22/01/2013 08:42 GMT+7

Tầm nhìn táo bạo, hành động táo bạo

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Các lãnh đạo quốc gia, các tập đoàn lớn, những người nổi tiếng và giới phân tích ngày 23-1 sẽ đổ về Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Thụy Sĩ để tìm giải pháp phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

3DesyikN.jpgPhóng to

Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới Klaus Schwab phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16-1 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, quy tụ tại Davos trong năm ngày hội nghị là 50 tổng thống và thủ tướng, 1.000 chủ tịch công ty, những nhân vật uy tín như nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde... đến các ngôi sao điện ảnh như Charlize Theron.

Giới phân tích mô tả không khí của nền kinh tế thế giới trước thềm Davos không nghẹt thở như năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng nợ Hi Lạp và Tây Ban Nha bùng nổ. Nguy cơ sụp đổ kinh tế không còn quá nghiêm trọng, nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn đang èo uột.

Thuyết động lực phục hồi

Theo báo USA Today, hội nghị năm nay sẽ tập trung vào các vấn đề như “chấn chỉnh chủ nghĩa tư bản”, tìm giải pháp bảo vệ tốt hơn nền kinh tế trước các cú sốc bất ngờ như khủng hoảng nợ châu Âu, sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ, siêu bão Sandy (Mỹ) và thảm họa động đất Nhật.

“Chúng ta đang đối mặt với thực tế mới của những cú sốc bất ngờ và tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài, đặc biệt ở những nền kinh tế lớn đang phải thắt lưng buộc bụng - nhà sáng lập và chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab nhận định - Sự phát triển trong bối cảnh mới đòi hỏi một thuyết động lực, một tầm nhìn táo bạo và thậm chí hành động táo bạo”.

Các nhà tổ chức WEF cho biết mục tiêu của hội nghị là khơi dậy đối thoại giữa các lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp, đại học cũng như những nhà doanh nghiệp trẻ. Thông tin, dữ liệu về các cuộc thảo luận sẽ được truyền tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số.

Ổn định nền kinh tế thế giới là một thách thức lớn cho diễn đàn năm nay khi 2.500 thành viên tham dự sẽ phải trả lời các câu hỏi khó. Đó là làm thế nào để giải quyết khủng hoảng đồng euro, làm gì tiếp theo để xóa bóng ma nợ trần đang ám ảnh nước Mỹ và xóa bất bình đẳng thu nhập. Ngoài ra, hơn 250 phiên hội nghị cũng sẽ bao gồm nhiều “chủ đề chưa có câu trả lời” như lực lượng lao động tương lai, khủng hoảng chính trị Trung Đông, biến đổi khí hậu, tham nhũng...

Những nguy cơ chưa giải quyết

Dù vậy, giới phân tích cho rằng sẽ khó có một kết quả rõ ràng, chẳng hạn một tuyên bố hoặc một giải pháp chính thức từ WEF. Theo BBC, mục tiêu hội nghị năm nay chỉ dừng lại ở mức chia sẻ ý tưởng, thúc đẩy thay đổi và cung cấp lý lẽ để các lãnh đạo thế giới đưa ra chính sách thay đổi.

Trong khi đó, những thách thức tưởng chừng đã không còn nguy hiểm có thể trở nên tồi tệ bất cứ lúc nào. Đồng euro trong vòng bốn tháng qua tăng giá hơn 9% so với đồng USD trong khi chỉ số Euro Stoxx 50 của châu Âu tăng 11% so với năm ngoái và lãi suất vay của Bồ Đào Nha giảm mạnh. Tuy nhiên, nợ công của Hi Lạp trong năm nay ước tính sẽ vẫn ở mức 174% GDP, kèm theo mức thất nghiệp hơn 26,8%, cho thấy khả năng nước này sẽ lại phải ngửa tay xin giải cứu. Nhiều nước châu Âu vẫn chìm trong khó khăn do chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc và khả năng tăng trưởng vẫn còn quá xa vời.

“Nguy cơ hiện nay đang đi theo một hướng khác, mà trong đó các thị trường quá lạc quan khi cho rằng những bất ổn và lùm xùm chính trị đã lùi xa sau lưng chúng ta - chuyên gia Barry Eichengreen thuộc Đại học California (Mỹ) nhận định trên Bloomberg - Tôi không nghĩ rằng giai đoạn bình yên sẽ kéo dài lâu”.

BRICS cam kết hợp tác chống trốn thuế

Năm nước thành viên BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi thống nhất mở rộng hợp tác về chính sách thuế và tăng cường chống nạn trốn thuế.

“Chúng tôi thống nhất sẽ tăng cường hợp tác về các vấn đề chính sách và quản lý thuế, gồm việc phát triển cơ chế chống các giao dịch trốn thuế và cải thiện việc trao đổi thông tin” - RIA Novosti dẫn tuyên bố chung của BRICS ngày 20-1. Một chương trình khung cấp chính phủ sẽ được đưa ra khoảng tháng 5-2013.

Theo New York Daily News, tại hội nghị kéo dài hai ngày ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, các lãnh đạo BRICS đã thảo luận về những lo ngại liên quan đến việc đánh thuế quốc tế, chuyển giá, trốn thuế xuyên biên giới và các cơ chế giải quyết tranh cãi về thuế.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên