25/05/2008 16:50 GMT+7

Sau vụ sập hầm nước: Cảnh báo ẩn họa từ thủy đài bỏ hoang

Theo Pháp Luật TP.HCM
Theo Pháp Luật TP.HCM

Hầm nước Sawaco đã thành phế tích, sàn gỗ mục vụn như cám. Tám thủy đài hoang phế tại thành phố nếu sử dụng sẽ “năm ăn, năm thua”.

c4HugLdD.jpgPhóng to
Thủy đài nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa quận 5 đã ngưng sử dụng từ lâu nhưng chưa xác định được chất lượng hiện tại. Ảnh chụp chiều 24-5. Ảnh: HTD
Hầm nước Sawaco đã thành phế tích, sàn gỗ mục vụn như cám. Tám thủy đài hoang phế tại thành phố nếu sử dụng sẽ “năm ăn, năm thua”.

“Tôi đã kiểm tra các đà gỗ bị gãy tại hầm nước Sawaco vừa sập. Khi dùng tay bóp thử, nó vụn ra như cám”. Hôm qua (24-5), ông Nguyễn Ngọc Tốt - Ban chỉ huy Đội cứu hộ cứu nạn Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết như trên.

Sự cố sụp hầm tại SAWACO: Các cây đà đều bị mục

Sawaco sẽ hỗ trợ các nạn nhân

Vụ sập sàn gỗ làm 14 nạn nhân đang tham dự liên hoan tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) bị lọt xuống đáy hầm nước. Một nạn nhân đã chết. Hai người bị chấn thương nặng ở não và ngực. Khu vực sập sàn nằm tại hầm phụ hệ thống cấp nước của Sawaco. Chiều qua, ông Võ Quang Châu - Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết diện tích hầm khoảng trên 250 m2. Mặt trên hầm là căn-tin của Sawaco. Vụ sập tạo ra một lỗ thủng 9 m2. Theo báo cáo nhanh của Sở Cảnh sát PCCC, dưới sàn hầm có sáu cây đà gỗ gác qua hai đà sắt. Các đà gỗ này đều đã mục.

Sáng qua, các nạn nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn bắt đầu phục hồi sức khỏe. Cũng trong buổi sáng, các điều tra viên của cơ quan điều tra Công an quận 3 có mặt khám nghiệm hiện trường, làm việc với ban giám đốc Sawaco. Một số điều tra viên cũng đã vào các bệnh viện gặp các nạn nhân để thu thập thông tin. Trả lời báo chí về trách nhiệm của Sawaco đối với các nạn nhân, đại diện Sawaco cho biết Sawaco sẽ lo mọi chi phí trong tang lễ của nạn nhân Võ Duy Linh. Với các nạn nhân đang nằm điều trị trong bệnh viện, Sawaco sẽ xem xét các mức phí để hỗ trợ.

Trả lời câu hỏi vì sao không dùng mà lại không lấp bỏ hầm, ông Châu cho biết trước đây thành phố có chủ trương giữ làm hầm dự trữ chiến lược và thật ra đã có hai lần tu bổ nhưng cơ quan chức năng thiếu sót là lâu ngày thiếu kiểm tra...

Tám thủy đài hoang phế lơ lửng

Tám thủy đài cũ tại TP.HCM ở các địa điểm: Đường Hoàng Diệu (quận 4), đường Lê Đại Hành (quận 11), gần Trung tâm Văn hóa quận 5, thủy đài 198/2 Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), đường Ba Tháng Hai (quận 10), đường Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh), đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận), đường Phạm Phú Thứ (quận 6).

Cũng theo ông Võ Quang Châu, hầm chứa nước nằm trong trụ sở Sawaco được người Pháp xây dựng trước đây để chứa nước từ các nguồn đổ về, như là một giếng thu. Từ đây nước được bơm đi và kết hợp với các bồn thép bên cạnh để cấp nước cho các khu vực trong TP. Một số hầm chứa, bồn bằng thép được xây dựng trước đây ở khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã không được sử dụng từ năm 1966 sau khi có Nhà máy nước Thủ Đức và hệ thống cấp nước sông Đồng Nai. Nay các hầm này đã thành phế tích, trong đó có hầm nằm trong trụ sở Sawaco, nơi vừa xảy ra tai nạn.

Từ những năm 1970, Mỹ xây dựng tại Sài Gòn các hệ thống thủy đài có cơ cấu và nguyên lý hoạt động như hệ thống hầm chứa, bồn nước của Pháp. Điểm khác là tháp nước (thay cho bồn đặt trên mặt đất) được đưa lên cao trung bình 20 m. Hiện trên địa bàn TP có tám thủy đài. Các thủy đài này bằng bê-tông cốt thép để điều hòa áp lực nguồn nước. Do không được sử dụng hơn 40 năm qua, tất cả đều có hiện tượng bị rò rỉ. Sawaco đã từng thuê tư vấn nghiên cứu cải tạo, phục hồi các thủy đài, hầm chứa. Dự kiến những thủy đài bị hư hỏng không sửa chữa được sẽ được phá bỏ, xây dựng lại để phục vụ điều hòa áp lực mạng lưới cấp nước và tăng cường nguồn nước chữa cháy cho thành phố.

bJ5OiU7r.jpgPhóng to
Lỗ thủng 9 m2 gây tai nạn cho 16 công nhân

Theo tiến sĩ Ngô Hoàng Văn, nguyên Phó Giám đốc Sở GTCC, một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành cấp nước ở TP, do chưa xác định được chất lượng các thủy đài nên nếu đưa vào sử dụng phải chấp nhận phương án “năm ăn, năm thua”. Trường hợp thủy đài sử dụng tốt sẽ góp phần điều hòa áp lực nước cho một số khu vực, khắc phục được tình trạng nước yếu cuối nguồn. Ngược lại, nếu thủy đài không bảo đảm chất lượng, khi đưa vào sử dụng sẽ rất nguy hiểm vì có thể bị bể, thậm chí nổ thủy đài.

Theo ông Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, trước đây HĐND TP từng có ý kiến với ngành cấp nước về việc xem xét khả năng tái sử dụng những thủy đài này. Tuy nhiên, không hiểu sao đến nay ngành cấp nước vẫn chưa có đánh giá chất lượng, phương án đưa vào tái sử dụng... Trong khi đó, hệ thống hầm, bể chứa, tháp điều áp nói trên vẫn chưa được ngành cấp nước có phương án cô lập, bảo vệ nên nguy cơ tai nạn sập nắp hầm, bể ngã tháp vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vụ sập hầm nói trên là một minh chứng.

Theo Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên