15/09/2016 16:31 GMT+7

​Tác dụng phụ của thuốc: cần cảnh giác

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Ngoài tác dụng điều trị bệnh, hầu hết các loại thuốc trên thị trường hiện nay đều có nguy cơ gây ra phản ứng có hại không mong muốn. Điều này thường gặp ở những trường hợp dị ứng với các thành phần của thuốc.

Tác dụng phụ có thể xuất hiện sớm, ngay tức thì, trong hoặc sau khi người bệnh sử dụng thuốc. Các biểu hiện lâm sàng của dị ứng thuốc rất đa dạng, có thể nhẹ hay nặng, hoặc nghiêm trọng hơn là đe dọa tính mạng người bệnh.

Khi dùng thuốc, ngoài việc theo dõi tác dụng chữa bệnh, cần quan tâm đặc biệt đến những phản ứng không mong muốn của thuốc.

Ở thể nhẹ, xuất hiện các triệu chứng bên ngoài dễ nhận thấy như: nổi mày đay, nổi ban đỏ, mẩn ngứa, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, phù, đau đầu... Thông thường, những trường hợp này sẽ tự khỏi, không cần điều trị phức tạp nên người bệnh hay chủ quan, không để ý. Tuy nhiên, nếu lần sau người bệnh tiếp tục sử dụng sẽ gây ra những phản ứng có hại “nặng” hơn lần trước, điều này rất nguy hiểm.

Nếu ở thể nặng, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở do co thắt phế quản, người tím tái, viêm xuất tiết nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, vã mồ hôi, mạch đập nhanh, yếu, huyết áp giảm đột ngột, gan, thận, tế bào máu bị tổn thương... Nhiều thuốc có thể gây sốc phản vệ như: kháng sinh (penicilin, ampicilin), vắc xin, huyết thanh, vitamin tiêm tĩnh mạch (B1, B12, C), một số loại thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi ngoài da, thuốc uống...

Dị ứng thuốc ngày càng xuất hiện nhiều, vì số lượng thuốc được sản xuất và sử dụng ngày càng tăng; việc sử dụng thuốc quá dễ dãi; người bệnh tự dùng thuốc không cần đơn của bác sĩ; hoặc do một số bác sĩ chưa quan tâm đúng mức tới các tác dụng phụ.

Vì vậy, các bác sĩ đều khuyên bệnh nhân khi dùng thuốc phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về thời gian, cách thức và liều lượng sử dụng. Ví dụ,  thuốc dạng xirô không được uống cả chai mà phải đổ ra thìa, vừa kiểm tra được liều lượng và giữ vệ sinh cho những lần uống.

Không được tự ý thay đổi liều lượng (tăng hoặc giảm liều) hoặc ngừng thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ.

Cần hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của thuốc, chế độ ăn kiêng với các loại thực phẩm, sự tương tác với các loại thuốc khác đang sử dụng, với rượu bia...

Không dùng thuốc theo đơn của người khác và không cho người khác dùng đơn thuốc của mình, chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết.

Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng khác thường như mẩn ngứa, nổi mày đay, chóng mặt, buồn nôn, khó thở... thì ngừng ngay việc sử dụng thuốc đó và đưa tới khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc hoặc cơ sở điều trị gần nhất (chú ý phải thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc mà mình đã từng bị dị ứng và những loại thuốc hiện đang sử dụng) để bác sĩ theo dõi và cho hướng xử lý kịp thời. Tránh tâm lý chủ quan, coi thường các phản ứng nhẹ dẫn tới hậu quả đáng tiếc sau đó.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên