23/09/2017 11:33 GMT+7

Sẽ không quy định số tiết học trong tuần

VĨNH HÀ- NGỌC HÀ
VĨNH HÀ- NGỌC HÀ

TTO - Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông sẽ không quy định chi tiết số tiết đối với mỗi môn học trong một tuần, mà chỉ quy định chung theo năm học.

Sẽ không quy định số tiết học trong tuần - Ảnh 1.

Thu hút những người giỏi nhất vào học sư phạm là việc phải đặt ra một cách nghiêm túc. Trong ảnh: một tiết học của sinh viên khoa giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết tại hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22-9.

"Có bột mới gột nên hồ"

Mở đầu phiên thảo luận, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, đã trình bày về nội dung cơ bản của chương trình này vừa được thông qua.

Theo đó, ông Thuyết nhấn mạnh đến hai điểm mới: chuyển từ dạy học chủ yếu cung cấp kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất; và tăng cường dạy học tích hợp ở bậc học dưới, phân hóa, hướng nghiệp ở bậc học trên. 

Ông Thuyết cũng cho biết lần đầu tiên chương trình sẽ không quy định chi tiết số tiết đối với mỗi môn học trong một tuần, mà chỉ quy định chung theo năm học. Đây là cách để các nhà trường có quyền chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học.

Trao đổi về vấn đề này tại hội thảo, ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, cho rằng với một chương trình mới vừa xây dựng, có quá nhiều việc phải được chuẩn bị kỹ lưỡng theo kế hoạch, lộ trình cụ thể. Vì không có sự chuẩn bị thực sự nghiêm túc, sẽ không thể thực hiện được.

Chỉ riêng về giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, ông Hùng nhận xét: hiện giáo viên dạy pháp luật, hướng nghiệp tại các trường phổ thông không có, chủ yếu do giáo viên bộ môn khác kiêm nhiệm. Còn giáo viên nghệ thuật cho bậc THPT, giáo viên dạy ngoại ngữ 2 quá mỏng. 

Theo định hướng của chương trình về dạy học tự chọn, nhất là ở bậc THPT, vấn đề giáo viên - chỉ xét về số lượng - đã có những xáo trộn. 

"Biên chế trong các nhà trường bố trí theo số học sinh hằng năm. Nhưng khi dạy học tự chọn, khi các trường phải tổ chức dạy theo chuyên đề, đây là một biến số phải lưu tâm" - ông Hùng cho biết.

Tiếp tục góp ý, ông Phạm Văn Hùng cho rằng ở nhiều trường phổ thông hiện nay sân chơi, bãi tập, phòng học đa năng thiếu. Do đó, khó có thể triển khai giáo dục thể chất theo hướng tự chọn.

Trong khi đó, theo đại diện ban soạn thảo chương trình, các địa phương có thể tổ chức học những môn tự chọn theo cụm trường, tùy theo điều kiện hiện có. Nhưng ông Hùng cho biết việc này chỉ có thể thực hiện được ở thành thị; còn ở nông thôn, giữa hai trường THPT cách nhau 15-20km, học theo cụm trường là việc rất khó.

Ngay bây giờ, các sở GD-ĐT phải tiến hành viết chương trình giáo dục địa phương theo nội dung chương trình tổng thể mới quy định, phải rà soát số giáo viên còn thiếu ở một số môn tự chọn và có kế hoạch bổ sung. Bộ GD-ĐT cần đề ra lộ trình để các địa phương phối hợp chuẩn bị

Ông Phạm Văn Hùng (giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế)

Cần có chính sách thu hút người giỏi học sư phạm

Trao đổi về vấn đề giáo viên, một số ý kiến tại hội thảo cho rằng phương pháp dạy học, giáo dục, hay nói cách khác là nghệ thuật dạy học của giáo viên là yếu tố quan trọng số 1 tạo nên chất lượng, chứ không phải chương trình. 

Vì với chương trình hiện hành, giáo viên có phương pháp tốt vẫn có thể giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất, đúng với định hướng của chương trình giáo dục mới.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tập trung vào việc đặt ra các giải pháp để nâng chất lượng đào tạo sư phạm, nuôi dưỡng nguồn giáo viên trẻ trong tương lai.

GS Đinh Quang Báo - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng thu hút những người giỏi nhất vào học sư phạm (thay cho tình trạng điểm thấp vẫn vào sư phạm như hiện nay) là việc phải đặt ra một cách nghiêm túc. 

Nhưng để làm điều đó, việc cần làm ngay là khảo sát quy hoạch lại số lượng, cơ cấu các loại giáo viên phổ thông để xác định, điều chỉnh cân bằng cung - cầu; tiếp đến là điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm, để sinh viên ra trường tăng cơ hội có việc làm. 

"Khi cân bằng cung - cầu được thiết lập, các trường sư phạm không phải gồng mình chạy theo số lượng, mà sẽ có điều kiện đổi mới phương thức đào tạo gắn với thực tiễn dạy học ở phổ thông. Cân bằng cung - cầu cũng khiến các trường có đầu tư cao hơn cho đào tạo mỗi sinh viên sư phạm" - GS Báo chia sẻ.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Trường ĐH Thủ Đô, cho rằng chính sách miễn giảm học phí của trường sư phạm không còn hấp dẫn người học nữa, khi họ nhìn vào chính đời sống giáo viên hiện tại bất ổn, áp lực công việc đè nặng, môi trường làm việc không an toàn, nhà giáo không được tôn trọng trong xã hội...

Bởi vậy, theo bà Thủy, cần có hàng loạt giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, từ vấn đề thu hút người giỏi vào đào tạo sư phạm đến việc điều chỉnh chính sách đãi ngộ, điều kiện dạy học.

Trong khi đó, một chuyên gia đến từ Viện Khoa học giáo dục VN đặt vấn đề: cần có giải pháp tăng động lực làm việc, gắn bó với nghề của giáo viên. 

"Ngoài việc dạy học, làm công tác giáo dục học sinh, rất nhiều hoạt động lồng ghép, thanh tra kiểm tra, dạy chuyên đề, tập huấn, các cuộc thi, kiêm nhiệm công việc khác đã làm cho giáo viên mệt mỏi, quá tải, trong khi thu nhập của giáo viên ở nhiều nơi thấp hơn mức sống chung của xã hội", vị chuyên gia này nêu và cho rằng tạo môi trường làm việc tích cực, giảm áp lực thành tích là những yếu tố "giữ lửa" cho giáo viên ở lại với nghề.

VĨNH HÀ- NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên