20/06/2011 07:05 GMT+7

Tâm tình cùng "nhà báo nghiệp dư"

LAN PHƯƠNG - TÂM LỤA
LAN PHƯƠNG - TÂM LỤA

TT - Đối với nhiều nhà báo nghiệp dư như họ, viết báo còn nhiều hơn sự chia sẻ. Đó là trách nhiệm với chính mình và cuộc sống.

plkGuGdG.jpgPhóng to

Tài xế - nhà báo nghiệp dư Trần Kiêm Hạ trong chuyến đi Lào năm 1998 - Ảnh: nhân vật cung cấp

Ông Trần Kiêm Hạ đã gần 60 tuổi. Hằng ngày, ông có mặt ở tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM trên đường Hoàng Việt, Q.Tân Bình, TP.HCM làm công việc của một tài xế. Ông lúc nào cũng để sẵn trong xe chiếc laptop cũ kỹ và rất nặng. Mỗi khi công việc buộc phải ngồi chờ hàng giờ liền là lúc ông lọ mọ lôi máy ra, ngồi ghi chép lại những chuyện mình biết, mình gặp, chuyện làm mình bức xúc.

Ông tả lại việc viết của mình: “Tôi viết mọi chuyện theo diễn tiến thời gian, trước, sau, theo những gì mình nhìn thấy, nhớ được”.

Lái xe và viết báo

Trong cuộc đời mình, ông Hạ bảo đáng nhớ nhất là những ngày tháng xây dựng công trình thủy lợi trên thượng nguồn sông Thạch Hãn thời vừa kết thúc chiến tranh. Ông kể: “Ở đó có những cuộc sống và con người quá đẹp. Người ta chia sẻ, quan tâm và hi sinh cái riêng của mình cho cái chung nhiều hơn”.

Ông Hạ ghi chép lại từ thuở ấy, khi những kỷ niệm vùng dậy trong tâm trí thì những con chữ thôi thúc chúng sống động trở lại. Bài viết ấy đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM sau này.

Thói quen ghi chép của ông như một người ém lại chút men nồng. Khi bài viết tượng hình và xuất hiện trên trang báo, ấy đã là nhiều năm tháng ủ kín và say sưa chờ đợi những suy nghĩ mới xuất hiện trên bề mặt câu chữ. Bao nhiêu chuyện đời mình, từ lúc là anh làm thủy lợi đến thuở đi lao động tận Iraq, rồi lái xe khắp các cung đường hơn 20 năm.

Trong những bài viết của tác giả, tài xế Trần Kiêm Hạ ở loạt hồ sơ dài kỳ “Cuộc đời sau tay lái” trên báo Tuổi Trẻ (tháng 4-2011), người ta có thể nhìn thấy rõ ký ức những năm tháng ở Thạch Hãn của ông với câu chuyện buồn về người tài xế ở đội xe cơ giới trong cơn giận dữ với người yêu của mình đã gây tai nạn cho người khác.

Ông trầm ngâm: “Loạt bài ấy là một sự dồn nén của tôi, thật sự buồn khi thấy tai nạn cứ xảy ra liên tục ấy có thể tránh được”.

Buổi sáng sớm, bài viết lên trang, ông Hạ lại hồi hộp đọc từng lời phản hồi của bạn đọc bên dưới khung ý kiến. Ông thấy người ta trích dẫn, đăng lại bài viết của mình trên các blog, diễn đàn. Niềm vui sướng của một người viết đơn giản là được đồng cảm. Ông cười: “Có người nêu ý kiến mỗi tài xế cần phải có một bài viết này trong xe, như một cẩm nang để nhắc nhở về cái tâm, sự suy nghĩ về mạng sống con người khi ôm tay lái trên vạn dặm đường trường. Tôi vui vô cùng!”.

Vậy là câu chuyện của ông không chỉ dừng lại trên mặt báo, đã góp phần đánh thức những suy nghĩ trách nhiệm của con người trong cuộc sống này. Niềm vui không nói ra ấy của ông Hạ như một khát khao lặng thầm về sự chung tay đóng góp cho cuộc sống, trên cương vị nghề nghiệp của mỗi con người.

Mỗi ngày đến cơ quan, ông Hạ tiếp tục ghi chép những câu chuyện trên đường thiên lý của mình. Ông ước mơ có thể ngày nào đó ông có được một quyển sách về nghề tài xế đầy kiêu bạc mà cũng lắm thách thức, gian nan này. Ở đó, ông sẽ chia sẻ tất cả tâm tình và kinh nghiệm của mình cho bất cứ ai đã, đang và sẽ ngồi sau tay lái, tham gia mọi hành trình trên những đích đến đầy hạnh phúc trong cuộc sống của con người.

Hành trình làm cha

Người đọc ở các báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp Thị, Thanh Niên... thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện cái tên Nguyễn Quế Diệu ở những vấn đề giáo dục, những câu chuyện không quá vĩ mô nhưng gây giật mình vì sự nhức nhối hoặc lo lắng mà từng từ ngắn gọn trong ấy đem lại. Đó là câu chuyện rất nhỏ về tỉ lệ học sinh giỏi quá cao, nhiều khi đến hẳn 100%, chuyện ép con cái thi ĐH theo ý mình muốn, chuyện về hiện tượng trơ lì tâm lý ở trẻ đang lớn...

Ít ai biết rằng anh Diệu mới 37 tuổi, làm thầy giáo và có một con nhỏ học lớp 5. Những vấn đề anh bức bối viết lên báo là hành trình của một người cha, vừa hân hoan vừa lo lắng nhìn những tháng ngày con mình lớn lên bằng những buổi cắp sách đến trường, nhìn cuộc sống chuyển động.

Anh thường tự hỏi: “Tại sao trẻ con nông thôn đều phân biệt một cách rõ ràng đâu là cây bầu, đâu là cây mướp, còn trẻ con thành phố lại khó phân biệt? Bởi vì trẻ con thành phố được tiếp cận với các loài cây đó qua... sách trong khi trẻ con nông thôn tiếp cận qua thực tế nhiều hơn. Con đường đi từ sách đến thực tế bao giờ cũng gian nan hơn so với việc từ thực tế vào sách”.

Cứ thế, từ các buổi họp phụ huynh, từ chính việc đi dạy ĐH của mình, anh đem kiến thức sư phạm, sự lo lắng về các con số 100%, về thành tích, danh hiệu, học tủ, thuê thầy dạy kèm... gom lại, chuyển tải thành những câu chuyện ngắn của người trong cuộc, để chia sẻ với người cũng đang nuôi dạy con nhỏ như mình trên trang báo.

“Năm 1998, từ quân ngũ tôi trở thành sinh viên chuyên ngành xã hội học ĐH KHXH&NV TP.HCM. Là người lính, cứ sáng thứ hai hằng tuần là chào cờ, hát quốc ca thật hoành tráng, vậy mà khi đã hơn một học kỳ của năm thứ nhất, sinh viên lớp tôi (phải nói là hầu hết sinh viên ở các trường ĐH thời điểm đó) không có cơ hội để chào cờ.

Trăn trở, suy nghĩ mãi, tôi chắp bút viết bài “Chào cờ đầu tuần của sinh viên các trường ĐH ở TP.HCM” gửi báo Tuổi Trẻ. Bài viết được đăng, mấy năm sau đó báo Tuổi Trẻ có một diễn đàn lớn nói về chào cờ đầu tuần...”. Anh nhớ lại, dù luôn nghĩ rằng không có liên kết gì trong hai sự kiện này, nhưng vẫn thấy vui vì ý tưởng đó được mọi người tiếp tục chia sẻ.

“Kỷ niệm tôi không thể quên trong quá trình viết báo là năm 1997, tôi đoạt giải 3 của báo Thanh Tra cho tác phẩm “Bàn về công tác quản lý xuất bản, phát hành”. Khi đó tôi đang là quyền chánh thanh tra Sở Văn hóa - thông tin TP.HCM Công việc thanh tra giúp tôi nhận ra những hạn chế của các chính sách nhà nước trong công tác quản lý ở lĩnh vực của mình.

Tôi chọn viết báo là cách để gửi gắm tiếng nói của mình, đưa ra giải pháp giúp công tác quản lý trong ngành được sâu sát hơn.

Công tác trong ngành văn hóa giúp tôi có nhiều kiến thức hơn để viết báo. Tôi thân với nhiều nhà báo, có lẽ cũng lây bệnh nghề nghiệp của họ, lâu lâu thấy vấn đề mà không viết là tôi lại xốn xang lắm. Việc viết báo từ mấy chục năm nay vẫn đem đến cho tôi sự hào hứng như những ngày đầu tiên.

Nhiều cán bộ bây giờ rất ngại tiếp xúc với báo chí vì các vấn đề tế nhị nhưng trên cương vị là người quản lý, tôi vẫn đả thông tư tưởng cho cấp dưới của mình để họ luôn mở rộng cửa với báo chí”.

Ông Trần Minh Luân (58 tuổi, trưởng Phòng văn hóa - thông tin Q.Bình Tân, TP.HCM)

LAN PHƯƠNG - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên