Cảnh sống của người dân Thanh Đ a không khác gì vùng nông thôn miền Tây - Ảnh: T.LONG
Nhìn từ trên cao thì khu vực quy hoạch ở Bình Quới, Thanh Đa giống như cái vành móng ngựa. Mấy chục năm qua, cuộc sống của người dân cũng bị khóa chặt trong cái vành móng ngựa quy hoạch lửng lơ ấy.
Nhiều người cùng lứa với tôi chờ quy hoạch mỏi mòn cho đến chết. Mấy chục năm rồi còn gì.
Ông TƯ TRUNG
Sống treo ở Thanh Đa - Video: TTO
Gia đình tứ tán vì quy hoạch treo
Chị Phạm Thị Ngọc Diễm, quê Tiền Giang, 20 tuổi chị Diễm xuất giá. Chuyến xe rước dâu ngược quê nghèo lên Sài Gòn, hàng xóm mừng con bé Diễm lấy chồng thành phố.
Thoắt cái đã 15 năm làm dâu, trừ cha mẹ ruột, không ai ở quê biết vợ chồng chị Diễm và hai con sống tạm trong căn chòi giữa cánh đồng đầy cỏ dại.
Con đường dẫn vào căn chòi là một lối nhỏ lầy lội, hun hút sâu. Lâu quá không có người vào, mấy con chó nghe tiếng xe lạ lao ra sủa ầm cả một góc trời. Ở đây yên tĩnh đến mức nghe rõ tiếng chim, dù chỉ cách khu đô thị sôi động bên quận 2 và tòa nhà cao nhất Việt Nam một dòng sông.
Chị Diễm từng hi vọng lấy chồng thành phố sẽ đỡ khổ hơn sống dưới quê. Hóa ra cảnh quê vẫn bám lấy đời chị. 15 năm trôi qua, khó nghèo ở quê nhà đã lui vào dĩ vãng, đường sá, nhà cửa tươm tất. Còn đời chị giữa Sài Gòn không chút đổi thay. Vẫn làm lúa, đan lưới thuê, nuôi gà.
Anh Nguyễn Duy Cường, chồng chị Diễm, nói: "Hồi quy hoạch Thanh Đa tôi chưa bằng tuổi con đầu (14 tuổi), giờ tôi đã là gã đàn ông 41. Ba mẹ tôi có đến bảy người con, tứ tán hết. Cái nhà giờ chỉ mình ông già ở" - anh Cường nói.
Chị Diễm đang là người đại diện cho đại gia đình đi họp quy hoạch.
Chị kể: "Lúc tôi về làm dâu ba tôi đi họp lần cuối, ngán quá ông giao cho má, má họp cho tới lúc mất cũng chưa thấy họ làm gì. Cả nhà không ai thèm đi họp nữa nên tôi đi. Vẫn nghe là sắp làm, chẳng biết sắp là khi nào" - chị Diễm nói.
Nhìn ông Nguyễn Văn Tài, cha chồng chị Diễm, sau khi nốc rượu nằm ngáy khò khò trong căn nhà rệu rã thật đau lòng. Ông Tài không phải là người nghiện rượu cho đến khi vợ mất, nhà chật chội, con cháu khổ sở. Buồn, ông tìm đến rượu.
Bây giờ căn nhà chỉ còn có mình ông, hai người con trai chưa vợ, thương cha tối lại ghé về ngủ cùng. Còn lại tứ tán, thuê phòng trọ để sống.
Chị Nguyễn Thị Ái Thi (32 tuổi, con ông Tài) đan lưới cá thuê kiếm sống qua ngày.
Chị nói chua chát: "Ba tôi thương con cháu lắm, ba đuổi là khi say thôi, thấy nhà như cái chuồng lợn nên buồn, chớ tỉnh dậy là khác liền. Nhà của ba hỏng hết rồi, cái gác gần sập nhưng đã dính quy hoạch đâu có dám xây để kéo con cháu về ở".
15 năm làm dâu thành phố, chị Phạm Thị Ngọc Diễm chưa thoát khỏi cái nghèo do quy hoạch treo - Ảnh: TRẦN MAI
Hết đợi thôi chờ
Bà Hồng Thu Hà (54 tuổi) bảo rằng khi quy hoạch thành hình, những dự án xây dựng sẽ biến khu vực này trở nên nề nếp và khang trang như bao khu đô thị khác khắp Sài Gòn. Nhưng đó là câu chuyện của ngày xa xưa, giờ bà Hà chẳng còn trông đợi gì vào sự đổi thay nữa.
Bà kể năm 1998 khu này có điện. Năm 2005 người dân góp tiền kéo nước sạch về. Từ đó đến giờ muốn có nước người dân phải thay nhau canh đến 3h sáng.
Khổ là vậy nhưng bà Hà đã an vị với đời mình ở đây. Bà mong muốn rằng chẳng có dự án nào đến nữa, quy hoạch bị bỏ luôn. Bà sẽ sống trong cảnh thanh bình như miền Tây sông nước.
54 tuổi, thời gian đã xóa sạch hết những mong ước nhà mặt phố năm xưa của bà.
Bà Hà chua xót nói: "Tối tối muốn thấy thành phố thế nào thì ra sân, hai vợ chồng uống trà nhìn qua bên kia sông là thấy hết, cần chi phố thị nữa".
Ông Tư Trung, chồng bà Hà, kể mỗi lần về Cần Thơ thăm quê, mua dụng cụ nông nghiệp lên làm, người quê thấy lạ hỏi ông ở phố mua dụng cụ làm nông chi, ông trả lời: "Phố mà phố quê, không phải phố thị".
Câu nói ấy tương xứng với công việc ông đang làm, trồng cây ăn trái, làm lúa, nuôi bò...
Ông Tư Trung thấy mình may mắn vì đã không bỏ làm ruộng khi nghe quy hoạch. Nói rồi ông lững thững vác cuốc ra đồng, vừa đi ông vừa cho biết: "Nhiều người cùng lứa với tôi chờ quy hoạch mỏi mòn cho đến chết. Mấy chục năm rồi còn gì".
Chừng ấy năm, Thanh Đa chẳng có gì thay đổi ngoài nhận thức của người dân. Họ đã không còn chờ nữa. Hóa ra họ đang ở trên mảnh đất được pháp luật thừa nhận nhưng không có quyền. Đến làm cái chuồng gà cũng phải xin phép.
Ông Nguyễn Văn Hồng (66 tuổi) có 1.000m2 đất, thế mà vợ ông - bà Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi) bị tai biến không có tiền chạy chữa, nhiều lần muốn bán bớt đất nhưng không được.
Đứng trước căn nhà làm từ sau giải phóng, ông Hồng "túc túc" gọi đàn gà lao vào tranh nhau ăn lúa, ông nói: "Thu nhập chính của vợ chồng tôi đó, mấy đứa con đi làm cho thêm tiền tui mới đủ sống".
Tiếc nuối hiện rõ trên khuôn mặt ông Hồng, giá như không đụng phải quy hoạch, ông sẽ cắt nửa phần đất bán lấy tiền cho con học nghề, mở tiệm để chúng không phải đi làm "thợ đụng". Vợ chồng ông cũng không phải "ăn bám" đồng tiền đẫm mồ hôi của con.
Ông Hồng sống nhờ bầy gà dù có 1.000m2 “đất vàng” ngay bán đảo Thanh Đa, Sài Gòn - Ảnh: TIẾN LONG
Hãy chấm dứt "treo" đất của dân
Cuộc họp gần đây nhất mà người dân Thanh Đa đến dự cách nay đã mấy tháng, cũng là sắp tái khởi động dự án. Câu nói người dân thường xuyên nghe và họ cũng không muốn nghe thêm nữa.
Mấy chục năm sống treo giữa thành phố, họ chỉ cần chính quyền không treo lơ lửng miếng đất của mình để họ trở thành chủ đất thật sự, có quyền sử dụng mảnh đất làm bất kỳ điều gì miễn là pháp luật không cấm.
Và câu nói chung của người trong vùng quy hoạch mà đi đâu cũng nghe được là: "Quy hoạch có làm hay không, làm phải nhanh lẹ, còn không thì tính toán trả đất lại cho dân làm ăn. Không được dùng dằng như mấy chục năm qua...".
Kỳ tới: 300m và hai thế giới đối lập
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận