02/11/2018 10:50 GMT+7

'Tận dụng được cơ hội, CPTPP sẽ thúc đẩy kinh tế tăng nhanh'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Thuyết minh về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chính phủ cho biết nếu hiệp định này được thông qua, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 1,32% vào năm 2035, tạo thêm 20.000-26.000 việc làm mỗi năm.

Tận dụng được cơ hội, CPTPP sẽ thúc đẩy kinh tế tăng nhanh - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay 2-11, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu: CPTPP gồm 7 điều và 1 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi TPP.

"Đối với Việt Nam, việc quyết định tham gia, đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây và sau này là CPTPP là một quá trình dài. Kết quả đàm phán đạt được, về cơ bản, đã đảm bảo được các lợi ích cốt lõi của Việt Nam cũng như dành được nhiều bảo lưu, linh hoạt để thực thi hiệp định hiệu quả, có lợi cho đất nước", Chủ tịch nước nói.

Xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% vào năm 2035

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sau đó thay mặt Chính phủ thuyết minh thêm về việc tham gia CPTPP. 

"Các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau", Phó thủ tướng nói.

"Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế". 

Về mặt kinh tế, nghiên cứu chính thức từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm lần lượt là 1,32% và 4,04% năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Về mặt xã hội, tham gia CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000. Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày.

Tận dụng được cơ hội, CPTPP sẽ thúc đẩy kinh tế tăng nhanh - Ảnh 2.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ động đối phó với các sức ép

Báo cáo của Chính phủ nêu: Do Việt Nam đã có FTA với 7/10 nước thành viên CPTPP nên sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường chỉ đến từ 3 nước là Canada, Mexico và Peru. 

Tuy nhiên, thực tiễn thương mại song phương với 3 nước này cho thấy sức ép sẽ không lớn bởi cơ cấu xuất nhập khẩu của những nước này có tính bổ sung hơn là cạnh tranh với cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và hiện Việt Nam đang xuất siêu sang cả 3 nước này.

Thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu, tuy nhiên ta đã bảo lưu được lộ trình giảm thuế nhập khẩu tương đối dài cho các sản phẩm này (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm). Một số sản phẩm cũng có thể gặp khó khăn là giấy, thép, ôtô. 

Một số ngành dịch vụ như quảng cáo, logistics... có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội trong việc giảm thiểu chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước nói chung. 

Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động…

Về xã hội, việc cạnh tranh tăng lên có thể khiến một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo khả năng thất nghiệp trong một bộ phận người lao động. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, tuy nhiên sẽ không tác động đột ngột. 

Những thách thức này về cơ bản Chính phủ, các bộ ngành đã nhìn nhận và có phương án để tháo gỡ.

Sau khi nghe các tờ trình và thuyết minh, các đại biểu Quốc hội sáng nay về thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP

TTO - Nội dung đáng chú ý của tuần làm việc thứ hai kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV là cuối tuần này Chủ tịch nước trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên