30/12/2023 11:45 GMT+7

Tháng 12 của mẹ và tình thương cho đứa con rơi rớt

Tháng 12 này 'mẹ Sài Gòn' của tôi tròn 70. Ở cái tuổi này, mẹ đã trải qua đủ mọi cái khổ: từ chiến tranh, nghèo đói đến dịch bệnh. 'Sanh, lão là chuyện đương nhiên của đời người', mẹ nói.

Mẹ Sài Gòn của tôi (thứ 2 từ phải qua) và gia đình anh Phú - con trai thứ hai của mẹ - Ảnh: PHONG CHÂU

Mẹ Sài Gòn của tôi (thứ 2 từ phải qua) và gia đình anh Phú - con trai thứ hai của mẹ - Ảnh: PHONG CHÂU

Vài năm trước, trong lần dọn nhà, mẹ cho tôi xem mấy hình cũ, những bức hình trắng đen có nhiều vết sờn vì thời gian, mẹ hỏi: Có nhận ra mẹ không? Tôi bảo không.

"Hồi đó mẹ ốm quá hen". Mẹ nói: "Hồi trẻ ai chẳng ốm, với thời chiến tranh, rồi sau đó là bao cấp, thiếu ăn, thiếu mặc, ai cũng ốm hết".

Mẹ đúng là đã trải qua đủ nỗi khổ của kiếp người, chứng kiến nhiều sinh ly tử biệt. "Khổ nhất là thời chiến tranh, súng đạn, thấy đó mất đó". Mẹ nhìn xa xăm, nói về cái thời mà ông ngoại phải đi lính, bà ngoại sinh mẹ trong khó khăn giữa vùng chiến sự, bom rơi đạn lạc.

Hòa bình về, mẹ theo ông bà ngoại cùng các cậu dì đi kinh tế mới ở Định Quán (Đồng Nai). "Cái đói lúc đó bủa vây, đã vậy thi thoảng lại có dịch tả, sốt xuất huyết", mẹ kể. Những ngày bao cấp khó khăn, thuốc men, cơm gạo đều thiếu. Bà con đi kinh tế mới nương nhau mà sống, mẹ làm giỏi nên ông bà ngoại được nhờ từ sức lao động của mẹ.

"Hồi đó mẹ khỏe lắm", rồi mẹ kể về đủ thứ việc ở xóm nghèo của vùng kinh tế mới. Mẹ và ba quen nhau, kết duyên vợ chồng cũng ở Định Quán. Ba chịu khó, thương mẹ, nhưng rồi vắn số do bị bệnh nặng. Ba bỏ mẹ và ba người con khi mẹ chỉ mới ngoài 30.

Mẹ ở vậy và nuôi các anh chị nên người. Bổn phận với ông bà ngoại mẹ cũng vuông tròn trong khả năng.

Ba mất, mẹ về lại Sài Gòn, rồi tập tành buôn bán, chạy chợ. Những năm tám mấy, chín mươi khổ vô cùng, khó khăn dữ lắm, "có được cái ăn cũng là mừng". Vậy mà mẹ cáng đáng lo được cho cả gia đình, với ba người con đang tuổi ăn tuổi học.

Khen mẹ bao nhiêu cũng không bao giờ đủ.

"Mẹ thương nhất có lẽ là thời khổ cực đó". Từ có ba đến khi ba mất, nhìn các anh chị lớn lên yên bình trong tình thương của mẹ, của nội, mẹ biết mình chọn ở vậy nuôi con là lựa chọn đúng đắn.

Mẹ 70 tuổi. Các anh chị đồng tâm tổ chức một buổi mừng thọ ấm cúng cho mẹ. Mẹ chia sẻ đầy cảm xúc, nhấn mạnh rằng sống đến tuổi này, điều hạnh phúc nhất là các con yêu thương nhau và thương mẹ.

Nhìn những người em của mình, có người hom hem, người tóc bạc, người… đã rời cõi tạm, mẹ rưng rưng: thời gian không chừa một ai. "Mới ngày nào tụi nó còn nhỏ xíu mà giờ đứa nào cũng già như mình".

Mẹ có tình thương con đặc biệt. Ngay cả tôi - là con trai "rơi rớt" mẹ nhận làm con nuôi 10 năm nay - nhưng mỗi khi về thăm, mẹ cũng nắm tay, ôm hôn trìu mến.

Mẹ hay nói thương, nhớ, rồi bảo "hai mẹ con mình chắc kiếp trước là mẹ con".

Tôi cũng tin là có một kiếp trước như thế để trong đời này tôi được gặp mẹ và sống giữa vô vàn yêu thương, để mình có cơ duyên được làm một đứa em bé nhỏ của những anh chị lớn. Tôi về lần nào, tạm biệt mẹ cũng bằng cái ôm chặt, kêu mẹ giữ sức khỏe, bình an.

Nhưng cái khỏe của tuổi già, của người vốn đa bệnh như mẹ chính là ngày hôm đó, huyết áp không tăng, còn ăn thấy ngon. Còn bình an của mẹ, có lẽ như mẹ nói, đó chính là bình an của những người thân thương mà mẹ vẫn dõi theo, trong đó có tôi.

Mẹ bé gái hiếu thảo ở Bình Định xuất việnMẹ bé gái hiếu thảo ở Bình Định xuất viện

Sáng 22-12, lãnh đạo, bác sĩ Bệnh viện Bình Định đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật, tặng hoa chúc mừng bà Phạm Thị Lan (mẹ bé gái hiếu thảo Phan Thị Ca) xuất viện trở về nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên