06/06/2006 14:59 GMT+7

Thơ Huế: "ngẫm" lại mình sau 700 năm...

MAI ĐÌNH TOÀN
MAI ĐÌNH TOÀN

TTO - Chỉ gói gọn trong gần ba giờ quả khó trình bày hết hàng chục tham luận của các nhà thơ, nhà nghiên cứu ba miền Bắc - Trung - Nam tại hội thảo “Thơ Huế trong mạch nguồn thơ Việt” (do Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế tổ chức nhân Festival Huế và Festival thơ Huế 2006 tại TP Huế), càng khó nói hết “700 năm thơ Huế”.

tdOFdk6t.jpgPhóng to
Thơ Huế, lạ thay không cớ gì phải những đền đài, lăng tẩm, thành quách rêu phong... mà còn xuất lộ từ những vùng quê yên ả của Hương Trà, ở đó có con sông Bồ “chuyên cứu lúa”, và thi nhân vẫn có những người chân lấm tay bùn. Trong ảnh là đêm thơ của câu lạc bộ thơ sông Bồ - một CLB “quê” nổi tiếng thuộc huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế - diễn ra tại nhà Kèn công viên 3 - 2, TP Huế hưởng ứng Festival thơ Huế lần thứ 2 - ẢNH: M.Đ.T.
TTO - Chỉ gói gọn trong gần ba giờ quả khó trình bày hết hàng chục tham luận của các nhà thơ, nhà nghiên cứu ba miền Bắc - Trung - Nam tại hội thảo “Thơ Huế trong mạch nguồn thơ Việt” (do Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế tổ chức nhân Festival Huế và Festival thơ Huế 2006 tại TP Huế), càng khó nói hết “700 năm thơ Huế”.

Nhưng gần như các tham luận, các ý kiến đều có những ray rứt riêng về thơ Huế, ở đó có những tự hào nhưng ở đó còn có những trăn trở se thắt.

Thơ Huế có tự bao giờ? Ngay trong tham luận đề dẫn hội thảo của nhà thơ, PGS. TS. Hồ Thế Hà (khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Huế), thành viên ban tổ chức - đã đặt câu hỏi như vậy. Và câu trả lời của nhà thơ là: “vừa cụ thể - khả thi, vừa không cụ thể - bất khả thi, bởi lẽ, không chỉ có văn chương bác học - thành văn mà còn nền văn chương truyền khẩu - bất thành văn của Hóa Châu xưa đã hòa tan vào đời sống tinh thần của nhân dân cả nước”.

Cũng theo dẫn luận của PGS. Hà thì những bài thơ vịnh sơn thủy về vùng đất này sớm nhất là của Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tôn, Dương Văn An, Lê Quý Đôn... Và đây là một trong những điều tự hào lẫn tự tin để Hội Liên hiệp VHNT, Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện tuyển tập với mốc “700 năm thơ Huế” và không bao lâu nữa sẽ xuất bản như một mốc son về thơ Huế bởi tính “kỷ lục” của nó.

Thế nhưng thế nào là thơ Huế? Câu hỏi như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các tham luận và ý kiến các nhà thơ để những sự lý giải đều hướng đến cái “bản sắc” riêng của thơ Huế chảy trong mạch nguồn thơ Việt, hoặc cố gắng định hình về thơ Huế như một khái niệm mở.

“Chúng tôi quan niệm thơ Huế là thơ của những nhà thơ sinh ra và trưởng thành ở Huế, là thơ của những người từng đến sinh sống ở Huế và sáng tác, là thơ của những người quê Huế xa Huế, là thơ của những người vùng quê khác ghé qua Huế, chỉ dừng chân trong khoảnh khắc mơ màng trước nỗi niềm sơn Thủy Huế mà xúc cảm thành thơ...” - PGS. TS Hồ Thế Hà nhận định.

AvtCoGNO.jpgPhóng to
Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Trăng thơ” của Lê Như Hiêu, sinh viên Đại học Nghệ thuật Huế.... Đây cũng là một ý niệm về thơ, sự đột phá trong hình thức thể hiện thơ - thị giác theo cảm nhận thơ riêng của tác giả - Ảnh: Thái Lộc
Đây cũng là điều “gặp gỡ” của phần đông các nhận định khác. Nhà thơ Trần Hữu Lục (chủ biên cuốn Nhớ Huế, TP.HCM) thì ví rằng: “Sông Hương chảy từ Trường Sơn ra biển Thuận An. Trong dòng chảy có đằm hương Thạch Xương Bồ. Sông Hương có nhiều phụ lưu, nhánh rẽ (...). Xin được ví von như thế, trước khi nói về thơ Huế. Trong dòng chảy của thơ Huế cũng có nhiều nhánh thơ, trong đó có nhánh thơ Huế của những người xa Huế”.

Và riêng có với tác phẩm - cái chất Huế dễ nhận ra thơ Huế là ngay cả ngôn từ: “Chi lạ rứa chiều ni tui muốn khóc/ Nhìn chi tui - đồ cỏ mọn hoa hèn” (Chi lạ rứa - Nguyễn Thị Hoàng); hay là “Khi mô anh về thăm Huế xưa/ Nhớ gói giùm em một chút mưa/ Gói thêm mớ lạnh từ chân tóc/ Buốt thấu buồng tim vẫn chưa bưa” (Mưa Huế - Hồ Đắc Thiếu Anh); rồi địa danh khó lẫn lộn như trong Chiều cuối năm nhớ Huế của Trần Dzạ Lữ: “Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức/ Thả vào mắt em thêm một dáng u hoài...”.

Nhà thơ Phạm Xuân Nguyên cũng đến với hội thảo thơ cùng chung nhận định về thơ Huế là mặc nhiên người ta hiểu rằng “thơ viết về Huế và thơ của người Huế viết”. Nhưng ông nói thêm: “Thơ Huế rộng là thơ viết về Huế. Thơ Huế hẹp là thơ của người Huế viết. Mà như thế là vinh danh cho Huế, một vùng, một xứ thuộc số ít địa danh trên toàn cõi VN rất nên thơ và rất có nhiều thơ”.

Nhưng nhà thơ Phạm Xuân Nguyên vẫn ray rứt, cái ray rứt như vừa tự hào cho Huế vừa âu lo: “Thơ Huế lẽ nào không Huế?!” - câu hỏi có cả dấu chấm than. Bỏ qua những cái đã “mặc định hóa”, “điều kiện hóa”, “đã bị đóng khuôn”... với sông Hương, núi Ngự, lăng tẩm đền đài, nón trắng áo tím... là những thi liệu đã thành cổ điển; cũng thôi không nói nhiều về thi cảm đã thành khuôn với “mộng mơ và buồn bã”, thi tứ đã thành nếp với “hoài niệm và trầm tư”, nhà thơ Phạm Xuân Nguyên trăn trở về “cách nhìn, cách cảm” về thơ Huế hiện tại và tương lai.

Ông dẫn bài Huế của Phan Huyền Thư, ví như: “.... Huế như nàng tiên câm/ khóc thầm không nói/ Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽ/ lại sợ chạm vào nơi nhạy cảm trên cơ thể Việt Nam”. Cách nhìn, cách cảm khác mà thơ cũng “rất Huế”. Và thế là Huế đã được “lạ hóa”, Huế đã được đánh thức, “Huế đã thành không Huế”. Nó là “ống kính chiếu tập trung vàp chỗ thắt, điểm lõm mà Huế được đặt vào trên dải đất hình chữ S. Phạm Xuân Nguyên tiếp tục tỏ bày: “Phải thế chăng mà bài thơ hay này cũng bị thành nhạy cảm khiến nó không được duyệt cho vào tập thơ đầu của tác giả (Nằm Nghiêng), phải chờ thêm thời gian nữa...?”.

Nhân nói về thơ Huế, chúng tôi bỗng nhớ đến chuyện sáng tác lôgô - biểu trưng Huế trước đây. Khá nhiều tác phẩm tham gia dự thi trong đó không ít tác phẩm phải ghi thêm chữ “Huế” lồng vào tác phẩm, có ý kiến tán thành nhưng có ý kiến bất đồng: “Cớ gì phải ghi thế mới nhận ra Huế - một vùng đất quá nhiều đặc trưng, bản sắc riêng có?”.

Quay lại thơ Huế, có gì đó vẫn sáo mòn theo lối cũ, những điều mà nhà thơ Phạm Xuân Nguyên gọi rằng dễ vướng vào do áp lực truyền thống văn hóa, của đặc điểm một vùng đất. Ông nói: “Chỉ có người thơ bằng cảm xúc và cái nhìn tươi mới của mình giúp Huế và người yêu Huế phát hiện ra những vẻ đẹp khác lạ đằng sau những cảnh vật di tích đã quen thuộc và mòn trơ”, hay “những lăng tẩm như hoàn hôn níu lại đời quên lãng” (Thu Bồn).

Phạm Xuân Nguyên đánh động: phải “đập vỡ cái mặc định về Huế để tìm ra một Huế mới của hôm nay chứ không phải hôm qua” .Đương nhiên, thơ Huế lẽ nào không mang nét Huế, nhưng thơ Huế “vẫn còn đang chờ được đánh thức ở những bề sâu khác lạ của mình, giống như Huế di sản vật thể đang cố làm sống lại mình trong những phương diện khác lạ qua mỗi kỳ Festival”.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật thì chân thật với Huế, yêu Huế đến xốn xang: “Trong sự vận động chuyển đổi của thơ Việt, thơ Huế có chuyển đổi không, chuyển đổi thế nào. Hay thơ Huế vẫn khoan thai như dòng sông thơ mộng kia?”. Câu hỏi này tự thân là sự đòi hỏi cho thơ Huế trong mạch nguồn thơ Việt. Nhưng cũng chính từ đây, như nỗi ray rứt của nhà sư, nhà thơ xứ Huế -Minh Đức Triều Tâm Ảnh nhân nói về “Thơ, thiền - những đường bay và những chân trời” ông dẫn lại hai câu thơ của nhà thơ Trần Dần: Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những bay không có chân trời”.

MAI ĐÌNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên