18/02/2011 13:13 GMT+7

Trung Đông, Bắc Phi như chảo lửa

PHAN ANH
PHAN ANH

TTO - Hiệu ứng của cuộc cách mạng Tunisia đang lan khắp Bắc Phi, Trung Đông. Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại đây vẫn hết sức căng thẳng.

Tại Bahrain, xe tăng và xe quân sự đã tiến vào thủ đô Manama ngày 17-2 để chặn những người bị thương trong các cuộc đụng độ chống chính quyền đi cấp cứu tại bệnh viện và ngăn chặn biểu tình lan rộng. AP cho hay các quan chức y tế địa phương xác nhận 4 người chết vì đụng độ với cảnh sát.

OQ7HN2oT.jpgPhóng to
Xe tăng tiến vào thủ đô Manama của Bahrain để trấn áp biểu tình - Ảnh: AP

Vài giờ sau cuộc tấn công, vây ráp quảng trường Ngọc trai, quân đội Bahrain tuyên bố cấm tụ tập biểu tình và cho rằng đó là điều then chốt để giữ thủ đô yên tĩnh. Trong đêm 17-2, lực lượng quân đội đã kiểm soát hoàn toàn thủ đô Manama sau khi cảnh sát chống bạo động giải tán hàng nghìn người Shiite biểu tình ở quảng trường Ngọc Trai.

Đất nước Bahrain bé nhỏ là một trong những "chân rết" quân sự của Mỹ trong khu vực, là nơi đặt căn cứ của Hạm đội 5 để tạo thế đối đầu với Iran. Người biểu tình Bahrain yêu cầu hai vấn đề chủ yếu: buộc người theo phái Sunni phải từ bỏ các vị trí cấp cao trong chính phủ và mọi quyết định phải được người Shiite thông qua.

Hiện người Shiite chiếm 70% trong tổng số 500.000 dân Bahrain nhưng bị phân biệt đối xử và gạt ra khỏi các vị trí quan trọng trong hệ thống hành chính công và quân sự.

Người biểu tình đã đốt ảnh Vua Hamad bin Isa Al Khalifa và yêu cầu thay đổi chế độ trị vì đất nước này hơn 200 năm qua. Họ dựng lều ở quảng trường Ngọc trai, dựng biểu ngữ nhưng sau đó mọi thứ bị cảnh sát san phẳng. Một bác sĩ cho biết khi đầu ông túa đầy máu, ông kêu lên: "Tôi là bác sĩ" nhưng cảnh sát vẫn không ngừng đánh.

* Tại Libya, Reuters cho hay ngày 17-2 nhiều vụ đụng độ đẫm máu đã xảy ra ở nhiều thành phố giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Theo CNN, đã có 20 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ.

Ở thủ đô, dòng người biểu tình chống ông Muammar Abu Minyar al-Gaddafi - người lãnh đạo Libya 42 năm qua, giương cao biểu ngữ: "Chúng tôi chống lại Gaddafi!", "Chiến thắng hay là chết". Họ cũng dùng mạng xã hội để kêu gọi biểu tình với hi vọng lật đổ được chính quyền như Tunisia và Ai Cập để đòi tự do và công lý.

Tổ chức Ân xã quốc tế cho biết lực lượng an ninh của Libya đã nã đạn vào người biểu tình ở Al Bayda và giết chết một người đàn ông có tên Nacer Miftah Gout'ani. "Chính quyền Libya muốn vỗ yên những người biểu tình nhưng các biện pháp của họ không thành công. Giờ họ đang chuyển sang các biện pháp thô bạo để trừng phạt những người đối đầu", tổ chức này viết.

* Tại Yemen, một người biểu tình thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát hôm 17-2 ở thủ đô Sanaa và thành phố cảng Aden. Cảnh sát đã bắn chỉ thiên để xua đám đông hàng nghìn người tụ tập trong đêm. Giới chức Yemen cho rằng trường hợp thiệt mạng chỉ là do cảnh sát bắn lỡ tay trong cảnh hỗn loạn.

Họ cho rằng trong cuộc biểu tình hôm qua, người tham gia phần lớn là sinh viên. Những người này tập trung ở đại học Sanaa, diễu hành và đụng độ với những người ủng hộ chính quyền. Cảnh sát chống bạo động đến hiện trường tại phố Al-Rubat để chặn đụng độ nhưng những người ủng hộ chính quyền có vũ trang đã dồn đuổi người biểu tình, ném đá, khiến cảnh sát phải bắn cảnh cáo.

Hãng thông tấn nhà nước Saba của Yemen nói rằng chính phủ nước này buộc tội truyền thông nước ngoài đã khuấy động căng thẳng chính trị bằng những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về Yemen. Giới chức Yemen cho hay họ sẽ tổ chức đối thoại với người biểu tình và bảo vệ quyền dân chủ cho người dân, nâng lương và tạo 60.000 việc làm cho sinh viên mới ra trường.

* Tại Tunisia, tình hình xã hội sau cuộc lật đổ chính phủ khá rối ren. AFP cho biết nhiều vụ xâm phạm tư gia, ăn trộm, cướp bóc, phá hoại các khu rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã xảy ra, khiến người dân không dám cho trẻ nhỏ ra đường và không dám về nhà muộn.

Hãng thông tấn TAP cho hay đầu tuần qua, những tên cướp có vũ trang đã chặn đường và cướp xe ở miền nam Tunisia, thậm chí còn tấn công một trường phổ thông và các cơ sở kinh doanh. Hồi tháng 1, khoảng 9.500 tù nhân đã trốn trại và đầu tuần này có 16 tên vừa trốn khỏi nhà tù.

Hiện Bộ Nội vụ Tunisia vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp và kiên quyết xử lý những kẻ lợi dụng cách mạng để thực hiện những hành vi phạm pháp.

Ai Cập bắt 3 bộ trưởng thời ông Mubarak

Hôm 17-2, hãng tin chính thức MENA của Ai Cập đưa tin ba bộ trưởng nước này gồm cựu Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Du lịch và Bộ trưởng Nhà đất, cùng một tài phiệt trong đảng cầm quyền đã bị bắt vì các cáo buộc tham nhũng.

Văn phòng công tố Ai Cập đã ra lệnh bắt giam các nhận vật trên trong 15 ngày để điều tra.

Kênh truyền hình Al Arabia cũng cho hay Hội đồng quân sự Ai Cập vừa tuyên bố cấm đi lại đối với 43 thành viên của chính phủ cũ và chính phủ hiện thời để điều tra các tội danh lạm dụng quyền lực trong thời gian trước đây.

------------------------------------

Hội chứng “hoa lài”Nga cảnh báo phương Tây không cổ vũ nổi dậy ở Trung ĐôngBiểu tình lan rộng ở Trung ĐôngBiểu tình rầm rộ ở Ý, Yemen và AlgeriaAi Cập thời hậu Mubarak

PHAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên