14/05/2018 14:10 GMT+7

Thầy giáo say mê văn hóa dân gian

LÊ ĐỨC ĐỒNG
LÊ ĐỨC ĐỒNG

TTO - Đọc sách, đi chùa, gặp các cụ cao niên tìm hiểu phong tục người dân... thầy Trần Minh Thương viết thành sách, giảng dạy cho học trò cái hay cái đẹp của văn hóa miền Tây.

Thầy giáo say mê văn hóa dân gian - Ảnh 1.

Thầy Trần Minh Thương - Ảnh: LÊ ĐỨC ĐỒNG

Thầy Trần Minh Thương, giáo viên môn ngữ văn của Trường THPT Mai Thanh Thế trước đây và Trường THPT Ngã Năm (Sóc Trăng) hiện nay, được biết đến cùng những ấp ủ về văn hóa vùng quê miền Tây Nam Bộ này.

Tự học, tự rèn

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, năm 1993 tốt nghiệp đại học sư phạm ngữ văn, thầy trở về quê dạy học và luôn ấp ủ những dự định viết về mảng văn hóa vùng quê miền Tây Nam Bộ. 

Sau một thời gian vừa dạy học vừa nghiên cứu, cảm thấy cần phải nâng cao kiến thức, hiểu biết của bản thân, năm 1999 thầy Thương tự túc học thêm văn bằng 2 ngành lịch sử của Đại học Huế (hệ từ xa).

Từ đó, thầy bắt đầu tham khảo các công trình nghiên cứu của các vị tiền bối như Huình Tịnh Paulus Của, Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Huỳnh Minh, Huỳnh Ngọc Trảng... và tác phẩm của các nhà văn Nam Bộ khác. Đối chiếu, so sánh xem người đi trước đã viết, đã nghiên cứu những mảng nào, góc độ nào và những mảng nào chưa được đề cập tới. 

Những câu thơ, câu ca dao, câu đố lịch sử từng gây hứng thú cho tuổi nhỏ khi thầy là một trong những cộng tác viên tích cực của báo Thiếu Niên Tiền Phong, Nhi Đồng... Đó là một trong những cách "rèn tay nghề" hiệu quả của thầy.

Những ngày lễ Tết Chôl Chnam Thmây (tết năm mới của người Khmer), Tết Dol ta, Tết Oóc-om-booc... thầy đều vô chùa Khmer, vô nhà người dân để "mắt thấy tai nghe" những phong tục, những nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào.

Thầy gặp từng lão nông, từng "cây cao bóng cả" ở các miền quê khác như Vĩnh Châu, Long Phú, Châu Thành, Thạnh Trị, Mỹ Tú (Sóc Trăng), Long Mỹ (Cần Thơ)... để tìm hiểu về phong tục thờ cúng cũng như những sinh hoạt thường ngày của người dân. Chính họ là người giữ hồn vía cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng có từ ngàn xưa như lễ kỳ yên, cúng đình, lễ cầu mưa...

Phương tiện di chuyển vùng sông nước là chiếc ghe, chiếc xuồng mà có biết bao nhiêu loại với rất nhiều tên gọi khác nhau... Một góc bếp, một cái nóp, một miễu Ông Tà đầu vàm sông... tất cả đều có sức cuốn hút kỳ lạ đối với thầy.

Thầy giáo say mê văn hóa dân gian - Ảnh 2.

Một số tác phẩm nghiên cứu của thầy Thương tại Hội sách Cần Thơ năm 2017 - Ảnh: LÊ ĐỨC ĐỒNG

Trái ngọt của sự say mê

Từ những nghiên cứu của thầy Thương, góc khuất văn hóa miền Tây ẩn chứa bao điều kỳ diệu, làm nên vóc dáng, tâm tánh, cư xử của con người vùng sông nước rộng lượng, hào phóng, cương trực này được mở ra với bạn đọc cả nước. 

Qua đó, chúng ta biết sự giao thoa văn hóa giữa người Việt, người Hoa và người Khmer vùng đất miền Tây đã tạo nên những nét vừa riêng biệt, vừa độc đáo; không thể trộn lẫn vào vùng miền khác. Đó là phong tục thờ tổ tiên, ông bà; là lòng hiếu thảo, là tình tương thân tương ái giữa các cộng đồng với nhau.

Vừa làm tốt công tác giảng dạy, vừa say mê nghiên cứu, nhưng thầy Thương chỉ khiêm tốn chia sẻ rằng: "Những đóng góp của tôi chỉ là một phần nhỏ mang tính khơi gợi cho nhiều bạn bè, nhiều thế hệ tiếp theo nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu về chiều sâu văn hóa của mảnh đất miền Tây Nam Bộ. Ai cũng có thể làm được, viết được miễn là giàu niềm đam mê".

Ghi nhận những đóng góp của thầy Thương cho văn hóa dân gian miền Tây Nam Bộ nói riêng, cho văn hóa dân gian Việt Nam nói chung, thầy được vinh dự kết nạp vào Hội Văn hóa dân gian Việt Nam vào năm 2009. 

Cùng đó là hàng chục tác phẩm nghiên cứu công phu được xuất bản qua các nhà xuất bản, các bài viết trên báo, tạp chí cả nước. Mới nhất, Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM in cuốn Hương sắc miền Tây, được triển lãm tại Hội sách TP.HCM năm 2018 (tháng 3) và được bạn đọc hoan nghênh đón nhận.

Với nhiều thành tích trong giảng dạy và công tác, thầy Trần Minh Thương đã được chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng 6 bằng khen; 2 lần được Trung ương Đoàn tặng huy chương "Vì thế hệ trẻ" vào năm 1999 và 2003; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng 11 giải thưởng. 

Đặc biệt, năm học 2016-2017, thầy Trần Minh Thương được ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng bình chọn là một trong những cán bộ quản lý - giáo viên tiêu biểu xuất sắc nhất và được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học".

Nguyễn Huỳnh Cân, cựu học sinh Trường THPT Ngã Năm, tự hào về người thầy của mình: "Giờ dạy của thầy Thương luôn sinh động, giúp học trò nhận ra rằng môn ngữ văn rất gần gũi với đời sống hằng ngày qua những câu hò, điệu lý, lời ru, địa danh... được giải thích cặn kẽ".

Bổ sung kiến thức sinh động, gần gũi cho học sinh

Tiến sĩ Lâm Thị Thiên Lan - phó trưởng Phòng THPT, Sở GD-ĐT Sóc Trăng, phụ trách bộ môn ngữ văn - nói thầy Thương là một giáo viên rất nhiệt tình, năng động, sáng tạo trong vai trò thành viên của hội đồng bộ môn. Bên cạnh đó, với lòng say mê nghiên cứu, khảo sát, viết về văn hóa dân gian địa phương của thầy có tác dụng hỗ trợ tích cực cho bài giảng, được giáo viên các trường vận dụng, bổ sung kiến thức sinh động, gần gũi của địa phương cho học sinh.

Trong khi đó, thầy Hoàng Văn Thái, hiệu trưởng Trường THPT Mai Thanh Thế, cho biết ngoài việc đầu tư giảng dạy có hiệu quả cao, tâm huyết cho nghiên cứu văn hóa dân gian ở địa phương của thầy Thương là rất đáng ngưỡng mộ, và "rất vui, tự hào khi giáo viên trường mình đạt được những kết quả này".

Người thầy của các thế hệ học sinh trường chuyên Lý Tự Trọng Người thầy của các thế hệ học sinh trường chuyên Lý Tự Trọng

TTO - Mỗi lần nghe tên thầy Chỉnh, bao thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng lại dâng lên niềm xúc động vô bờ bến về hình ảnh người thầy như một người cha...

LÊ ĐỨC ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên