20/01/2024 08:46 GMT+7

Thể thao Việt Nam: Tuyên chiến với tiêu cực

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ xử lý nghiêm sai phạm để làm trong sạch và phát triển thể thao Việt Nam.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết đẩy lùi tiêu cực ở thể thao Việt Nam - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết đẩy lùi tiêu cực ở thể thao Việt Nam - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Những ngày qua, thông tin về vụ việc tiêu cực diễn ra ở đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) quốc gia đã gây xôn xao dư luận. VĐV Phạm Như Phương - thành viên đội TDDC nữ - tuyên bố giải nghệ ở tuổi 20.

Như Phương sau đó tố mình bị kỷ luật không cho tập trung đội TDDC nữ quốc gia 2024 một cách oan ức. Cô còn thông tin về rất nhiều tiêu cực ở đội tuyển như VĐV phải trích phần trăm từ tiền thưởng huy chương nộp cho HLV để đưa vào quỹ đội, VĐV không đi tập vào ngày nghỉ vẫn được chấm công và chia một nửa tiền lương cho HLV... Những thông tin này đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của thể thao Việt Nam.

Như Phương thi đấu tại SEA Games 31 - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Như Phương thi đấu tại SEA Games 31 - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Vì đâu nên nỗi?

Một số nội dung VĐV Phạm Như Phương tố cáo những ngày qua đã được Cục TDTT và ngành thể thao Hà Nội (đơn vị chủ quản của VĐV) xác minh và cơ bản đã được sáng tỏ. Đầu tiên là việc VĐV đi Mỹ về nước và bị kỷ luật vì chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. 

Ngành thể thao đã xác định có việc VĐV xin nghỉ phép đi Mỹ vào tháng 12-2023. Dù vậy, hai HLV trực tiếp nhận thông tin là Nguyễn Hà Thanh, Nguyễn Thùy Dương đã quên báo cáo sự việc cho HLV trưởng và lãnh đạo bộ môn. Đây là sai sót nghiêm trọng của HLV.

Tuy nhiên, dù chưa có bất cứ văn bản nào cho phép của đội tuyển nhưng VĐV Phạm Như Phương đã tự ý lên đường sang Mỹ. Khi đội tuyển quốc gia tập trung, do không có mặt tại Việt Nam nên cô không được ngành thể thao Hà Nội giới thiệu lên đội tuyển quốc gia tập trung năm 2024 để làm nhiệm vụ quốc tế.

Liên quan đến việc VĐV tố bị ăn chặn 10% tiền thưởng huy chương (khoảng 2,5 triệu đồng/HCB SEA Games), 50% tiền thưởng nóng (dưới 2,5 triệu đồng), câu chuyện vẫn đang được xác minh làm rõ. HLV Thùy Dương và các HLV đội tuyển quốc gia xác nhận có nhận tiền của VĐV nhưng tiền đó được giải thích nộp vào quỹ đội, không có chuyện ăn chặn, biển thủ. Tiền quỹ đội được dùng vào việc mua thêm trang thiết bị tập luyện, liên hoan, đối nội - đối ngoại cho đội TDDC quốc gia và Hà Nội.

Câu chuyện về quỹ đội tiếp tục có nhiều ý kiến trái chiều bởi không có quy định nào cho phép VĐV, HLV, cán bộ chuyên môn lập quỹ đội và thu tiền của VĐV từ thành tích họ giành được. Dù vậy, rất nhiều đội tuyển quốc gia cũng như địa phương đều có quỹ này trong suốt chiều dài lịch sử của thể thao Việt Nam.

Ông Dương Đức Thủy (nguyên là VĐV, HLV, trưởng bộ môn điền kinh, Cục TDTT) cho biết: "Mục đích của VĐV, HLV lập quỹ cũng là vì điều tốt bởi nó phục vụ công việc của các đội tuyển. Quan trọng là sử dụng nó thế nào, minh bạch hay không. Qua câu chuyện của VĐV Phạm Như Phương, điều tôi lo lắng nhất là nó tạo tâm lý tiêu cực, chán nản khiến các VĐV, HLV bỏ ngành".

Sở VH-TT TP.HCM ra văn bản cấm việc dùng quỹ VĐV chi tiền bồi dưỡng HLV, cán bộ thể thao - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Sở VH-TT TP.HCM ra văn bản cấm việc dùng quỹ VĐV chi tiền bồi dưỡng HLV, cán bộ thể thao - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Không được lấy tiền của VĐV để bồi dưỡng cán bộ

Để xử lý dứt điểm tiêu cực, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký công văn yêu cầu Cục TDTT chấn chỉnh công tác tập huấn các đội tuyển quốc gia. Bộ sẽ xử lý nghiêm sai phạm để làm trong sạch thể thao Việt Nam. 

Lãnh đạo bộ cho biết nếu sự việc nghiêm trọng, thanh tra bộ sẽ vào cuộc để làm rõ. Cao hơn, nếu có dấu hiệu của việc tham nhũng, khai khống ngày công tập luyện, rút tiền ngân sách tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, cơ quan điều tra sẽ xử lý.

Ông Đặng Hà Việt, cục trưởng Cục TDTT, khẳng định ngành thể thao không cho phép thu tiền của VĐV để nộp vào quỹ đội. Dù đội tuyển TDDC quốc gia đang khẩn trương chuẩn bị cho vòng loại Olympic Paris nhưng công tác giải trình, xử lý vẫn được tiến hành quyết liệt. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định với Tuổi Trẻ sẽ làm rất nhanh để minh bạch hóa thể thao Việt Nam; sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, giữ gìn hình ảnh của ngành. 

Trong khi đó, ngay trong ngày 19-1, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã có hành động quyết liệt khi đã ban hành công văn số 294. Theo công văn, sở đề nghị công khai, niêm yết về tài chính, các chế độ chính sách đến lực lượng HLV, VĐV và các cá nhân có liên quan theo đúng quy định.

Đối với hình thức thành lập quỹ, nhóm tổ từ VĐV (nếu có) với mục đích bổ sung dinh dưỡng, giải trí, sinh hoạt... phải được sự đồng thuận của các thành viên, có quy định, công khai, minh bạch và được sự chấp thuận của lãnh đạo đơn vị, bộ môn, ban huấn luyện. 

Tuyệt đối nghiêm cấm dùng tiền quỹ đội để bồi dưỡng HLV, cán bộ và các mục đích khác. Nghiêm cấm các hình thức trích tỉ lệ phần trăm từ chế độ của VĐV.

TP.HCM cấm dùng quỹ đội để bồi dưỡng huấn luyện viên, cán bộ thể thaoTP.HCM cấm dùng quỹ đội để bồi dưỡng huấn luyện viên, cán bộ thể thao

Ngày 19-1, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã ra văn bản chỉ đạo cấm việc sử dụng quỹ đội để bồi dưỡng huấn luyện viên, cán bộ thể thao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên