19/04/2017 09:23 GMT+7

Tăng cường tự chọn là hướng đi đúng

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Tuổi Trẻ vừa có cuộc trao đổi với PGS.TS Chu Cẩm Thơ, giám đốc nghiên cứu và phát triển chương trình toán POMATH, về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Ảnh: V.H.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Ảnh: V.H.

TS Cẩm Thơ còn là chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu, phát triển chương trình nhà trường, đào tạo giáo viên...

* Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo trên ôm đồm và quá tham vọng, trong khi điều kiện thực hiện chưa tốt, bà có đồng ý với ý kiến này?

- Khi được tiếp cận văn bản chính thức của dự thảo, cảm giác ban đầu của tôi cũng như vậy. Nhưng sứ mạng của một chương trình tổng thể quốc gia thì cần phải đề cập vấn đề ở những bình diện rộng, lại cần có tầm nhìn chiến lược cho một quãng thời gian dài.

Vì vậy đọc kỹ, nghiên cứu kỹ, tiếp cận ở nhiều góc độ thì sẽ thấy dự thảo chưa thể nói là ôm đồm; còn tham vọng thì tất nhiên, bởi đây là hoạch định cho tương lai, cho kỳ vọng của mọi người về giáo dục Việt Nam.

Điều tôi thấy hi vọng nhất ở chương trình lần này đó là quan điểm: chương trình giáo dục phổ thông là văn bản chính sách của Nhà nước, thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, làm căn cứ quản lý chất lượng giáo dục phổ thông. Đây cũng là cam kết của Nhà nước bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.

Với quan điểm này, chúng ta đã nhìn thấy tính pháp lý và tin tưởng được rằng nếu chương trình tổng thể được xây dựng tốt, các chuẩn chung cụ thể, chúng ta sẽ bớt đi lo ngại về tính thiếu hệ thống mà các chuyên gia thường nói về giáo dục phổ thông của Việt Nam.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng hoạt động khám phá vấn đề, luyện tập, và thực hành cho học sinh. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1, TP.HCM) trong cuộc thi thả trứng không vỡ được tổ chức tại trường - Ảnh: NHƯ HÙNG
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng hoạt động khám phá vấn đề, luyện tập, và thực hành cho học sinh. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1, TP.HCM) trong cuộc thi thả trứng không vỡ được tổ chức tại trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Việt Nam tách phẩm chất ra khỏi năng lực khi xây dựng chương trình giáo dục. Việc này có phải do áp dụng cứng nhắc chỉ đạo về nghị quyết đổi mới giáo dục?

- Tôi không cho là như vậy. Ở nhiều nước trên thế giới, họ rất quan tâm đến giáo dục giá trị (có thể hiểu tương tự như phẩm chất). Vấn đề ở đây là chúng ta chưa có thói quen đo lường, đánh giá nó trong quá trình giáo dục.

Ở Việt Nam, chúng tôi biết nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng đã đề cập đến đo lường, đánh giá phẩm chất. Những kỳ đánh giá trên diện rộng đã cho chúng ta những số liệu và phần nào bắt được “bệnh”; đáng lẽ, chúng ta có thể khắc phục được những “bệnh” đang phổ biến trong ngành giáo dục hiện nay.

Tiếc rằng, các kết quả này đã không được quan tâm, truyền thông đúng mức. Nên nhà quản lý, nhà chuyên môn và nhất là người dân mới chỉ tập trung vào kết quả thi cử, coi đó là tiêu chí duy nhất để đánh giá chất lượng giáo dục.

Điều tôi chờ đợi ở chương trình lần này, khi coi phẩm chất là một thành tố quan trọng, là cần đưa ra những yêu cầu đánh giá nó trong quá trình giáo dục. Tính pháp lý, tính cam kết mà chương trình đảm nhận cần được cụ thể hóa hơn.

Cần xây dựng chuẩn chứ không chỉ dừng lại ở biểu hiện (vì rất khó đo lường), cần coi đó là một thông số để đánh giá học sinh, và các nhà trường cũng như phụ huynh phải coi trọng điều đó.

* Với một hệ thống môn học chia nhiều loại, trong đó tăng cường sự tự chọn của người học ở bậc THPT, hướng đi này theo bà có hợp lý?

- Tăng cường sự tự chọn, đó là hướng đi đúng đắn. Sự tự chọn không chỉ nhằm cho người học có sự chuẩn bị cần thiết định hướng nghề nghiệp, mà còn giúp họ tìm thấy sự phù hợp với sở trường, với điều kiện học tập của bản thân. Chính vì thế, tự chọn cần được khuyến khích từ sớm. Theo tôi, nên bắt đầu từ THCS, khi trẻ bước vào tuổi 12 đã hình thành cơ bản tâm lý và khám phá bản thân.

Điều mà nhiều người lo ngại, trong đó có tôi, đó là nếu chúng ta không chuẩn bị tốt các điều kiện thì có thể sự tự chọn này là hình thức. Giống như hiện tại, các trường THPT có môn tự chọn (tăng cường), nhưng hầu hết các học sinh sẽ chọn toán, và nhà trường cũng khó đáp ứng được những lựa chọn khác nếu học sinh yêu cầu.

* Để việc dạy học phân hóa, định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT đảm bảo yêu cầu như dự thảo nêu, liệu có thể chuẩn bị các điều kiện thực hiện trong khoảng một năm nữa?

- Hiện nay, ở góc quan sát của mình, tôi đã thấy sự chuẩn bị khá tích cực của Bộ GD-ĐT cho định hướng giáo dục nghề nghiệp.

Tất nhiên, nó chưa đáp ứng được kỳ vọng của đại đa số. Nhưng chúng ta đã có sẵn những nền tảng, chẳng hạn: các học sinh THCS đều đã được học nghề phổ thông, mỗi quận huyện đều có trung tâm giáo dục nghề, nhiều dự án về hướng nghiệp (như đưa giáo dục kinh doanh vào nhà trường, học sinh tập nghiên cứu khoa học kỹ thuật...).

Như vậy, chúng ta trông chờ những giải pháp chiến lược và cả kỹ thuật để khắc phục sự yếu kém của những thực tế đã là khá ổn. Về lâu dài, sự thay đổi về nhận thức mới là quan trọng.

Tôi thật sự không thích việc được cộng điểm thi tốt nghiệp, nếu có chứng chỉ nghề. Người ta cho con học nghề vì cộng điểm, chứ không coi trọng nghề nghiệp.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên