20/11/2018 14:29 GMT+7

Thầy giáo “như mẹ hiền” của trẻ khuyết tật

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Một thầy giáo dạy trẻ đã là hiếm, thầy giáo Nguyễn Xuân Việt (33 tuổi) ở Đà Nẵng còn là giáo viên dạy trẻ khuyết tật trí tuệ - những đứa trẻ đặc biệt.

Thầy giáo “như mẹ hiền” của trẻ khuyết tật - Ảnh 1.

Thầy Việt luôn tạo hứng thú cho trẻ trước mỗi giờ học - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Đã 10 năm kể từ ngày thầy Việt về công tác tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, chàng thanh niên trẻ ngày ấy đã làm được những điều tưởng chừng vô cùng khó với một thầy giáo dạy trẻ.

Kiên trì và yêu thương

"Hôm nay là thứ mấy?" - thầy Việt hỏi. "Thứ năm" - cậu học trò đáp. "Không, hôm nay là thứ ba" - thầy nhắc và hỏi tiếp: "Hôm nay thứ ba vậy ngày mai là thứ mấy nào?", "Dạ thứ năm". Người thầy cười, vẻ mặt nhìn vừa hài hước giấu nỗi chua chát: "Là thứ tư chứ em". 

Nói đoạn thầy xoa đầu cậu trò nhỏ động viên. Bài học cứ thế tiếp tục thầy nhắc trò quên. Đọc đi đọc lại hàng chục lần vẫn không nhớ. Thầy Việt còn hát cả bài đếm thứ ngày, cậu bé hát theo ngon lành nhưng khi ráp vào thực tế vẫn không trả lời được.

Cậu bé này là H., đã 6 tuổi nhưng trí óc như đứa trẻ lên 3. Thầy Việt bảo rằng H. như hôm nay đã tiến bộ nhiều. Hai năm trước khi được gửi đến trung tâm, H. kích động, la hét, tự cắn vào tay mình và đánh cả bạn. Sau thời gian giáo dục can thiệp sớm, H. đã có nhiều thay đổi tích cực. 

Không riêng H., trung bình mỗi ngày thầy Việt đến lớp sẽ dạy từ 7-8 em ở nhiều độ tuổi khác nhau từ 1-6 tuổi. Thầy Việt đảm nhận công việc đánh giá, giáo dục cá nhân và hỗ trợ cộng đồng.

Thầy giáo “như mẹ hiền” của trẻ khuyết tật - Ảnh 2.

Một thầy - một trò có nhiều bài học phải dạy hàng chục lần trẻ vẫn không tiếp thu được - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Việc giáo dục cá nhân cho trẻ được tổ chức theo hình thức một thầy - một trò đòi hỏi thầy Việt phải luôn chủ động trong việc tự thiết kế đồ dùng dạy học và linh hoạt tổ chức các hoạt động nhằm tạo hứng thú và thu hút trẻ tham gia. 

"Mỗi trẻ có một nhu cầu, năng lực, sở thích khác nhau nên việc giáo dục các em cũng phải khác nhau. Theo tôi, điều quan trọng là phải tạo hứng thú cho trẻ, để trẻ chủ động và ham thích mới có hiệu quả" - thầy Việt cho biết.

Không ít lần thầy Việt vừa giáo dục can thiệp sớm vừa kiêm luôn bảo mẫu cho trẻ. Nhiều em không làm chủ được hành động, tiểu tiện, đại tiện ngay trong lớp, thậm chí có hành vi làm đau thầy giáo nhưng thầy Việt bảo rồi cũng quen và thấy thương các em hơn.

Ngày còn sinh viên, nhiều lần tham gia tình nguyện dạy học cho trẻ tại các trung tâm bảo trợ xã hội, nhìn những đứa trẻ khuyết tật tôi đã rất xúc động và dặn lòng phải làm được điều gì đó để giúp đỡ các em.

Thầy giáo NGUYỄN XUÂN VIỆT

Tôi chọn và không bao giờ từ bỏ

Bà Đặng Thanh Tùng, phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, cho biết: "Thầy Việt là giáo viên nam hiếm hoi dạy can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ ở trung tâm nhưng rất yêu trẻ và kiên trì. 

Đa số trẻ từ 0-6 tuổi mắc các chứng tự kỷ, thiểu năng, tăng động, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật vận động… mỗi trẻ một khuyết tật khác nhau nhưng thầy luôn biết cách chủ động điều chỉnh, sáng tạo bài giảng cho phù hợp với các em".

Ngoài công việc chuyên môn, thầy Việt còn chủ động đề xuất tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, múa hát, tìm hiểu kiến thức qua "vườn rau của em" hay lễ hội cho trẻ nhân các ngày kỷ niệm.

Thầy còn kết nối các ban ngành, tạo công ăn việc làm, phát triển định hướng tương lai cho trẻ, kết nối các trung tâm lại với nhau, kết nối sinh viên hỗ trợ. Thầy Việt đến các doanh nghiệp để xin lốp xe cũ, dụng cụ làm khu vui chơi an toàn cho trẻ; kết nối nhà tài trợ, các công ty du lịch để đưa các em đi tham quan.

Thầy giáo “như mẹ hiền” của trẻ khuyết tật - Ảnh 4.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao ảnh Bác Hồ cho thầy Việt trong lễ vinh danh "Chia sẻ cùng thầy cô" 2018

Học sinh của thầy Việt đến nay đã có 15 em hòa nhập hoàn toàn, là học sinh khá ở các trường tiểu học, THCS. Nhiều em chọn học và làm nghề. Hàng chục em đã được cải thiện tình trạng khuyết tật từ nghiêm trọng sang nhẹ và đang tiến đến hòa nhập với xã hội. 

Em Hồng Đăng (13 tuổi) nay đã học cấp II, vẫn gọi điện về cho thầy giáo, kể về việc học tập, tâm sự những điều trong cuộc sống, nói về ước mơ và tương lai của mình. Sau nhiều năm, từ cậu bé thiểu năng nay trở thành một học sinh bình thường, có ước mơ, hoài bão, Đăng chia sẻ: "Thầy Việt là người thầy đặc biệt và là người cha thứ hai đã sinh ra em một lần nữa".

Là thầy giáo dạy trẻ bao năm, thầy Việt vẫn có một điều trăn trở về cái nhìn của xã hội đối với những đứa trẻ khiếm khuyết. "Bản thân các em không có lỗi gì cả, nhiều em khuyết tật có những tài năng đặc biệt mà chỉ khi thực sự đồng hành với trẻ ta mới nhận ra những khả năng đó. Tôi chỉ mong xã hội hãy nhìn các em bằng cái nhìn bình thường, để các em có thể trở thành người bình thường" - thầy Việt tâm sự.

Đến nay đã 10 năm trôi qua, dù vất vả nhưng chưa bao giờ thầy Việt có ý định từ bỏ hay thấy hối hận về lựa chọn của mình. "Những đứa trẻ dạy tôi sự kiên trì, nhẫn nại, cho tôi niềm hạnh phúc từ sự tiến bộ nhỏ như lời chào hỏi, lễ phép hay những cái ôm cổ, quấn quanh chân mình... đó là cả nguồn động viên lớn. Tôi đã chọn công việc này và không bao giờ từ bỏ".

24-11- thay giao day tre dac biet-anh 3

Thầy Nguyễn Xuân Việt là gương mặt đại diện cho giáo viên Đà Nẵng được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018. Chương trình do Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức vinh danh 48 thầy cô giáo đang làm công tác giảng dạy học sinh khuyết tật.

Tôn vinh thầy, cô giáo dạy trẻ khuyết tật Tôn vinh thầy, cô giáo dạy trẻ khuyết tật

TTO - 'Nếu em là nhạc sĩ em sẽ viết khúc ca, đem tấm lòng đàn em đến thầy cô yêu quý/Nếu em là văn sĩ em sẽ viết bài văn, về tấm gương thầy cô ngời sáng không phai mờ'. Những ca từ da diết là món quà các em khuyết tật gửi đến các thầy cô.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên