27/06/2023 13:21 GMT+7

Thợ lặn Pháp bỏ mạng ở tàu lặn Titan và chuyện 5.000 vật phẩm của tàu Titanic

Thợ lặn người Pháp chết trong tàu lặn Titan, Paul-Henri Nargeolet, đã làm việc suốt 2 thập kỷ với một công ty, thu thập được 5.000 vật phẩm của xác tàu Titanic. Nhiều cuộc tranh cãi đã bùng nổ quanh chuyện này.

Thợ lặn Pháp bỏ mạng ở tàu lặn Titan và chuyện 5.000 vật phẩm của tàu Titanic - Ảnh 1.

Ông Paul-Henri Nargeolet bên cạnh phiên bản thu nhỏ của xác tàu đắm Titanic tại một triển lãm ở Paris năm 2013 - Ảnh: AFP

Theo trang tin Insider, Paul-Henri Nargeolet - một trong những người đã chết trong vụ nổ tàu lặn Titan - là một trong những thợ lặn xuống xác tàu Titanic giỏi nhất thế giới. 

Ông đã dẫn đầu 5 cuộc thám hiểm cho Công ty trục vớt tư nhân RMS Titanic Inc. và đã thu thập hơn 5.000 hiện vật từ xác tàu Titanic.

Di sản của ông và công ty mà ông cộng tác đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận chưa có hồi kết.

Năm 1986, RMS Titanic Inc., một công ty con của Công ty triển lãm lưu động Premier Exhibitions, đã tuyên bố quyền sở hữu xác tàu Titanic theo phán quyết của tòa án. 

Vào thời điểm đó, một số người coi RMS Titanic Inc. và thợ lặn Nargeolet là những "kẻ trộm mộ công nghệ cao".

Tuy nhiên, công ty này khẳng định sứ mệnh của họ là "khám phá xác tàu Titanic và các khu vực đại dương xung quanh; thu thập tài liệu hải dương học và dữ liệu khoa học; và sử dụng  các dữ liệu và hiện vật thu được cho những nghiên cứu thuần túy về lịch sử, giáo dục khoa học và nâng cao nhận thức cộng đồng".

Công ty cũng thường làm việc với các cơ quan quản lý đa quốc gia và các tổ chức phi lợi nhuận liên quan đến việc bảo tồn lịch sử của tàu Titanic. Dưới khẩu hiệu "Titanic: Triển lãm đồ tạo tác", công ty đã tổ chức triển lãm ở khắp nơi với những kỷ vật lấy từ xác tàu Titanic.

Mặc dù vậy, các cuộc tranh luận vẫn dai dẳng: Liệu có nên cho một công ty tư nhân sở hữu quyền đối với các hiện vật lịch sử với lý do “vì lợi ích của công chúng”? 

Căng thẳng nhất là hồi năm 2016, khi Premier Exhibitions và RMS Titanic Inc. nộp đơn xin phá sản và có ý định đưa bộ sưu tập ra đấu giá. 

Ông Robert Ballard, người đầu tiên phát hiện xác tàu Titanic, và James Cameron, đạo diễn bộ phim "Titanic" năm 1997, đã ủng hộ phong trào do các viện bảo tàng dẫn đầu nhằm tách bộ sưu tập này ra khỏi tay các chủ sở hữu và nhà sưu tập tư nhân. 

Hai công ty trên đã thất bại, cuộc đấu giá đã không bao giờ diễn ra, RMS Titanic Inc. vẫn sở hữu bộ sưu tập cho đến ngày nay.

Năm 2020, RMS Titanic Inc. tiếp tục gây ra tranh cãi khi đề nghị trục vớt máy điện báo không dây Marconi, từng được dùng để gửi các cuộc gọi cấp cứu khi tàu Titanic đang chìm. Một thẩm phán đã chấp thuận đề nghị này, nhưng công ty đã tạm dừng dự án vì lý do tài chính và đại dịch COVID-19. 

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012 với tạp chí Forbes, ông Nargeolet bị chất vấn về đạo đức của việc làm này. Ông đã trả lời dứt khoát, dù còn nhiều gièm pha, nhưng rõ ràng là việc "giáo dục và bảo tồn" lịch sử của con tàu Titanic rất cần các bộ sưu tập này. Đó là mục tiêu “giúp giữ con tàu và di sản của nó tồn tại”.

Sợi carbon trên thân tàu lặn Titan bị nghi là thủ phạm thảm kịchSợi carbon trên thân tàu lặn Titan bị nghi là thủ phạm thảm kịch

Các chuyên gia cho biết sợi carbon - một trong những vật liệu để chế tạo thân tàu lặn Titan, chưa được thử nghiệm nhiều lần ở độ sâu khắc nghiệt 4.000m.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên