19/06/2018 15:29 GMT+7

Thai ngoài tử cung

Nguồn: Bệnh Viện Trưng Vương TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Bệnh Viện Trưng Vương TP. Hồ Chí Minh

Những yếu tố ngăn cản hay làm chậm trễ sự di chuyển của trứng đã thụ tinh vào buồng tử cung đều có thể là nguyên nhân gây thai ngoài tử cung.

Thai ngoài tử cung - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: livescience.com

Thai ngoài tử cung (TNTC) là tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí ngoài buồng tử cung. TNTC là một bệnh lý cấp cứu sản phụ khoa thường gặp. Trong 1000 lượt người mang thai thì có khoảng 17 trường hợp TNTC. Tần suất này ngày càng tăng một cách đáng kể. Hiện nay, các tiến bộ về xét nghiệm cận lâm sàng đã giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán sớm TNTC. Nhờ vậy, tỉ lệ tử vong do TNTC đã được cải thiện. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa TNTC và vô sinh còn là vấn đề thời sự.

TNTC nếu được chẩn đoán sớm, lúc chưa vỡ thì tiên lượng tốt. Nếu chẩn đoán trễ, khi có biến chứng vỡ và chảy máu nhiều thì tỉ lệ tử vong là 1-1,5%. Trong số các phụ nữ có TNTC thì 30% sau đó mang thai bình thường, 10% tái phát TNTC ở lần có thai sau và 50% các trường hợp này không may mắn có biến chứng vô sinh.

Nguyên nhân

Tất cả những yếu tố ngăn cản hay làm chậm trễ sự di chuyển của trứng đã thụ tinh vào buồng tử cung đều có thể là nguyên nhân gây TNTC. Những phụ nữ đã từng bị viêm nhiễm vòi trứng trước đây, hoặc có khối u buồng trứng làm cho vòi trứng bị chèn ép gây hẹp lòng vòi trứng hoặc làm cho vòi trứng bị kéo dài ra, hoặc có dị dạng bẩm sinh của vòi trứng, hoặc đã từng phải chịu những cuộc phẫu thuật, thủ thuật trước đó trên vòi trứng thì dễ bị TNTC. Có bốn hình thái lâm sàng thường gặp của TNTC: TNTC chưa vỡ, TNTC vỡ, huyết tụ thành nang và thai trong ổ bụng.

Triệu chứng

Tất cả các trường hợp TNTC đều có thể dẫn đến chảy máu trong ổ bụng bất ngờ và nguy hiểm. Do đó, nếu được chẩn đoán sớm, khi chưa xảy ra biến chứng thì tiên lượng bệnh nhân (BN) sẽ tốt hơn.

- Ra huyết âm đạo là triệu chứng thường gặp nhất. Đôi khi BN không lưu ý đến triệu chứng này, có thể vì kinh nguyệt không đều, hoặc không nhớ ngày của chu kỳ kinh trước đó, hoặc ra huyết âm đạo bất thường lại trùng vào ngày kinh theo chu kỳ bình thường của BN.

- Rong kinh, có nghĩa là có xuất huyết âm đạo kéo dài, thường với lượng máu ít, màu bầm đen và không đông. Nếu chú ý, BN sẽ thấy tính chất kinh lần này có khác những lần có kinh trước.

- Đau bụng, thường là triệu chứng làm cho BN lo lắng và phải đến khám ở bệnh viện. Đau xảy ra sau một thời gian trễ kinh hoặc đang trong lúc rong kinh. BN có thể đau phần bụng dưới bên phải (hố chậu phải) hoặc phần bụng dưới bên trái (hố chậu trái) hoặc ở giữa của phần bụng dưới (hạ vị). BN có cảm giác đau âm ỉ và thỉnh thoảng có cơn đau nhói.

- Khi TNTC đã vỡ, BN có thể bị choáng do chảy máu ở trong ổ bụng. Ngoài triệu chứng đau bụng ngày càng nhiều có khi đau dữ dội, bệnh nhân còn có cảm giác khát nước, vật vã, tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt,…

Chẩn đoán

Test thử thai để xác định tình trạng có thai:

- Siêu âm bụng: Nếu bệnh nhân đến sớm, TNTC còn nhỏ, chưa vỡ thường thì siêu âm bụng khó phát hiện. Khi TNTC đã vỡ, siêu âm bụng sẽ phát hiện được dịch trong ổ bụng do chảy máu. Chọc dò bụng qua ngã âm đạo hoặc chọc dò bụng dưới hướng dẫn của siêu âm để xác định tình trạng chảy máu.

- Siêu âm ngã âm đạo với đầu dò có độ ly giải cao, sẽ phát hiện sớm TNTC chưa vỡ, cho thấy trong lòng tử cung không có sự hiện diện của túi thai. Ngược lại, có thể thấy một khối cạnh tử cung hoặc thấy được túi thai trong vòi trứng.

- Nội soi ổ bụng là phương pháp rất rất cần thiết để xác định chẩn đoán trước một phụ nữ có các triệu chứng nghi ngờ TNTC như trễ kinh, đau vùng hạ vị và có khối cạnh tử cung đau. Lợi ích của phương pháp này là tránh được cuộc mổ bụng lớn để thăm dò một trường hợp TNTC. Khi xác định chẩn đoán TNTC bằng phương pháp nội soi ổ bụng, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật điều trị cùng lúc.

Điều trị

- Điều trị bảo tồn được đặt ra cho các BN có TNTC chưa vỡ, còn trẻ, chưa có con, tình trạng vòi trứng bên kia khó có khả năng thụ thai. Điều trị bằng cách xẻ vòi trứng hút lấy tổ chức thai. Phương pháp phẫu thuật tốt nhất là qua nội soi ổ bụng vì kết quả điều trị rất tốt, hậu phẫu nhẹ nhàng, giảm các biến chứng do mổ bụng hở (dính có thể gây tắc ruột, nhiễm trùng vết mổ,…) và đặc biệt đây là một phương pháp phẫu thuật có tính chất thẩm mỹ vì hầu như không thể thấy được vết mổ trên thành bụng. Hiện nay, phương pháp nội soi ổ bụng để chẩn đoán và điều trị TNTC đã được thực hiện tại các bệnh viện phụ sản và một số bệnh viện có chuyên khoa sản. Đối với khối thai còn nhỏ, điều trị nội khoa bảo tồn với Methotrexate có khả năng thành công cao.

- Điều trị triệt để là cắt bỏ toàn bộ vòi trứng có chứa khối thai khi TNTC chưa vỡ nhưng kích thước quá lớn, hoặc khi TNTC đã vỡ. TNTC đã vỡ nếu dấu hiệu sinh tồn ổn định thì phẫu thuật qua nội soi ổ bụng cầm máu và xử lý thương tổn có kết quả rất tốt. Nếu dấu hiệu sinh tồn không ổn định thì chỉ phẫu thuật theo phương pháp mổ bụng kinh điển.

- Khi TNTC diễn tiến thành thể huyết tụ thành nang thì phẫu thuật bóc tách lấy khối máu tụ.

- Trường hợp TNTC nằm trong ổ bụng, nếu thai đã chết thì can thiệp mổ lấy thai ngay. Nếu thai còn sống thì BN cần phải nhập viện và phải được theo dõi nghiêm ngặt.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở cần làm gì để phòng ngừa TNTC? Điều quan trọng nhất là phải thực hiện vệ sinh phụ nữ thật tốt, điều trị sớm và triệt để các bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục, hạn chế nạo phá thai, vì đây là những nguyên nhân thường gặp nhất làm cho trứng thụ tinh không đến được nơi đáng lẽ phải đến.

Để phát hiện sớm TNTC chưa có biến chứng, nếu có các triệu chứng:

- Trễ kinh;

- Rong kinh;

- Đau bụng dưới;

Nên đến khám ngay ở bệnh viện có chuyên khoa sản.

Nguồn: Bệnh Viện Trưng Vương TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên