19/11/2015 07:00 GMT+7

Sao bộ trưởng lại bàn giao trách nhiệm

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - "Tôi bỏ ngỏ, tôi để lại để nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này", Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh nói khi được hỏi bao giờ du lịch VN bắt kịp các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore...

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn - Ảnh: Việt Dũng

Và bộ trưởng còn nói thêm "Tôi không dám trả lời". Nhiều bạn đọc đã lên tiếng về câu trả lời của Bộ trưởng Tuấn Anh.

Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng: “Ngành của chúng tôi là ngành tổng hợp” và “chất lượng dịch vụ du lịch phụ thuộc vào 7 yếu tố”, bao gồm: hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, ý thức cộng đồng, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật của du lịch.

“Về phần chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu ngành. Những gì mình đã cố gắng rồi nhưng chưa đạt được như mong muốn của Quốc hội thì tôi xin chịu trách nhiệm. Và trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp. Chứ thời gian không còn nữa thì làm sao bây giờ?”, bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng không trả lời thì ai trả lời?

Sau câu nói bỏ ngỏ của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, các đại biểu quốc hội đã cười ồ lên, còn người dân thì đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của một người đứng đầu ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng này.

Câu hỏi vì sao một đất nước có nhiều lợi thế, có nhiều danh thắng đẹp được công nhận như Việt Nam nhưng du lịch vẫn thua kém các nước có ít sự ưu đãi của tạo hóa hơn đã không ít lần được đặt ra.

Những cuộc mổ xẻ nguyên nhân cũng đã được tiến hành năm này qua tháng khác nhưng chúng ta dường như vẫn đứng nhìn các quốc gia trong khu vực vượt mặt về tốc độ phát triển du lịch.

“Khi câu trả lời cho câu hỏi bao giờ bắt kịp lại bị bỏ ngỏ một lần nữa từ người đứng đầu ngành thì biết ai trả lời được bây giờ?”, anh Minh Tâm (Q.6, TP.HCM) đặt câu hỏi.

Bộ trưởng còn không biết nữa thì ai biết?, một bạn đọc chia sẻ với TTO.

Từ câu chuyện này, nhiều bạn đọc còn bày tỏ ý kiến về vấn đề năng lực và trách nhiệm của những người lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đoàn thể.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhiều bạn đọc lại tỏ ra cảm thông với những phát biểu của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh bởi sự thẳng thắn, thật thà.

“Có thể vị Bộ trưởng này thấy sai muốn sửa nhưng cũng không còn cơ hội vì thời gian còn đương nhiệm không nhiều. Có khi ý ông ấy muốn nói chỉ là những gì có tính chất chiến lược, dài hạn thì trong 8 tháng còn lại của nhiệm kỳ cũng không thể làm được".

“Thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời con tàu đắm”

"Chặt chém", một vấn đề bị "kêu ca" rất nhiều khi đi du lịch ở VN

Bàn về vấn đề này, tiến sĩ (TS) Nguyễn Đức Nghĩa nhận xét: “Bộ trưởng là người chỉ đạo, vì vậy lĩnh vực chuyên môn là do các thứ trưởng phụ trách. Cương vị Bộ trưởng đòi hỏi sự quyết đoán để chuẩn bị và thực hiện các chính sách. Vì vậy dù được đào tạo chuyên môn ngành nào thì kiến thức chuyên môn đó chỉ giúp hỗ trợ cho công việc lãnh đạo chỉ đạo”.

Trao đổi với TTO, một bạn đọc bức xúc cho rằng người lãnh đạo giống như một vị tướng cầm quân, phải chiến đấu đến giờ phút cuối cùng dù là chiến thắng hay chiến bại. Kể cả khi chiến bại thì người tướng vẫn phải là người ở lại cuối cùng để giữ vững trận địa.

“Và như vậy thì những suy nghĩ chỉ làm việc theo nhiệm kỳ đã hằn sâu vào nhiều thế hệ quan chức lãnh đạo của chúng ta là không ổn. Dù ở bất cứ cương vị nào thì tinh thần trách nhiệm vẫn là phải làm tròn nhiệm vụ đến khi nào không còn giữ cương vị đó. Đồng ý là người kế cận sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ, nhưng làm đến ngày nào thì vẫn phải có trách nhiệm ngày đó. Lấy lý do là tôi sắp thôi nhiệm kỳ nên không đưa ra được hướng giải quyết thì đó không phải là lời nói của người có trách nhiệm. Cử tri không thể đặt niềm tin vào những người lãnh đạo như vậy. Thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời tàu…”, bạn đọc này thẳng thắn nói.

Lãnh đạo một công ty ở TP.HCM cho rằng khi sự dân chủ của chúng ta càng tăng cao thì càng bộc lộ rõ vị quan chức nào là người thiếu năng lực. Nếu phát hiện sớm, sớm thay đổi thì hậu quả người đó để lại sẽ ít hơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng đối với mọi người không riêng gì các quan chức lãnh đạo, dù còn tám tháng hay một ngày đương chức thì vẫn phải hoàn thành trách nhiệm của mình.

“Phải tích cực xem xét lại quá trình làm việc của mình, có công chuyện nào còn bị bỏ ngỏ hay chưa hoàn thành tốt hay không. Khi bàn giao cho người kế nhiệm phải nói rõ những công việc chưa hoàn thành tốt, công việc nào chưa làm được đó để người kế nhiệm giải quyết.

Phải như vậy để người làm sau có trách nhiệm cũng như thể hiện rõ trách nhiệm của chính mình. Đó là tinh thần trách nhiệm trong công việc, là lương tâm nghề nghiệp cần phải có”, PGS Nguyễn Văn Hiệp nói.

Mời bạn đọc nghe phát biểu của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên