10/11/2018 18:30 GMT+7

Tham gia mạng xã hội đừng tham gia phát tán cái xấu

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội vừa gửi tới công dân của mình một tài liệu tuyên truyền nhằm hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử khi tham gia môi trường mạng. Người dân nói gì về câu chuyện này?

Tham gia mạng xã hội đừng tham gia phát tán cái xấu - Ảnh 1.

Cụ thể, trong tài liệu "Hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử khi tham gia môi trường mạng", Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội khuyên công dân khi tham gia môi trường mạng không nên lập nhóm, lập hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác; không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác cho mục đích thương mại hoặc các mục đích khác.

Sở này cũng khuyên công dân không nên "vào hùa" theo đám đông chia sẻ (share), nhận xét, phê bình một thông tin, sự kiện khi chưa hiểu rõ về vụ việc hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật; không cổ xúy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án như trào lưu "tung clip nhạy cảm", "đủ like là làm"...

Mạng xã hội là nơi để xả?

Về lý do xây dựng tài liệu, bà Bùi Thị Kim Hoa, phó phòng thông tin điện tử của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội - đơn vị xây dựng tài liệu này, cho biết không thể phủ nhận những hữu ích mà Internet mang đến cho cộng đồng, nhưng nó cũng bộc lộ những mặt trái, tác động tiêu cực đến đời sống tư tưởng của xã hội bằng những thông tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, kích động bạo lực, chia rẽ dân tộc, tôn giáo.

Đáng lo ngại là do nhiều người khi tham gia mạng xã hội, vì thiếu hiểu biết đã vô tình phát tán, chuyển tải thông tin sai trái, xấu độc.

Dẫn kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) rằng trên mạng xã hội, tỉ lệ thông tin nói xấu, phỉ báng là 61,7%; vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%... Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội khẳng định việc tạo dựng một môi trường thông tin mạng lành mạnh, hữu ích là nhiệm vụ thiết yếu, quan trọng, "đòi hỏi nhận thức và trách nhiệm của tất cả chúng ta".

Tham gia mạng xã hội đừng tham gia phát tán cái xấu - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nhiều người là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét

TS Phạm Hải Chung (Học viện Báo chí và tuyên truyền) - đồng trưởng ban Internet và truyền thông của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội - cho biết kết quả khảo sát về thông tin trên mạng xã hội được rút ra từ khảo sát 1.000 người trong độ tuổi từ 13-45, sinh sống tại nhiều địa phương của Việt Nam, có ít nhất một tài khoản mạng xã hội hợp lệ (Facebook, YouTube, Twitter, Zalo...) đã được sử dụng trên 3 tháng. Khảo sát được thực hiện trong vòng 1 tháng, từ 12-3 đến 11-4-2017.

Theo kết quả khảo sát, dựa trên những đánh giá theo bối cảnh tại Việt Nam, 78% người dùng mạng xã hội được hỏi đã từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét. Đây là một tỉ lệ rất cao chứng minh thực trạng này đang diễn ra hết sức phổ biến và nghiêm trọng tại Việt Nam.

Xây văn hóa trên mạng từ chính đời thực

Chị Đỗ Minh Tú - một biên kịch ở Hà Nội - cho biết chị "hơi bi quan khi nói tới văn hóa ứng xử trên mạng xã hội hiện nay". Chị cho rằng cần có thời gian để nâng cao văn hóa ứng xử, tôn trọng quyền tự do cá nhân của người khác trên mạng xã hội.

Chị Trần Ngọc Hương (Q.Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng dù rất thích thú với những tiện ích mà mạng xã hội đem lại cho cuộc sống riêng cũng như công việc của mình nhưng sự lợi dụng tự do trên không gian mạng để tung các clip nhạy cảm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm... hay "ném đá" là điều không tốt.

Chị Trần Mỹ Dung (Hà Nội) cho rằng muốn giải quyết chuyện văn hóa trên mạng xã hội cũng cần giải quyết câu chuyện của cuộc sống thực. "Nếu ngoài đời bạn dạy con không nên dễ dàng tin và nghe, đi theo người lạ thì trên mạng xã hội, bạn cũng dạy con bạn như thế.

Nếu ngoài đời bạn ghét những người tụ tập nói xấu nhau thì trên mạng bạn cũng không nên tụ tập, nói xấu. Chỉ cần nói thế là đủ" - chị Dung chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc xây dựng văn hóa ứng xử cho mình và cho các con trên mạng xã hội.

Hà Nội khuyên công dân không tung clip nhạy cảm lên mạng xã hội Hà Nội khuyên công dân không tung clip nhạy cảm lên mạng xã hội

TTO - Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội khuyên công dân cần gương mẫu trên mạng xã hội, không cổ súy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc như tung clip nhạy cảm, “đủ like là làm”...

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên