26/02/2015 09:34 GMT+7

​Sẽ có thêm phiên tòa dân sự phúc thẩm lần 2

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Nhiều nội dung mới trong dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) đã được thành viên ban soạn thảo và đại diện các bộ ngành thảo luận sôi nổi...

Nhiều nội dung mới trong dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) đã được thành viên ban soạn thảo và đại diện các bộ ngành thảo luận sôi nổi tại cuộc họp ban soạn thảo dự án bộ luật này do TAND tối cao tổ chức chiều 25-2.

Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) có 472 điều, đã sửa đổi 154 điều, bổ sung 61 điều và bãi bỏ 13 điều so với Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành.

Theo đó, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 như: quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập, án lệ dân sự được áp dụng trong xét xử, tòa án có quyền phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, viện kiểm sát có quyền không có mặt tại phiên tòa dân sự, sẽ có án phí giám đốc thẩm, có phiên xét xử phúc thẩm dân sự lần 2...

Theo phó chánh án TAND tối cao Tống Anh Hào, một điểm mới hoàn toàn của dự thảo luật lần này là quy định thủ tục phúc thẩm lần 2. Thủ tục phúc thẩm lần 2 được áp dụng đối với bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định.

Khi quyết định phúc thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì việc thi hành án sẽ bị tạm dừng cho đến khi có bản án, quyết định phúc thẩm lần 2.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết đối với bản án phúc thẩm của tòa cấp tỉnh thì tòa án cấp cao sẽ phúc thẩm lần 2. Đối với bản án phúc thẩm của tòa án cấp cao thì ủy ban thẩm phán của tòa án cấp cao sẽ phúc thẩm lần 2.

Về quy định mới của dự thảo bộ luật là tòa án được quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi thụ lý vụ án. Bà Lê Thị Thu Ba - phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương - cho rằng phải hết sức cân nhắc vì “khi chưa thụ lý vụ án đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà nếu áp dụng không chặt chẽ sẽ dễ xảy ra hậu quả, ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu tài sản”.

Đồng tình, ông Trương Hòa Bình cho rằng sau khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà tòa án không thụ lý vụ việc, nếu đương sự kiện thì tòa phải chịu trách nhiệm và phải bồi thường (ngân sách nhà nước), vì vậy phải hết sức cân nhắc xem có nên đưa quy định này vào dự thảo bộ luật hay không.

Dự kiến đầu tháng 3-2015, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ thẩm tra hai dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Tháng 5-2015, hai dự án luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên