26/06/2012 03:50 GMT+7

Tạo sự khác biệt, đi tìm bản chất vấn đề

CẦM VĂN KÌNH ghi
CẦM VĂN KÌNH ghi

TT - Là chuyên gia từng trực tiếp tham gia hoạch định chính sách như Luật doanh nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, “đặt hàng” Tuổi Trẻ sự khác biệt.

Đồng thời tăng thêm bình luận ở trang kinh tế. Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của ông.

Y3n4mDkU.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: Việt Dũng

Trong nhiều lĩnh vực trên các trang báo, phần kinh tế Tuổi Trẻ làm khá tốt nhưng chắc chắn Tuổi Trẻ còn có thể làm tốt hơn. Khác với nhiều lĩnh vực nhạy cảm, các vấn đề về kinh tế tại VN có nhiều chuyên gia có thể trao đổi rất cởi mở, nhiều chiều. Vì vậy, dư địa để Tuổi Trẻ khai thác vẫn còn.

Khác biệt từ tổng hợp, bình luận

"Trang kinh tế của Tuổi Trẻ đã có nhiều “món ăn”, nhưng một số ngày cảm giác vẫn thiếu cái gì đó. Tuổi Trẻ nên đầu tư, đổ mồ hôi nhiều hơn cho trang này vì kinh tế là đời sống, là nguyên nhân, hệ quả của rất nhiều vấn đề"

Tuổi Trẻ là tờ báo có uy tín, lượng độc giả đông, vì vậy nên có sự khác biệt, nhất là ở trang kinh tế. Các báo đều đưa những tin, bài, thậm chí loạt bài về các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, chỉ đưa những sự kiện mà thiếu xâu chuỗi, tổng hợp, bình luận thì khó khái quát, nêu lên hiện tượng, vấn đề.

Tương tự sau một tháng, tháng nào Chính phủ cũng có họp báo với những số liệu về kinh tế. Tuy nhiên, cách tổng hợp của Chính phủ cũng chỉ là một chiều từ thực tế điều hành. Cuộc sống lại sống động và đa dạng hơn các báo cáo rất nhiều. Thậm chí qua kinh nghiệm từ quá trình cải cách, không loại trừ có những vấn đề báo cáo thống kê nêu một đằng, thực tế lại khác. Tuổi Trẻ nên có những thông tin đưa lên từ thực tế, có những bình luận của chuyên gia từ những con số được công bố để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn. Ngoài Chính phủ tự đánh giá tình hình kinh tế trong một tháng, một quý, một năm, người dân cũng có thể có những đánh giá của họ, và đôi khi những đánh giá từ cuộc sống có thể hàm chứa những khuyến nghị chính sách đắt giá và có giá trị.

Mỗi năm có hai kỳ họp Quốc hội, tại đây có rất nhiều báo cáo tổng kết, đánh giá các vấn đề kinh tế cũng như điều hành của Chính phủ. Báo chí nói chung đã khai thác khá đa dạng. Nhưng tôi nghĩ Tuổi Trẻ nên đầu tư hơn nữa theo đúng tinh thần đi đến tận cùng vấn đề. Các báo cáo của Chính phủ mỗi năm đều cho thấy các mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách, rồi các chất vấn nêu được cả trách nhiệm bộ trưởng, hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước... Tôi nghĩ đưa những cái đó chỉ là một vế. Điều người dân muốn biết là các đại biểu đã làm gì trong và sau kỳ họp. Các bộ trưởng làm gì để thực hiện lời hứa, “nhận trách nhiệm” xong rồi thì họ làm gì.

Có những vấn đề Tuổi Trẻ nảy ra rất hay, nhưng sau đó không thấy đi tiếp khiến người đọc cảm giác thiếu một cái gì đó. Như câu chuyện mới nhất là bộ trưởng nhận trách nhiệm. Có một hướng mà tôi nghĩ báo chí nên làm là phải lật ngược lại, bộ trưởng đó nhận trách nhiệm thế có đúng không hay chỉ nhận cho có, nhận cho xong? Các công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Trong khi đó, nghe trả lời chất vấn của các bộ trưởng, tôi có cảm giác nhiều bộ trưởng do sức ép nghị trường nên đôi khi nhận trách nhiệm cả cái không phải của mình. Mà nhận trách nhiệm cái không phải của mình thì làm sao bộ trưởng ấy giải quyết được? Có thể bộ trưởng ngại, không chỉ ra trách nhiệm thuộc nơi nào, nhưng báo chí thì có thể nhờ chuyên gia, tra cứu chức năng, thẩm quyền nhiệm vụ của các bộ, từ đó sẽ ra ngay vị bộ trưởng nhận trách nhiệm thế đã đúng chưa, trách nhiệm thực thuộc về ai.

Nếu báo chí đi đến cùng sự việc, như vấn đề nhận trách nhiệm trên nghị trường, sẽ ra nhiều vấn đề. Ví dụ về nguyên tắc, một việc, một lĩnh vực chỉ một người nhận trách nhiệm, nhiều người nhận sẽ chẳng ai có trách nhiệm giải quyết cả. Nếu thấy nhiều bộ trưởng cùng nhận trách nhiệm thì rõ ràng phải sửa cơ chế vì như thế là chồng chéo, không rõ trách nhiệm.

Phân tích sâu vấn đề

Tuổi Trẻ ngoài đưa sự kiện, cần khai thác sâu các vấn đề kinh tế - xã hội, phát huy những phần phân tích như mục thời sự và suy nghĩ. Các báo nước ngoài thường có cả trang về phân tích, bình luận, Tuổi Trẻ cũng cần tính toán tăng dung lượng lên.

Có những vấn đề phân tích sâu sẽ cho ra những cảnh báo rất đắt giá. Như việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, chủ tịch HĐQT Vinalines, làm cục trưởng, ban đầu ai cũng nói là đúng quy trình. Nhưng rõ ràng mục tiêu của chúng ta là tạo quy trình đúng để có kết quả đúng. Nếu quy trình đúng mà kết quả vẫn dở, thậm chí nguy hiểm thì rõ ràng quy trình đó có vấn đề.

Đặc biệt, điều đáng nói nữa là nếu quy trình đó có thể cho những kết quả nghiêm trọng như ông Dương Chí Dũng thì hiện tại hàng trăm, hàng ngàn cán bộ đang được bổ nhiệm theo quy trình đó có ổn không, nếu không sửa thì hệ quả thế nào? Rồi đi sâu hơn, ai đã xây dựng, phải chịu trách nhiệm trong quy trình đó, từng bước thế nào...

Đó chỉ là một ví dụ cho thấy cần có thêm mục phân tích trên Tuổi Trẻ. Mục này có thể ở trang kinh tế, trang bạn đọc, không thể hiện quan điểm của Tuổi Trẻ, mà chỉ thể hiện góc nhìn của dân chúng, kiểu “sự kiện, dư luận”. Khi báo chí phát huy được trí tuệ của chuyên gia, của người dân, có tính cảnh báo cao thì hiệu quả xã hội mà các bài viết trên báo đem lại sẽ rất lớn.

CẦM VĂN KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên