27/06/2011 07:46 GMT+7

Trung Quốc cần hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung diễn ra ngày 26-6 (giờ Việt Nam) với việc Washington kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế để tránh gây căng thẳng trên biển Đông thông qua đối thoại.

ECzZlewS.jpgPhóng to

Tàu hải tuần 31 của Trung Quốc đậu tại Singapore ngày 20-6 - Ảnh: Reuters

“Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rõ ràng và thẳng thắn về các vấn đề - AFP dẫn tuyên bố của trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Kurt Campbell - Chúng tôi muốn hạ nhiệt căng thẳng... và đang tìm kiếm giải pháp cho đối thoại của tất cả các bên đóng vai trò chính”. Đây là cuộc gặp chính thức Mỹ - Trung đầu tiên có nội dung tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm “hiểu rõ hơn về ý định, chính sách và hành động của nhau về khu vực”.

Ông Campbell lặp lại quan ngại của Mỹ về chương trình phát triển quân sự của Trung Quốc và hối thúc Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn CHDCND Triều Tiên tiếp tục có những hành động khiêu khích. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải không đưa ra tuyên bố gì.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đã có một tuần lời qua tiếng lại về tranh chấp ở biển Đông. Đầu tuần trước, ông Thôi đã lên tiếng cảnh báo Mỹ “không nên đùa với lửa” và chỉ nên đóng vai trò kêu gọi các bên tranh chấp ở khu vực Đông Nam Á kiềm chế. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 23-6 bày tỏ lo ngại các va chạm trên biển Đông thời gian gần đây có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.

Mỹ mới đây tiếp tục tuyên bố giúp đỡ Philippines tăng cường sức mạnh quân sự và tình báo, sau khi loan báo hai nước sẽ có cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày tại khu vực nhạy cảm gần đảo Palawan. “Các đợt tập trận nhằm chứng tỏ rằng Philippines và Mỹ vẫn còn rất thân thiết. Philippines hi vọng Trung Quốc sẽ cảm nhận rõ” - chuyên gia chính trị Ben Lim thuộc Đại học Atenoeo, thủ đô Manila nhận định.

Anh cũng lên tiếng quan ngại về căng thẳng ở biển Đông. Chín nghị sĩ thuộc các đảng ở hạ viện nước này hôm 24-6 đã ký trình lên bản kiến nghị, trong đó thể hiện “quan ngại về tình hình tranh chấp leo thang tại biển Đông”, và kêu gọi các nước tiếp cận đa phương lẫn song phương để giải quyết căng thẳng.

Ở Bắc Á, Chính phủ Nhật hôm 24-6 lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc tự ý xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của nước này mà không xin phép, sau khi lực lượng tuần tra bờ biển Nhật Bản phát hiện một tàu Trung Quốc cách bờ 330km tại vùng biển đông bắc gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Chiếc tàu tên Nan Fen, được cho là đang khảo sát nồng độ phóng xạ trong nước biển, chỉ rời đi bốn giờ sau khi nhận được cảnh báo. Tuy nhiên, Jiji Press dẫn lời chánh văn phòng nội các Nhật Bản khẳng định “chúng tôi không cho phép nghiên cứu khoa học nào mà không có sự đồng ý của chúng tôi”, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh phải xin phép nếu muốn đi vào vùng biển đặc quyền trong phạm vi 200 hải lý (khoảng 370km).

Cùng lúc, Bộ Quốc phòng Nhật thông báo phát hiện 11 tàu chiến Trung Quốc ở phía nam đảo Okinawa. Dù xuất hiện trên vùng biển quốc tế cách bờ 1.500km, song như AP cho biết vụ việc được đánh giá khá nhạy cảm khi Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp đảo ở đông bắc Trung Quốc.

Giải quyết bất đồng trên biển thông qua đàm phán

Ngày 25-6 tại Bắc Kinh, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã gặp ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình biển Đông thời gian gần đây.

Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã trình bày lập trường và chủ trương của phía Trung Quốc về việc phát triển quan hệ song phương và vấn đề trên biển. Trước đó, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã hội đàm với Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân.

Hai bên khẳng định cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc”; thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.

TTXVN

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên