16/07/2017 11:33 GMT+7

The Beguiled - Những kẻ khát tình hay mồi lửa cho dục vọng

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - The Beguiled - tác phẩm mang về cho nữ đạo diễn Sofia Coppola giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc tế Cannes 2017 - vừa được khởi chiếu tại VN.

Cảnh trong phim The Beguiled - Ảnh: IMDb
Cảnh trong phim The Beguiled - Ảnh: IMDb

Nếu chờ đợi The Beguiled của Sofia Coppola như một bộ phim tâm lý - hình sự nhiều kịch tính và twist gây bất ngờ thì bạn có thể ít nhiều thất vọng vì nội dung và mạch phim khá đơn giản.

Câu chuyện chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn ở một trường tư thục nữ có bảy người phụ nữ - từ hiệu trưởng, giáo viên đến học sinh - gần như bị bỏ lại trong một tòa nhà thời nội chiến Mỹ.

Và rồi một người lính bị thương xuất hiện làm xáo trộn hoàn toàn sự yên bình (giả tạo).

Nhưng nếu thưởng thức The Beguiled như một bộ phim stylish art-house (phim nghệ thuật giàu phong cách) mang dấu ấn của tác giả, khá cầu kỳ nhưng tạo dựng được không khí độc đáo, bạn sẽ ra khỏi rạp với không ít sự hứng khởi.

Những kẻ bị mắc kẹt

Sáu bộ phim của Sofia Coppola - tính cả The Beguiled - có một điểm chung là đều khai thác những kẻ (hầu hết nhân vật trung tâm là phụ nữ, trừ bộ phim đoạt giải Sư tử vàng Somewhere) bị mắc kẹt, bị cô lập trong một không gian nào đó.

Phần lớn là phù phiếm, hào nhoáng bên ngoài để làm đối lập với sự trống rỗng, cô độc, hoặc kìm nén dục vọng của nội tâm nhân vật.

The Virgin Suicides (1999) - bộ phim đầu tay và thể hiện rất rõ khuynh hướng làm phim của nữ đạo diễn này.

Đó là câu chuyện của năm chị em gái từ 13 đến 17 tuổi bị bà mẹ nguyên tắc và khắc kỷ nhốt chặt trong một căn nhà ở ngoại ô.

Năm chị em gái tóc vàng đồng trinh, bắt đầu từ cô em nhỏ nhất tự sát vô nguyên cớ và sau đó là bốn chị em còn lại đồng loạt tự sát gây nên một sự kiện chấn động.

Bà mẹ đến phút cuối cùng, khi rời khỏi căn nhà bị ma ám, vẫn không hiểu nguyên do năm cô con gái của mình tìm đến cái chết, bởi “tôi yêu chúng nó nhiều lắm mà”.

Không gian bị cô lập đó cũng thể hiện với hình ảnh cô vợ theo anh chồng nhiếp ảnh sang Tokyo trong Lost in Translation (2003) cho một dự án của anh ta, nhưng sau đó bị bỏ rơi trong khách sạn sang trọng nhưng xa lạ và lạc lõng giữa thành phố Tokyo đông đúc cho đến khi cô gặp một tâm hồn đồng điệu trong khách sạn này (Park Hyatt Tokyo).

Với Marie Antoinette (2006) là câu chuyện của nữ đại công tước nước Áo trở thành nữ hoàng nước Pháp bị nhốt chặt bởi sự xa hoa và lòng thù hận trong cung điện Versailles cho đến khi cuộc Cách mạng Pháp nổ ra và bà bị xử trảm.

Với Somewhere (2010) là tay diễn viên ngôi sao Hollywood rơi vào khủng hoảng bởi sự vô nghĩa của danh tiếng và tiền bạc, nhốt chặt mình trong cái khách sạn sang trọng Chateau Marmont cho đến khi cô con gái mới lớn của anh ta xuất hiện...

Và bây giờ là The Beguiled, bảy người phụ nữ ở bốn độ tuổi khác nhau bị cô lập trong một tòa dinh thự (mansion) bị bỏ hoang, làm trường học và nơi trú ẩn của bọn họ. Về phong cách, The Beguiled có vẻ gần với The Virgin Suicides nhất.

Hình ảnh trong Những kẻ khát tình
Hình ảnh trong Những kẻ khát tình

 

Khác với bộ phim gốc năm 1971 của bộ đôi đạo diễn/ngôi sao Don Siegel/Clint Eastwood, được kể lại từ điểm nhìn của nhân vật tên lính bị thương, đậm đặc màu sắc nam tính, bộ phim làm lại của Sofia Coppola thay đổi hoàn toàn điểm nhìn, chuyển đổi từ nam tính sang nữ tính, kiểm soát kịch tính để làm nổi bật phong cách của đạo diễn. 

Đó có lẽ là lý do khiến ban giám khảo LHP Cannes trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Sofia Coppola với bộ phim The Beguiled.

Khám phá bản năng giới tính

Màu sắc xuyên suốt của bộ phim là sự u ám, tăm tối, thiếu sáng, sử dụng ánh sáng yếu ớt của những ngọn nến trên bàn ăn, nhiều khoảng tối trong khuôn hình, ngay cả thời gian ban ngày - nói chung là nhiều âm tính.

Nó tạo cảm giác về sự tù đọng, ngột ngạt dưới vỏ bọc nghiêm túc và cảnh vẻ do kẻ nắm quyền - bà hiệu trưởng Martha (Nicole Kidman) tạo ra.

Như đã nói, bảy người phụ nữ bị cô lập trong ngôi trường tư thục này được phân chia tinh tế ở bốn độ tuổi khác nhau, và ở mỗi độ tuổi, nữ đạo diễn có những khám phá thú vị về bản năng giới tính của họ.

Bà hiệu trưởng Martha là một mẫu phụ nữ trung niên tiền mãn kinh tỏ vẻ nguyên tắc nhưng nhiều khao khát bên trong.

Cô gia sư Edwina (Kirsten Dunst) thuộc dạng gái lỡ thì, ít nhiều mặc cảm và thèm khát tình cảm. 

Alicia (Elle Fanning) đại diện cho tuổi mới lớn nổi loạn và tự tin vào năng lượng tuổi trẻ của mình, kẻ chủ động tấn công con mồi.

Và bốn nhân vật còn lại là những cô bé học sinh ở độ tuổi thiếu niên, những kẻ cần sự chú ý và quan tâm nhiều hơn là cảm xúc về giới tính (thể hiện trong bữa ăn tối mà gã lính (Colin Farrell) được mời tham dự.

Sau khi đã bài binh bố trận về vị thế, tính cách, tâm sinh lý của bảy người phụ nữ trong tòa nhà bị cô lập, Sofia Coppola bèn “thả” vào đó một gã đàn ông - kẻ đang bị thương do chiến tranh nhưng nhanh chóng phục hồi và trở thành kẻ đi săn/con mồi trong mắt của Martha, Edwina và Alicia tùy theo cảm xúc của những người đàn bà này.

Nói một cách hình ảnh, ném gã lính bị thương vào ngôi trường này là ném một mồi lửa để đốt cháy dục vọng bị kìm nén của những người đàn bà.

Hai người đàn bà tranh nhau một gã đàn ông thì cả hai dễ trở thành kẻ thù của nhau, nhưng ba người, thậm chí bảy người đều bị một gã đàn ông đánh thức bản năng và dục vọng thì chưa biết họ trở thành kẻ thù hay “chị em phụ nữ cùng liên minh lại” để trừng trị gã đàn ông mà họ biết khó ai giành được về tay mình.

Những hình ảnh trong phim: 

 
 
 
 
 
LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên