* 2.000/10.000 lao động VN đang ở nơi có bạo động
Ông Hùng giải thích: “Libya có diện tích lên tới trên 1,7 triệu km2; hiện hơn 10.000 công dân VN đang sống rải rác tại các địa bàn trong cả nước, nhiều người hiện ở sâu trong vùng sa mạc.
Phóng to |
Phóng to |
Bản đồ Libya và các nước |
Mấy ngày nay chúng tôi nhận được điện thoại của các công dân VN đề nghị giúp đỡ trực tiếp bằng cách đưa xe đến tận nơi và rời khỏi Libya, nhưng với nguồn lực hạn chế, nhất là đại sứ quán có rất ít người, nên chúng tôi đang nghiên cứu phương án sơ tán phù hợp.
Trong cơn hỗn loạn chính trị hiện nay, tình trạng cướp bóc bắt đầu tràn lan. Các cửa hàng đã đóng cửa từ vài ngày nay. Đại sứ quán đã khuyến cáo công dân VN ở nguyên tại chỗ tìm mọi cách để tự bảo vệ, đồng thời tránh xung đột với các thành phần hung hãn. Và điều quan trọng nhất là tăng cường các biện pháp an toàn, đảm bảo có đủ lương thực, giữ gìn hộ chiếu cẩn thận và duy trì liên lạc với đại sứ quán.
Hiện nay, Đại sứ quán VN đang nghiên cứu, tìm kiếm các địa điểm để tập kết bà con khi cần thiết. Riêng đại sứ quán vẫn hoạt động bình thường”.
Trong khi đó, chiều 23-2, ông Nguyễn Xuân Vui - tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và thương mại hàng không (Airseco) - cho biết Airseco đã có phương án đưa lao động của mình về nước nếu tình hình ở Libya tiếp tục bất ổn.
Theo ông Vui, trong số 10.000 lao động VN đang ở Libya có khoảng 2.000 lao động “mắc kẹt” tại thành phố Benghazi, nơi đang là điểm nóng đã xảy ra bạo động lớn. Ngày 23-2, ông Vui cho biết ông vẫn liên lạc được với cán bộ quản lý lao động của mình tại thành phố này, và theo cán bộ này, hiện 200 lao động của Airseco cũng như các lao động VN khác đã được yêu cầu ở yên trong nhà, không được ra ngoài đường.
Ông cũng cho biết chủ sử dụng lao động của Airseco tại Libya là một đối tác Trung Quốc và đối tác này cũng là chủ sử dụng khoảng 30.000 lao động Trung Quốc tại Libya. Vì thế phía đối tác đã có phương án đưa lao động của mình về, đồng thời đưa cả số 200 lao động VN về cùng. Khi cần thiết, đối tác sẽ đưa lao động qua Hi Lạp để từ đó đưa về bằng đường hàng không. Cũng có thể sẽ đưa cả lao động về bằng đường biển.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-2, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết Công ty cung ứng nhân lực quốc tế thương mại Sona (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đã báo cáo với cục phương án phối hợp với đối tác phía Libya để di tản lao động VN của công ty qua Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Phía Sona đề nghị cục cũng như các cơ quan ngoại giao hỗ trợ các thủ tục để thực hiện phương án này. Ông Quỳnh cho biết ngoài Sona, các doanh nghiệp khác chưa báo cáo hay đề xuất phương án di tản lao động với cục.
Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có quyết định về việc sơ tán công dân VN về nước.
Theo ông Vui, trong trường hợp phải sơ tán lao động về nước thì đó là vấn đề rất lớn bởi “đưa 10.000 lao động về nước trong bối cảnh hai sân bay của Libya đã ngừng hoạt động là việc vô cùng khó”.
Trước đó, khoảng 14g (giờ VN) Tuổi Trẻ đã liên hệ được với một lao động tên Bằng của Công ty Airseco. Anh cho biết hiện đang phải ở tại chỗ theo yêu cầu của chủ sử dụng lao động vì bên ngoài đang có bạo động. Anh em dù đang an toàn nhưng cũng rất hoang mang. Các lao động được thông báo có thể sẽ được di tản sang một nước nào đó gần Libya để về nước, việc liên lạc về với gia đình hầu như là không thể. Cuộc nói chuyện chỉ được vài phút rồi sóng điện thoại chập chờn và tắt hẳn. Dù sau đó Tuổi Trẻ cố liên hệ thêm hàng chục lần với nhiều lao động khác nhưng không thể nối máy.
Liên Hiệp Quốc yêu cầu Libya “chấm dứt bạo lực ngay lập tức” Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau cuộc họp khẩn cấp ngày 22-2 đã yêu cầu Libya “chấm dứt lập tức” tình trạng bạo lực và lên án việc đàn áp những người biểu tình của chính quyền Muammar Gaddafi. Theo AFP, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã “yêu cầu chính quyền Libya phải có trách nhiệm bảo vệ người dân, yêu cầu chính quyền Libya phải hành động kiềm chế, phải tôn trọng các quyền con người và luật nhân đạo quốc tế”. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi cần có hành động đối với những người chịu trách nhiệm về các vụ đàn áp đẫm máu nhất tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi vừa qua. Theo những con số chính thức được đưa ra, có 300 người, trong đó có 58 binh lính, đã thiệt mạng kể từ khi biểu tình diễn ra ngày 15-2. TRẦN PHƯƠNG |
Ngày 23-2, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã khẩn trương di tản công dân nước mình khỏi Libya trước tình hình bạo lực vẫn đang diễn biến phức tạp tại nước này.
* Ấn Độ: “Các thỏa thuận để di tản công dân của chúng tôi khỏi Libya đang được hoàn tất - quan chức ngoại giao Ấn Độ Nirupama Rao tuyên bố ở New Delhi ngày 22-2 - Đây sẽ là một chiến dịch khá vĩ đại. Chúng tôi không chỉ thỏa thuận về các chuyến tàu hoặc máy bay mà còn phải xin phép cơ quan chức năng Libya để vào nước này”. Hiện có khoảng 18.000 người Ấn Độ đang ở Libya, trong đó 3.000 người sống tại thành phố bạo lực nhất hiện nay là Benghazi. Ấn Độ cho biết một chiếc tàu có sức chở 1.000 người của nước này đang neo chờ ở biển Đỏ. Kế hoạch của Ấn Độ là sẽ chuyển 13.000 công dân tại Tripoli đến Tunisia, số còn lại đến khu vực phía đông Ai Cập, sau đó đưa họ về nước bằng đường biển và đường hàng không.
* Trung Quốc: Nước này cho biết sẽ điều động máy bay dân sự, các tàu và tàu đánh bắt cá cỡ lớn ở các vùng biển lân cận đến Libya giúp di tản hơn 30.000 người Trung Quốc, trong đó có hàng chục người bị thương. Hầu hết số lao động Trung Quốc này làm việc trong các lĩnh vực dầu mỏ, viễn thông và đường sắt. Ngày 23-2, một máy bay đã xuất phát từ Bắc Kinh đến Athens (Hi Lạp) trong khi Chính phủ Trung Quốc vẫn đang chờ giấy phép hạ cánh từ Libya. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có kế hoạch thuê các tàu khách cỡ lớn và xe buýt để hỗ trợ.
Trung Quốc cũng thành lập trung tâm khẩn cấp do Phó thủ tướng Trương Đức Giang đứng đầu nhằm hỗ trợ không chỉ công dân Trung Quốc đại lục mà còn của Hong Kong, Macau và Đài Loan. Theo Tân Hoa xã ngày 23-2, có 83 người Trung Quốc tại Libya đã qua biên giới đến Ai Cập. Dự kiến sẽ còn nhiều người nữa được đưa đến Alexandria, thành phố lớn thứ hai Ai Cập, trước khi lên máy bay về Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc ở Ai Cập cho biết hàng chục chuyến xe buýt con thoi đã được sử dụng để chở người di tản từ biên giới.
*Bangladesh, Sri Lanka: Nước có đông dân ở Libya khác là Bangladesh cho biết đang cân nhắc khả năng đưa toàn bộ 60.000 công dân của mình rời khỏi Libya an toàn. Theo AFP, Bangladesh và Sri Lanka, nước có 1.200 lao động đăng ký chính thức tại Libya, đã liên hệ với Tổ chức Di trú quốc tế để nhờ hỗ trợ.
* Thái Lan: Bộ Lao động Thái Lan cho biết nước này đang lên kế hoạch đưa hơn 23.000 người Thái rời Libya. Bộ Lao động đang làm việc cùng Bộ Ngoại giao để hỗ trợ các lao động song số lượng người quá lớn khiến việc di tản ngay lập tức sẽ rất khó khăn. Dự kiến những người sống tại Tripoli sẽ được yêu cầu đến Malta (Địa Trung Hải) và một số quốc gia châu Phi khác trước khi lên tàu về nước. Người dân sống tại các thành phố khác sẽ đi đường bộ qua Tunisia. “Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động đã trao đổi thông tin về kế hoạch di tản với đại sứ các nước Indonesia, Philippines, Việt Nam, Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ” - Bangkok Post cho biết.
* Mỹ, châu Âu: Hãng AP ngày 23-2 cho biết Mỹ đang cố gắng đưa người rời Libya sau khi không thể di tản người dân, ngoại trừ gia đình các nhân viên ngoại giao, trong hai ngày trước đó. Theo kế hoạch, các công dân Mỹ sẽ đáp phà đến Malta.
Các nước châu Âu đã gửi máy bay dân sự, quân sự, tàu hải quân đến Libya hoặc đang lên kế hoạch di tản công dân của mình về nước.
TRẦN PHƯƠNG
____________________
* Tin bài liên quan:
Trung Đông, Bắc Phi như chảo lửaNgày đẫm máu ở Trung Đông và Bắc PhiLibya: biểu tình lan rộngLibya nhượng bộ người biểu tìnhHọp bàn về cuộc khủng hoảng Libya
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận