24/11/2018 08:41 GMT+7

Thỏa thuận khai thác dầu khí Trung Quốc - Philippines: Còn nhiều nghi ngại

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Người phát ngôn của Tổng thống Philippines khẳng định chính phủ sẽ không chấp thuận thỏa thuận khai thác chung dầu khí trên Biển Đông đi ngược với hiến pháp, nhưng chưa thể trấn an người dân về việc 'bắt tay' với Bắc Kinh.

Thỏa thuận khai thác dầu khí Trung Quốc - Philippines: Còn nhiều nghi ngại - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) nâng ly cùng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila ngày 20-11 - Ảnh: Reuters

"Thỏa thuận phải có lợi cho chúng tôi chứ không chỉ Trung Quốc" - tờ Inquirer ngày 23-11 dẫn lời ông Salvador Panelo, người phát ngôn của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nói. Ngoại trưởng nước này Teodoro Locsin cũng nhấn mạnh chính ông là người soạn thảo bản ghi nhớ hợp tác mà hai nước ký kết ngày 20-11.

“Chúng ta nên nhớ rằng không chỉ Philippines và Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Chúng ta phải nhạy cảm với những hậu quả từ hành động của chúng ta, bởi nếu hiện tại chúng ta nhìn thấy hòa bình thì trong tương lai nó cũng trở nên phù phiếm.

Phó chủ tịch CHESTER CABALZA của Trung tâm nghiên cứu chiến lược tại Viện Phát triển Philippines khuyến cáo

"Đồng ý sẽ đi đếnnhất trí"

Bản ghi nhớ được ký kết dưới sự chứng kiến của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến thăm Manila của ông Tập mới đây.

Theo kế hoạch, hai nước sẽ thành lập một ủy ban liên chính phủ chung từ các bộ của hai nước và một số nhóm làm việc cấp doanh nghiệp. 

"Ủy ban sẽ chịu trách nhiệm đàm phán và thống nhất các thỏa thuận hợp tác trên những khu vực hàng hải, quyết định số lượng các nhóm làm việc được thành lập và cho lĩnh vực hợp tác nào" - ông Locsin nói và cho biết bản chất bản ghi nhớ là "đồng ý sẽ đi đến nhất trí".

Hai nước sẽ có một năm để xác lập một thỏa thuận vững chắc, trong đó Philippines có thể được chia 60% lợi nhuận và Manila sẽ rút lui bất cứ lúc nào nếu thấy bất lợi, chính quyền Philippines trấn an. "Khoảng thời gian đó là để tìm cách khai thác tài nguyên và cùng phát triển hoặc thăm dò chung" - Bộ trưởng năng lượng Philippines Alfonso G. Cusi cho biết.

Manila cho rằng hai chính phủ đã tạo ra "tiến trình thực chất và tiến triển có ý nghĩa trong việc khám phá cơ hội và cách thức để hợp tác với nhau trong các hoạt động hàng hải vốn đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực". 

Theo giới quan sát, Philippines cũng cần dầu khí trên Biển Đông, bởi mỏ khí đốt Malampaya ở ngoài khơi đảo Palawan của nước này sẽ cạn kiệt vào năm 2030 nhưng Manila đến nay không thể khai thác do sức ép của Trung Quốc.

Ngoài bản ghi nhớ trên, Philippines cũng ký thêm một bản ghi nhớ hợp tác đối với sáng kiến Vành đai - con đường với Trung Quốc và ông Duterte dự kiến thăm Trung Quốc đầu năm sau, dự diễn đàn Vành đai - con đường lần hai.

Thật sự là trái ngọt?

Giới chính trị gia và truyền thông Philippines vẫn đặt nhiều câu hỏi về thỏa thuận hợp tác dầu khí với Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp. "Ký vào bản thảo của Trung Quốc sẽ khiến Philippines thừa nhận "quyền đồng sở hữu" phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông" - hai thượng nghị sĩ Philippines cảnh báo. 

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Philippines Franklin Drilon ngày 22-11 cũng kêu gọi xem xét kỹ lưỡng 29 thỏa thuận song phương được ký kết mới đây.Trong khi đó, báo chí Philippines muốn chính phủ công khai toàn bộ bản ghi nhớ mà Ngoại trưởng Locsin cho biết cần có sự đồng ý của Bắc Kinh. 

"Chúng ta đều biết rằng sự thận trọng và minh bạch không phải là thế mạnh của chính quyền hiện tại. Đó có thể là vấn đề nghiêm trọng nhất" - nhà nghiên cứu JC Punongbayan của Đại học Philippines nhận định.

Theo một số chuyên gia, dù triển vọng hợp tác khai thác dầu khí giữa hai nước vẫn còn khá xa, bản ghi nhớ là một thắng lợi cho Trung Quốc. 

"Bản ghi nhớ có ý nghĩa quan trọng về chính trị. Nó là chiến thắng đặc biệt đối với Bắc Kinh, khi đã thành công trong việc thúc nước láng giềng ưu tiên thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của mình theo các điều kiện của Trung Quốc" - cố vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Verisk Maplecroft khẳng định.

Một số cũng đặt vấn đề về việc liệu Trung Quốc có thực sự tốt bụng giúp đỡ Manila hay không. Năm 2016, Bắc Kinh đã hứa rót 24 tỉ USD vào hạ tầng của Philippines, nhưng đến nay vẫn chưa "mở ví". "Trong khi thời gian đó, ông Duterte đã trở nên nhỏ nhẹ về tranh chấp Biển Đông" - nhà khoa học chính trị Richard Heydarian nói với CNBC.

Việt Nam lên tiếng

Tại cuộc họp báo chiều 22-11 ở Hà Nội, trả lời báo giới về vấn đề này, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh: "Hợp tác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông chỉ có thể được tiến hành tại những khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982".

Hé lộ nội dung thỏa thuận khai thác dầu khí Trung Quốc - Philippines ở Biển Đông Hé lộ nội dung thỏa thuận khai thác dầu khí Trung Quốc - Philippines ở Biển Đông

TTO - Ngoại trưởng Philippines Teodoro "Teddyboy" Locsin Jr ngày 22-11 đã tiết lộ một phần biên bản ghi nhớ về việc thăm dò và khai thác dầu khí với Trung Quốc và sẽ công bố toàn văn khi được sự chấp thuận của Bắc Kinh.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên