20/04/2019 12:17 GMT+7

Thảm họa nhà thờ Đức Bà Paris: 'Không ngờ gỗ sồi già cháy nhanh thế'

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Kiến trúc sư phụ trách thiết kế của hệ thống an toàn hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà Paris thừa nhận nhóm của ông đã nhận định sai về tốc độ ngọn lửa, khiến hậu quả nghiêm trọng hơn.

Thảm họa nhà thờ Đức Bà Paris: Không ngờ gỗ sồi già cháy nhanh thế - Ảnh 1.

Khói và lửa bốc lên từ vụ cháy Nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: AFP

Cụ thể, theo báo New York Times, việc đánh giá sai về tốc độ bùng phát cũng như lây lan của ngọn lửa đã khiến vụ hỏa hoạn trong nhà thờ gây hậu quả lớn hơn nhiều so với ước tính ban đầu.

Theo ông Benjamin Mouton - kiến trúc sư phụ trách hệ thống an toàn cháy nổ của nhà thờ, hệ thống PCCC tại công trình này hoạt động trên giả định là nếu nhà thờ xảy ra hỏa hoạn, phần xà kèo bằng gỗ sồi cổ trên mái sẽ cháy chậm, do đó có một khoảng thời gian đủ lâu để dập tắt đám cháy.

Hệ thống chuông báo cháy tại nhà thờ Đức Bà Paris cũng không cảnh báo ngay lập tức tới các nhân viên vận hành hệ thống phòng hỏa. Thay vì thế, một nhân viên bảo vệ tại nhà thờ trước tiên phải leo lên các bậc cầu thang thẳng đứng để đến tầng áp mái kiểm tra, theo ông Mouton, là mất khoảng 6 phút với một người cân đối, khỏe mạnh.

Chỉ sau khi phát hiện đám cháy thì lực lượng cứu hỏa mới được thông báo và điều động. Điều này có nghĩa ngay cả một phản ứng sự cố trơn tru, không mắc lỗi của lực lượng cứu hỏa thì quá trình đó cũng bị trì hoãn khoảng 20 phút. 

Khoảng thời gian "trì hoãn" đó là từ lúc chuông báo cháy vang lên, cho tới khi lực lượng cứu hỏa có thể đến và trèo lên tầng áp mái cùng hàng trăm vòi phun nước và thiết bị dập lửa.

Sự chậm trễ đó đã dẫn đến thảm họa. "Tôi đã rất kinh ngạc trước tốc độ cháy của gỗ sồi trong nhà thờ Đức Bà Paris - kiến trúc sư Mouton nói - Loại gỗ sồi già đó không thể cháy như diêm. Đó là điều hoàn toàn không thể hiểu nổi".

Tuy nhiên các chuyên gia về an toàn cháy nổ cho rằng cả ông Mouton và nhóm của ông đã đánh giá không đúng mức nguy cơ, theo đó cơ chế phản ứng hỏa hoạn do họ thiết kế đã quá chậm nên không thể dập lửa kịp thời.

Ông Mouton là kiến trúc sư đảm nhiệm công việc sửa chữa hệ thống an toàn PCCC tại nhà thờ Đức Bà Paris giai đoạn 2000-2013. "Vấn đề an toàn phòng cháy được đưa ra ngay khi tôi tới. Tôi là người quản lý vấn đề này từ đầu tới cuối", ông nói.

Bầy ong trên mái nhà thờ Đức Bà Paris vẫn sống

Đài CNN vừa cập nhật thông tin mới nhất từ ông Nicolas Geant, người nuôi ong trên mái nhà thờ Đức Bà Paris, cho biết bầy ong của ông vẫn an toàn sau vụ hỏa hoạn.

"Tôi đã nhận được điện thoại từ ông Andre Finot, phát ngôn viên của nhà thờ Đức Bà Paris, ông ấy nói bầy ong vẫn bay ra bay vào các đõ ong (dùng để nuôi ong) và điều này có nghĩa chúng vẫn sống!", ông Geant nói.

"Ngay sau hỏa hoạn, tôi đã nhìn vào các bức ảnh chụp bằng flycam và thấy các đõ ong không bị cháy, nhưng không có cách nào biết được bầy ong còn sống hay không. Giờ thì tôi vô cùng nhẹ nhõm!".

Ở nhà thờ Đức Bà Paris, ngay khu vực bên dưới cửa kính hình hoa hồng, từ năm 2013 đã có 3 đõ ong với khoảng 180.000 con ong của ông Geant đặt nuôi ở đó.

Lo lắng cho 180.000 con ong trên mái Nhà thờ Đức Bà Paris Lo lắng cho 180.000 con ong trên mái Nhà thờ Đức Bà Paris

TTO - Người đàn ông nuôi ít nhất 180.000 con ong trên mái Nhà thờ Đức bà Paris hiện vẫn chưa được tiếp cận khu vực các tổ ong vì nhà chức trách chưa yên tâm về mức độ an toàn tại đây sau hỏa hoạn.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên