25/02/2019 05:30 GMT+7

Thiện lành thay 'buôn thần bán thánh'

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TTO - 'Tính thiêng" trong lễ hội là một yếu tố rất quan trọng để quán xuyến, điều tiết các hành vi của người tham gia lễ hội. Nay tính thiêng văn hóa trong một số lễ hội đã bị giải thiêng'...

Thiện lành thay buôn thần bán thánh - Ảnh 1.

Hàng ngàn người dân ngồi tràn ra cả lòng đường Tây Sơn bên ngoài chùa Phúc Khánh , Hà Nội để làm lễ giải hạn chiều tối 19-2 - Ảnh: NAM TRẦN

Cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với nhà nghiên cứu di sản văn hóa truyền thống, PGS.TS TRIỆU THẾ HÙNG - sau đây sẽ lý giải nguyên nhân của mặt trái, hiện tượng phản văn hóa xảy ra tại một số lễ hội hiện nay.

Thiện lành thay buôn thần bán thánh - Ảnh 2.

"Khi phân tích thực trạng này, tôi thấy lễ hội hiện nay phát sinh nhiều vấn đề lộn xộn, phản cảm vì nhiều lý do" - ông Triệu Thế Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, mở đầu câu chuyện.

Việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để "buôn thần bán thánh" nhằm trục lợi, kiếm chác là việc trái với đạo lý, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và trái pháp luật hiện hành.

PGS.TS TRIỆU THẾ HÙNG - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội

Thương mại hóa và "phàm tục vô lối"

* Những năm gần đây, mỗi khi đến mùa lễ hội, bên cạnh những mỹ tục được lưu giữ, dư luận và báo chí phản ánh rất nhiều mặt trái, phản văn hóa diễn ra tại các lễ hội cũng như việc thực hiện các nghi thức tâm linh, ví dụ như tình trạng tranh giành, giẫm đạp, gây mất an ninh trật tự, rải tiền lẻ và đốt vàng mã tràn lan, thái quá... 

Ông phân tích như thế nào về nguyên nhân và đánh giá về tình trạng này?

- Thứ nhất, lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa được hình thành và duy trì trong xã hội nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, ngày nay được bảo tồn, phục dựng và tổ chức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, nhiều giá trị xưa trong lễ hội đã không còn phù hợp với hiện tại nhưng lại chưa mất đi, khiến việc tổ chức, tham gia sinh hoạt lễ hội gặp nhiều lúng túng.

Ví dụ, "tính thiêng" trong lễ hội là một yếu tố rất quan trọng để quán xuyến, điều tiết các hành vi của người tham gia lễ hội. Chủ thể tổ chức và tham gia lễ hội chính là cư dân địa phương, khách đến chỉ là chiêm bái, tham quan, nên mọi người đều phải ý thức về vị trí, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong lễ hội. 

Mỗi người tham gia sẽ được hưởng "lộc thánh" hay bị "thánh phạt" khi tuân thủ hay không tuân thủ những nguyên tắc của lễ hội. Điều này khiến các lễ hội diễn ra trong sự tôn nghiêm và trật tự.

Nay vì nhiều lý do, "tính thiêng văn hóa" trong một số lễ hội đã bị "giải thiêng", xem nhẹ, tranh giành của nhiều đối tượng đi dự lễ hội, đặc biệt là những người ở ngoài cộng đồng cư dân địa phương, khiến các hiện tượng "phàm tục vô lối" như tranh lấn, xô đẩy, cướp lộc, phá lộc trở nên ngày càng phổ biến hơn.

Thứ hai, xưa kia lễ hội thường chỉ gắn với một cộng đồng nhỏ như ở mỗi làng, mỗi xã. "Thánh làng nào, làng ấy thờ" nên việc kiểm soát dễ hơn, trong phạm vi của cộng đồng đó. Không gian tổ chức là trước sân đình hoặc nơi thờ tự, thường có vị trí trung tâm của cộng đồng cư dân. Thành phần tổ chức, tham gia lễ hội thì có sự phân định chủ - khách rõ ràng. 

Nay có nhiều lễ hội đã vượt ra khỏi phạm vi truyền thống với số lượng người tham gia lễ hội quá đông, đặc biệt là những người ngoài cộng đồng, khiến việc kiểm soát, quản lý lễ hội trở nên vô cùng khó khăn. Như vậy, phần lễ với không gian thiêng bị xâm lấn thành không gian hội hè, giải trí, ồn ào.

Thứ ba, việc tổ chức các lễ hội bây giờ được xem như một cơ hội để tăng thu nhập cho địa phương. Vì vậy, họ tìm nhiều cách để thu hút khách tham dự, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của du khách, kể cả những nhu cầu không phù hợp với địa điểm tâm linh, phong tục tập quán, việc thương mại hóa thái quá lễ hội đã khiến việc quản lý lễ hội trở nên vô cùng khó khăn. Việc bán thịt thú rừng giả ở lễ hội chùa Hương; việc thu phí cao, giá vé cao ở non thiêng Yên Tử... là những ví dụ.

Thứ tư, sự thiếu hiểu biết là yếu tố quan trọng khiến việc đi lễ hội của nhiều người trở nên lệch lạc. Từ những suy nghĩ không đúng dẫn đến những hành vi không đúng. 

Mới đây, trước các hành vi thái quá tại các lễ cúng dâng sao giải hạn xảy ra ở một số nơi, chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã phải ký văn bản chỉ đạo đến giáo hội Phật giáo các tỉnh, TP, trong đó nêu rõ: 

"Mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa, như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh. Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống tam giáo đồng nguyên".

Thiện lành thay buôn thần bán thánh - Ảnh 4.

Nhiều hoạt động tại lễ rước kiệu ở Miếu Bà Thiên Hậu (Bình Dương) rằm tháng Giêng 2019 được du khách khen - Ảnh: BÁ SƠN

Phúc thiện, thiện lành

* Gần đây, dư luận có ý kiến rất khác nhau về việc một số nhà đầu tư tư nhân xây dựng các công trình tôn giáo, thờ tự, với các tuyên bố về kỷ lục, sự hoành tráng, thậm chí còn quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng như một hình thức thu hút khách thập phương. 

Rồi chuyện quản lý tiền công đức từng xảy ra mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với cơ sở tôn giáo. Ông bình luận gì về tình trạng này?

- Tôi cho rằng việc các cá nhân hay cộng đồng đầu tư xây dựng các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo với mục đích công đức, thiện nguyện, làm lợi lạc cho đời sống văn hóa cộng đồng là việc làm tốt, việc phúc thiện. 

Việc tư nhân xây đền, phủ, chùa chiền... để cầu phúc, tạ ơn trời đất, ghi nhớ công đức của các anh hùng dân tộc nhằm cầu quốc thái dân an, tạo dựng biểu tượng hướng thiện cho xã hội là việc làm thiện lành, không phải đến ngày hôm nay mới có, mà việc này đã có từ lâu đời. 

Qua nhiều tư liệu chúng ta thấy rất nhiều cơ sở thờ tự nay đã được công nhận di tích di sản do công đức của cá nhân là các bà hoàng hậu, bà phi, các quan và nhiều cộng đồng dân cư...

Nhưng việc dựng chùa to lớn đến như vậy có phù hợp hay không phù hợp với triết lý đạo Phật, với mỹ cảm của người Việt và với hoàn cảnh kinh tế đất nước hiện nay? 

Vấn đề nữa rất quan tâm là những nơi thờ tự đó có xuất phát từ nhu cầu của người dân địa phương trong việc thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hay có được lợi ích gì khi một diện tích lớn ruộng đất hoa màu đã trở thành dự án xây khu du lịch tâm linh, đặc biệt là liên quan đến câu chuyện minh bạch về tiền bạc từ nguồn thu các dịch vụ tâm linh này (cộng đồng sẽ được gì, có nộp ngân sách không...).

Tôi cho rằng để làm tốt việc quản lý chùa mới xây, chúng ta cần giải quyết một số vấn đề sau: Một, quan hệ giữa chủ đầu tư và cộng đồng địa phương. Hai, quản lý minh bạch nguồn thu chi của chùa. Ba, tổ chức các hoạt động nghi lễ, du lịch tâm linh và các hoạt động khác phù hợp với bản chất của tôn giáo, tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục truyền thống của dân tộc.

Tôi nghĩ để việc xây dựng cơ sở thờ tự có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của tín ngưỡng, tôn giáo, cộng đồng và đất nước, chúng ta nên xác định rõ ràng một số nguyên tắc sau:

Một là xây dựng chùa ở một địa phương là vì mục đích cho cộng đồng và vì cộng đồng. Không gắn với cộng đồng, bảo đảm lợi ích đồng đều cho mọi đối tượng có liên quan ở cộng đồng thì việc xây dựng và quản lý chùa sẽ không bền vững.

Hai là những giá trị tốt đẹp của tôn giáo phải được trân trọng, phải coi là trung tâm và là ưu tiên đầu tiên. Mọi hoạt động khác phải xoay quanh và phục vụ các giá trị này.

Ba là hình thành các quy chế, quy định cụ thể, rõ ràng đối với các cơ sở thờ tự mới.

Bốn là luôn xem tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho khách tham quan, người hành lễ trên cơ sở giáo lý tôn giáo làm cơ sở cho các hành vi đúng đắn của mọi người tại cơ sở tôn giáo mới.

* GS.TS Lâm Mỹ Dung (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội):

Người dân còn biết sợ, cầu an thì xã hội yên ổn

lam my dung 25-2 2(read-only)

Dâng sao giải hạn là một thực hành tín ngưỡng lâu đời, không phải mới phát sinh gần đây. Nhu cầu dâng sao giải hạn là một nhu cầu rất thực tế và thực dụng của người dân.

Có rất nhiều chùa hoạt động dâng sao giải hạn diễn ra trong thanh bình. Và những người dân dâng sao họ không nghĩ quá nhiều đến những triết lý gì sâu xa, họ đơn giản mong an lành và may mắn cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng. Họ tin rằng những đồng tiền gửi vào là số tiền dầu đèn để nhà chùa trong năm thực hiện những nghi lễ, nghi thức cần thiết.

Tôi cho rằng chừng nào con người còn biết sợ, biết cầu an cho gia đình, người thân thì xã hội còn yên ổn. Về phương diện xã hội, hoạt động tín ngưỡng góp phần ổn định tâm lý cho người dân, nhất là trong thời kỳ xã hội có nhiều bất ổn như hiện nay.

Tôi nghĩ những người quản lý, những người nghiên cứu cũng như các cơ quan truyền thông phải rất bình tĩnh đánh giá những phong tục tập quán liên quan đến đời sống tâm linh của người Việt với tinh thần hỗn dung tín ngưỡng tôn giáo, để từ đó đưa ra cách giải quyết hiệu quả hơn từng vấn đề phát sinh.


* Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội):

Tâm linh bị thương mại hóa tạo ra tâm lý ỷ lại

khuat thu hong 25-2 2(read-only)

Việc tư nhân đầu tư xây dựng những ngôi chùa lớn có tính thẩm mỹ cao ở một khía cạnh nào đó đem lại giá trị văn hóa, kiến trúc cho xã hội. Tuy nhiên, nếu quản lý chùa theo xu hướng thương mại hóa thì thành phản cảm.

Bởi sinh hoạt tâm linh vốn mang tính thiêng, khuyến khích con người làm điều thiện. Một khi tâm linh bị thương mại hóa sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho con người. Thay vì lao động, họ chỉ nghĩ đến cầu cúng để đạt được sở nguyện.

Rất khó giải thích xã hội đang thiếu bệnh viện, trường học, tại sao những người có tiền không đầu tư vào đây, thay vì làm đền chùa. Vì xét cho cùng, người có tiền họ đổ tiền vào đâu cũng được. Tuy nhiên, dư luận hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi tư nhân xây đền chùa lớn, sử dụng nguồn đất đai rộng lớn ở mỗi địa phương sẽ mang lại điều gì, có tác động tốt, xấu như thế nào đến cộng đồng?

NGỌC DIỆP ghi

Cần dẹp bỏ việc dâng sao giải hạn Cần dẹp bỏ việc dâng sao giải hạn

TTO - Riêng chuyện dâng sao giải hạn, nhiều chùa đang lợi dụng sự mê tín của người dân, cố tình phớt lờ giáo lý nhà Phật, biến lễ dâng sao giải hạn thành chuyện kinh doanh ồn ào bán mua, kiếm hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên