo cáo cũng chỉ rõ đến nay còn khá nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả.
Đến nay vẫn còn 52/109 trụ sở cấp huyện dôi dư (chiếm 47,71%) và 297/755 trụ sở cấp xã dôi dư (chiếm 39,34%) chưa được xử lý.
Thực hiện sáp nhập 49 đơn vị cấp huyện, 1.247 đơn vị cấp xã
Với giai đoạn 2023 - 2025, theo báo cáo, tổng hợp từ phương án của 53 địa phương, tổng số đơn vị cấp huyện thực hiện sáp nhập là 49, gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 18 đơn vị khuyến khích và 22 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 13 đơn vị.
Số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 21, trong đó thực hiện sắp xếp 40 đơn vị cấp huyện (12 TP, 3 quận, 4 thị xã, 21 huyện) để hình thành 19 đơn vị đô thị cấp huyện (12 TP, 3 quận, 4 thị xã).
Tổng số đơn vị cấp xã thực hiện sáp nhập là 1.247, gồm 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 khuyến khích và 391 liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị.
Số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 508 đơn vị.
Trong đó thực hiện sắp xếp 297 phường và 67 thị trấn để hình thành 261 đơn vị đô thị cấp xã (198 phường và 63 thị trấn).
Tính đến ngày 25-4-2024, có 4 tỉnh, thành phố gồm Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Cần Thơ đã gửi đến Bộ Nội vụ hồ sơ đề án giai đoạn 2023 - 2025 của địa phương.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã tổ chức đoàn công tác liên ngành trung ương tiến hành khảo sát thực tế ở địa phương để có đủ căn cứ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận