Không có quân tình nguyện VN, không thể giải phóng CampuchiaCampuchia đề cao lập trường chung của ASEAN về biển ĐôngThủ tướng Campuchia Hun Sen thăm Việt Nam
Phóng to |
Thủ tướng Campuchia Hun Sen gặp gỡ cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia sáng 27-12 - Ảnh: Việt Dũng |
Mở đầu, ông nói mình cần 300 giờ đồng hồ, thậm chí 300 ngày, mới nói được hết tâm sự, hết những gì đã xảy ra từ quá khứ đến ngày nay trong quan hệ giữa Campuchia và VN. “Chúng ta đã cùng nhau lật đổ Pol Pot. Hồi đó 28 tiểu đoàn của tôi so với 23 sư đoàn của Pol Pot thì ít quá, không làm được, phải có sự giúp đỡ của quân tình nguyện VN. Nếu không có sự giúp đỡ này và không có sự ủng hộ của dân Campuchia, không thể giải phóng đất nước nhanh như thế” - Thủ tướng Hun Sen mở lời. Theo ông, nếu chỉ lực lượng của Campuchia thì phải mất ít nhất năm năm mới giải phóng được đất nước, mà như thế thì “dân Campuchia chết hết rồi”.
“VN đã phải trả giá rất cao”
Để đưa đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng của Pol Pot và hồi sinh, thủ tướng Campuchia ghi nhận VN đã phải trả giá rất cao và phải mất hơn 30 năm sau, thế giới mới công nhận những hi sinh đó. Trong khoảng thời gian ấy, VN “vừa hi sinh tính mạng của dân VN, quân đội VN, vừa hi sinh tài sản của VN, vừa hi sinh chính trị, ngoại giao... Hồi đó VN bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia. Đưa được Ieng Sary ra tòa, người ta mới công nhận sự hi sinh của VN”.
Vị thủ tướng 61 tuổi, lãnh đạo chính phủ đã được 29 năm, cũng là người nhiều năm gắn bó với các nhà lãnh đạo của VN. Ông nhắc lại những lần làm việc với cố Phó thủ tướng - bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu... Điều quan trọng nhất xuyên suốt hơn ba thập niên qua, theo ông tự nhận, là “cho dù đất nước có thay đổi nhưng quan hệ chúng ta không thay đổi”.
Buổi gặp gỡ hơn 500 cựu chuyên gia, quân tình nguyện VN diễn ra trong không khí thân tình, đầm ấm và đầy tiếng cười. Trong bầu không khí đó, thủ tướng Campuchia khẳng định rằng “bản chất của Hun Sen không thay đổi” và “trước cũng như hiện nay quan hệ chúng ta tiếp tục tốt”.
Điều khiến ông trân trọng trong quan hệ giữa hai nước là VN luôn tôn trọng độc lập và chủ quyền của Campuchia. “VN sang đó dù có quân đội, chuyên gia nhưng tôn trọng quyết định của Campuchia... Anh Lê Đức Anh (tức nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - PV) luôn khẳng định: Hun Sen, đồng chí làm gì cứ làm, kinh tế làm gì cứ làm”.
Nghĩa ân tình
“Nhắc lại những lúc khó khăn, tôi vẫn khẳng định với các đồng chí, dù thế giới có chuyển biến, tình hình có chuyển biến, ASEAN đã có 10 nước nhưng tình đoàn kết VN - Campuchia - Lào vẫn tiếp tục... Không có ngày hôm qua thì không có ngày hôm nay, không có ngày hôm nay thì không có ngày mai. Nghĩa là nếu không có ngày 2-12-1978, ngày thành lập Mặt trận Campuchia thì không có ngày 7-1-1979 (ngày giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot - PV); không có ngày 7-1 thì không có ngày nay. Đây là khách quan lịch sử. Dù kẻ nào xuyên tạc nhưng đó là thực tế lịch sử” - Thủ tướng Hun Sen khẳng định.
Nhân dịp này, Thủ tướng Hun Sen nhờ các cựu chuyên gia, tình nguyện viên gửi lời hỏi thăm của ông tới gia đình họ và nói ông sẽ tìm cách tìm và đưa hài cốt của các đồng chí đã hi sinh trong chiến đấu ở Campuchia hồi hương. Ông cho biết đã trao đổi với chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN về việc tổ chức cho những thanh niên có cha hi sinh ở Campuchia hồi hương, hoặc mất ở VN nhưng trước đây đã chiến đấu ở Campuchia, sang thăm Campuchia để biết chỗ cha của mình đã chiến đấu, để làm cho thanh niên hiểu hơn về quan hệ gắn bó giữa hai nước.
Quay trở lại hiện tại, Thủ tướng Hun Sen cho biết vì Campuchia đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp nên bên cạnh những khoản VN tiếp tục cho không, hai bên cần tính toán lại về quan hệ kinh tế - đầu tư. Hiện nay, thương mại song phương đạt trên 3 tỉ USD và hai chính phủ đặt kế hoạch đạt 5 tỉ USD vào năm 2015; khách du lịch VN sang Campuchia đạt 800.000 lượt năm 2013 và mục tiêu là 1 triệu trong năm tới. “(Khách) du lịch của Campuchia sang VN và ngược lại ăn rất nhiều, tiền rất nhiều, xài tiền còn hơn phương Tây” - ông nói.
Tâm sự những người lính Từ Hải Phòng về Hà Nội dự lễ gặp mặt, đại tá Nguyễn Quang Nam kể rằng ông rất xúc động vì Thủ tướng Hun Sen đã chia sẻ tâm tình rất thân mật, bỏ qua mọi nghi lễ ngoại giao. Có mặt tại Phnom Penh từ tháng 1-1979 đến tháng 9-1989, đại tá Nam cho biết đi đến đâu cũng được quân và dân Campuchia đùm bọc, giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ đánh lại lực lượng tàn quân của Pol Pot theo tinh thần “đánh đến đâu, xây dựng chính quyền đến đấy”. Những người lính tình nguyện, chuyên gia VN đã sang giúp bạn với tinh thần tình nguyện quốc tế. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Xuyên, 69 tuổi - hiện sống tại Giáp Bát (Hà Nội). Được Tổng công ty Bách hóa Hà Nội giao nhiệm vụ sang hỗ trợ chuyên môn kế toán cho bạn, nhưng việc đầu tiên bà làm khi đặt chân đến Phnom Penh năm 1979 là dọn dẹp đống hoang tàn do quân Pol Pot để lại. “Lính tình nguyện, chuyên gia VN đã sát cánh với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, bước đầu xây dựng cuộc sống mới. Những năm tháng đó, chúng ta không quên sự chia sẻ đùm bọc che chở của cán bộ chiến sĩ Campuchia, hiểu rõ tình đoàn kết, tài sản chung vô cùng quý giá của hai dân tộc” - ông Nguyễn Văn Đệ, phó trưởng ban liên lạc cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện VN - Campuchia, nguyên bí thư Trung ương Đoàn, nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận