19/04/2016 15:34 GMT+7

Sinh viên phản ảnh về xe buýt còn bị đe dọa

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Điều này vừa được sinh viên Phùng Thị Diệu Hương phản ảnh tại diễn đàn trao đổi "Buýt đến trường - buýt thân thiện" giữa lãnh đạo Sở Giao thông vận tải với sinh viên TP.HCM sáng nay 19-4.

Sinh viên Phùng Thị Diệu Dương (ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) phát biểu tại buổi gặp - Ảnh: Quang Định
Sinh viên Phùng Thị Diệu Dương (ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) phát biểu tại buổi gặp - Ảnh: Quang Định

Là cán bộ chủ chốt hội sinh viên trường, Diệu Hương nói những ý kiến phát biểu của bạn là nói thay cho nhiều sinh viên ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tham gia di chuyển bằng xe buýt hằng ngày phản ảnh lại.

Hội Sinh viên TP sẽ có trách nhiệm xây dựng văn hóa ứng xử, văn hóa xe buýt của sinh viên TP thời gian tới. Mong lãnh đạo Sở Giao thông vận tải có phản hồi về những đóng góp hôm nay để hội thông tin lại cũng như có chính sách hỗ trợ, trợ giá cho sinh viên khó khăn sử dụng xe buýt thời gian tới

Chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM Lâm Đình Thắng

Cùng lên tiếng để nâng chất lượng

Diệu Hương kể các bạn đưa tiền nhưng không được nhận vé nên gọi vào đường dây nóng phản ảnh thì được yêu cầu lên gặp tài xế, nhân viên tuyến xe được phản ảnh đó. Nhưng khi còn chưa lên gặp đã nhận được điện thoại từ nhiều số máy khác nhau với lời lẽ đe dọa.

“Busmap - xe buýt thành phố” tiện dụng

Chia sẻ tại buổi gặp, sinh viên Lê Yên Thanh (ĐH Khoa học tự nhiên) - tác giả phần mềm “Busmap - xe buýt thành phố” - tự tin nói rằng phần mềm các bạn viết ra có nhiều ưu điểm và với sự hỗ trợ của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, các thông tin tình hình xe buýt luôn được cập nhật.

Người dùng có thể tra cứu được thông tin mới nhất về tình hình xe buýt, tra cứu đường đi thông minh để chọn đường đi nhanh nhất, tiện nhất, thông báo điểm đến hành khách cần biết.

“Mình đang làm thêm để sắp tới khách nước ngoài có thể dùng được phần mềm này. Sẽ có phiên bản web để ai không sử dụng điện thoại thông minh cũng tìm kiếm được thông tin xe buýt của TP” - Yên Thanh cho biết.

“Tôi nghĩ cần có biện pháp nghiêm khắc hơn chấn chỉnh tình trạng này, nếu gắn camera đồng bộ trên các xe có lẽ tình hình sẽ được giải quyết tốt hơn” - Diệu Hương nêu ý kiến.

Sinh viên Nguyễn Hải Dương (ĐH Tôn Đức Thắng) nói nếu gắn camera phải gắn ở cả đầu, giữa và cuối xe chứ nếu không các điểm không có camera sẽ trở thành “điểm đen” trên xe buýt.

Vấn đề an toàn, an ninh, tình trạng bị quấy rối là những bức xúc được nhắc đến trong không ít phát biểu của sinh viên. Đó còn là tình trạng các nhà chờ, trạm dừng bị người buôn bán lấn chiếm, hành khách không còn chỗ để đợi xe hay mái che nhà chờ có cũng như không, chẳng tác dụng gì!

Cùng với nêu thực trạng, các phát biểu đã đề xuất nhiều cách làm để đổi thay bộ mặt xe buýt TP.HCM. Bạn Nguyễn Hữu Tài (ĐH Thể dục thể thao) nói tài xế, tiếp viên hãy làm nhiệm vụ thông báo về các trạm dừng sắp đến để hành khách biết trước khi triển khai gắn các thiết bị rao trạm trên xe hay nhà chờ.

Trong khi bạn Trần Huỳnh Hưng Thịnh (ĐH Mở TP.HCM) đề nghị nên dùng thẻ trả trước thay vé xe buýt. “Sinh viên nạp tiền vào thẻ này và có thể tích hợp thẻ để đi bất cứ tuyến nào, đi mua hàng siêu thị cũng được, tiện dụng hơn rất nhiều” - Thịnh nói.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường (trái) trao cho Chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM Lâm Đình Thắng 100 suất hỗ trợ đi xe buýt miễn phí trong một năm cho sinh viên khó khăn - Ảnh: Quang Định
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường (trái) trao cho chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM Lâm Đình Thắng 100 suất hỗ trợ đi xe buýt miễn phí trong một năm cho sinh viên khó khăn - Ảnh: Quang Định

 

Xe buýt gần gũi và thân thiện

Trước nhiều ý kiến về chất lượng nhiều xe đang xuống cấp, thải khói đen, tiếng ồn quá mức, giám đốc Trung tâm Quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM Đậu An Phúc cho biết hiện TP đang thay thế dần các xe cũ nát, và có hơn 130 xe sử dụng công nghệ CNG thân thiện môi trường.

Theo ông Phúc, TP có chính sách hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi, thay thế dần các phương tiện cũ qua phương tiện thân thiện môi trường, không gây ô nhiễm. “Chúng tôi đang triển khai và hi vọng đến cuối năm nay có thể thực hiện được việc gắn camera đồng bộ trên các xe buýt của TP” - ông Phúc thông tin.

Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM Đậu An Phúc trao đổi lại các ý kiến của sinh viên - Ảnh: Quang Định
Giám đốc Trung tâm Quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM Đậu An Phúc trao đổi lại các ý kiến của sinh viên - Ảnh: Quang Định

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường nói các đòi hỏi, phát biểu của sinh viên đều rất xác đáng và ngành vận tải của TP phải nghiêm túc xem xét những điều này. Ông Cường cho biết vẫn thường xuyên nhắc nhở các đơn vị phụ trách vận tải công cộng của TP để sao cho có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu hành khách, đúng với yêu cầu của lãnh đạo TP.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM nói thấy rất buồn khi vẫn còn tư duy ban phát, xin - cho trong thái độ phục vụ của một số tài xế, nhân viên xe buýt. “Điều này chắc chắn phải thay đổi, làm ngay và làm luôn để xe buýt TP phải mang diện mạo mới, lấy lại lòng tin nơi hành khách trước tình trạng sụt giảm số lượng khách như hiện nay” - ông Cường phát biểu.

Xe buýt thân thiện, được không?

Tài xế Lương Trọng Thọ, chạy tuyến 52, chia sẻ rất chân tình khi biết mình được các sinh viên bình chọn là tài xế xe buýt thân thiện: “Các bạn sinh viên thân thiện thì mình cũng phải rất thân thiện lại chứ. Lái buýt mới 5 năm thôi, gặp các bạn quen rồi nên chủ nhật nghỉ có một ngày ở nhà vậy chứ cũng thấy nhớ các bạn lắm”.

Trong khi đó, sinh viên Phạm Thị Kim Hòa (ĐH Công nghệ thông tin) đồng ý có những tài xế, nhân viên mặt lúc nào cũng đằng đằng sát khí nên khó mà thân thiện. Tuy nhiên bạn cũng đặt câu hỏi ngược: “Có phải tất cả sinh viên khi đi xe buýt đều đã thân thiện với tài xế, nhân viên hết không?".

Kim Hòa nêu thực trạng rất nhiều sinh viên ý thức kém trong việc xếp hàng khi chờ xe buýt tới, nhất là vào giờ cao điểm, chen lấn cứ như đi mua đồ giảm giá vậy! Và Hòa mong muốn điều tiết, tăng lượng xe vào giờ cao điểm để giảm bớt tình trạng này.

Dịp này, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tặng 100 suất hỗ trợ đi xe buýt miễn phí trong một năm cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá 135 triệu đồng, tặng 5.000 bản đồ hệ thống xe buýt TP cho sinh viên. 

Sinh viên cùng hiến kế để thay đổi bộ mặt xe buýt TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Sinh viên cùng hiến kế để thay đổi bộ mặt xe buýt TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Hình ảnh dễ thấy về thực trạng xe buýt sinh viên của TP vào những giờ cao điểm - Ảnh: Quang Định
Hình ảnh dễ thấy về thực trạng xe buýt sinh viên của TP vào những giờ cao điểm - Ảnh: Quang Định
QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên