Thí sinh vào phòng thi trong kỳ thi đánh giá năng lực năm 2018 của ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đây được xem như một phương thức tuyển sinh bổ sung. Vậy các trường tìm kiếm thí sinh có năng lực gì?
Tăng thêm cơ hội trúng tuyển
Đây là năm thứ hai ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến tối đa 40%. Hiện đã có hơn 9.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi này. Kỳ thi gồm hai đợt: đợt 1 (ngày 31-3) tại TP.HCM và khu vực ĐBSCL (Bến Tre); đợt 2 (7-7) tại TP.HCM, khu vực ĐBSCL (Cần Thơ hoặc An Giang), khu vực miền Trung (Quy Nhơn hoặc Đà Nẵng).
TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết: "Kỳ thi nhằm đánh giá năng lực học ĐH của thí sinh. Tham gia kỳ thi này, thí sinh sẽ có thêm cơ hội để xét tuyển vào các đơn vị thành viên, đồng thời vẫn được đăng ký thêm các hình thức khác.
Ngoài ra, kết quả thi được 12 trường ĐH, CĐ khác ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng để tuyển sinh năm 2019. Đặc biệt, thí sinh có thể thi nhiều lần trong năm để sử dụng kết quả thi cao nhất (trong thời hạn công nhận) đăng ký xét tuyển".
Thí sinh tham dự kỳ thi kiểm tra năng lực Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ phải thi một môn bắt buộc (toán) và một trong các môn tự chọn (vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh) theo yêu cầu xét tuyển của từng ngành, kết quả dùng để xét tuyển tất cả các ngành với 40-60% tổng chỉ tiêu.
TS Hà Việt Uyên Synh, trưởng phòng đào tạo ĐH nhà trường, cho hay: "Thí sinh được lựa chọn môn thi sở trường của mình, được đánh giá đúng năng lực thực tế và nội dung đề thi gói gọn trong kiến thức chương trình THPT, diễn ra trong hai ngày 25 và 26-5 tại trường".
Trong khi đó, năm nay Trường ĐH Luật TP.HCM tiếp tục tuyển sinh qua hai bước (xét tuyển và kiểm tra năng lực) với ba tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm bài kiểm tra năng lực). Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn từng ngành và từng tổ hợp.
"Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực, thí sinh phải đăng ký xét tuyển sơ bộ theo đúng thời gian quy định của trường" - ThS Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, lưu ý.
Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 30% chỉ tiêu. Kỳ thi được trường tổ chức nhiều đợt trong năm, đợt đầu vào tháng 5-2019. Thí sinh chọn dự thi hai trong các môn: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh; trong đó một môn bắt buộc và một môn tự chọn (tùy ngành).
Trường ĐH Hoa Sen cũng vừa bổ sung phương thức tuyển sinh bằng thi đánh giá năng lực do trường tổ chức với 10% chỉ tiêu. Phương thức này chủ yếu dựa vào học bạ lớp 10, 11, học kỳ 1 lớp 12 và kết quả thi đánh giá năng lực bằng hình thức trắc nghiệm trong 30 phút các kiến thức xã hội, hội nhập quốc tế, khả năng phân tích, tư duy logic và hiểu biết về ngành nghề.
Đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH
Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Cụ thể, bài thi này đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ về mặt kiến thức cả về mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
TS Trần Tiến Khoa, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đề thi kiểm tra năng lực của trường cũng theo dạng thức đề thi SAT. Đề thi trắc nghiệm được soạn theo hai phiên bản (tiếng Anh và tiếng Việt).
"Nội dung đề thi vận dụng kiến thức chương trình THPT. Đề thi có 50% số câu hỏi dễ với mục tiêu đánh giá năng lực ghi nhớ và vận dụng kiến thức thí sinh; 20% câu hỏi độ khó trung bình về năng lực suy luận tổng hợp; 15% câu hỏi tương đối khó về năng lực tính toán và suy luận phức tạp; chỉ có 5% câu hỏi rất khó đánh giá năng lực tổng hợp ở mức độ cao và tính sáng tạo..." - ông Khoa cho hay.
ThS Lê Văn Hiển "tiết lộ" bài kiểm tra năng lực của Trường ĐH Luật TP.HCM bao gồm những nội dung liên quan đến bốn lĩnh vực: kiến thức về pháp luật, quan niệm về công lý; kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp; tư duy logic và khả năng lập luận.
"Để làm bài kiểm tra năng lực này, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào. Những kiến thức được sử dụng khi làm bài được thí sinh tích lũy trong quá trình trưởng thành của mình" - ông Hiển nhấn mạnh. Kỳ thi của ĐH này sẽ tổ chức kiểm tra năng lực tại TP.HCM sau tám ngày, kể từ khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT quốc gia năm 2019.
Cấu trúc đề thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, làm bài 150 phút, cấu trúc gồm ba phần: phần 1 - sử dụng ngôn ngữ với 40 câu hỏi (20 câu tiếng Việt, 20 câu tiếng Anh).
Đánh giá kiến thức văn học khả năng dùng từ, khả năng đọc hiểu, khả năng phân tích bài viết tiếng Việt và tiếng Anh. Phần 2 - toán học, tư duy logic và phân tích số liệu với 30 câu hỏi về toán phổ thông, các bài suy luận và xác định các quy luật logic, các bài phân tích và chọn phương án trả lời tương ứng với từng bảng số liệu cho trước. Phần 3 - giải quyết vấn đề với 50 câu hỏi các lĩnh vực khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học) và những vấn đề liên quan đến kiến thức khoa học xã hội (địa lý, lịch sử, chính trị, xã hội).
"Điểm số tối đa của bài thi là 1.200, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400, phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm" - ông Chính cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận