14/03/2024 15:56 GMT+7

Sân khấu đông ngày nào mừng ngày đó

Thường các sân khấu đông vui vào các ngày Tết, sau Tết sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, năm nay khá khác lạ khi nhiều sân khấu vẫn liên tục cháy vé dù mùa Tết rần rần đã qua được cả tháng.

Vở Lẹ lẹ trễ phà của sân khấu Trương Hùng Minh - Ảnh: LINH ĐOAN

Vở Lẹ lẹ trễ phà của sân khấu Trương Hùng Minh - Ảnh: LINH ĐOAN

Cứ mỗi tuần đều thấy có từ 2-3 sân khấu trương bảng sold out (hết vé).

Sân khấu cháy vé từ hài kịch tới chính kịch

Theo thông lệ nhiều năm trước, cứ sau mùa Tết vắt kiệt lực diễn liên tiếp hơn chục ngày, mỗi ngày 2-3 suất thì các sân khấu sẽ cho nghệ sĩ xả hơi sau Tết chừng nửa tháng, để họ ăn Tết trễ và hồi phục "công lực".

Tuy nhiên, năm nay nhiều sân khấu chỉ nghỉ khoảng một tuần, thậm chí có sân khấu còn không nghỉ và lịch diễn thì cứ lên đều đều. Và lạ là khán giả vẫn tiếp tục mua vé rần rần.

Mấy tuần liên tiếp, sân khấu Thế Giới Trẻ đều thông báo hết vé dù vài ngày nữa vở mới diễn ra.

Có thể kể ra như vở Tâm ma, Bóng đàn ông, Mỹ vị nam vương, Nghiệp quật

Vở Truy lùng thái tử của sân khấu Trương Hùng Minh cũng liên tục cháy vé. Sân khấu kịch Thiên Đăng do Thành Lộc hợp tác thực hiện tiếp tục thu hút khán giả.

Các vở diễn Tấm Cám đại chiến, Vàng ơi là vàng… của Nhà hát kịch Idecaf hầu hết đầy rạp.

Đặc biệt, Nhà hát Thanh Niên với khán phòng lớn trên 700 chỗ ngồi mà từ sau Tết tới nay luôn đạt từ 650-700 vé mỗi suất diễn.

Đặc biệt hơn vì đây là khán phòng có số ghế nhiều nhất trong các sàn kịch hiện nay ở thành phố. Một suất diễn của nhà hát có lượng khán giả gần gấp đôi các sân khấu khác.

Vở Vàng ơi là vàng của Nhà hát kịch Idecaf - Ảnh: LINH ĐOAN

Vở Vàng ơi là vàng của Nhà hát kịch Idecaf - Ảnh: LINH ĐOAN

Ngay cả sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chuyên về chính kịch, bi kịch, thể loại khá kén khán giả, thì sau Tết vẫn khiến người ta "mừng lây" vì các suất diễn cháy vé.

Nghệ sĩ Ái Như cho biết sau Tết sân khấu đang vô đợt phục vụ khán giả là học sinh với chương trình Học văn ngoại khóa nên hai vở diễn chủ lực từ mùa Tết là Lạc ở đáy sông, Lồng sắt và một số vở cũ như Bàn tay của trời, Rau răm ở lại… vẫn có không khí đông vui trong mỗi suất diễn.

Ruột không đủ thì vỏ phải dày

Tác giả Quang Thảo cho biết năm nay thấy mười mấy sân khấu xuất quân với trên dưới 30 vở diễn mới, anh cảm thấy rất mừng.

"Mình mừng vì có nhiều đơn vị thì khán giả càng có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều sân khấu tất nhiên sẽ áp lực thu hút khán giả, nhưng đó cũng là cơ hội cho các sân khấu phải nỗ lực, nâng cao chất lượng để có thể tồn tại được" - Quang Thảo bày tỏ suy nghĩ của mình.

Tuy nhiên ở vị trí ông bầu thì ông Huỳnh Anh Tuấn của Nhà hát kịch Idecaf lại có những nỗi lo riêng.

Vở Lạc ở đáy sông của Hoàng Thái Thanh - Ảnh: LINH ĐOAN

Vở Lạc ở đáy sông của Hoàng Thái Thanh - Ảnh: LINH ĐOAN

Ông cho rằng hiện lượng khán giả kịch không tăng nhưng sân khấu cứ đẻ ra nhiều thì cũng rất hồi hộp. Xuất hiện nhanh và dẹp cũng lẹ là điều rất chông chênh.

Ông phân tích khán giả cỡ 40-50 tuổi giờ lười đến rạp, phần đông vẫn là khán giả trẻ. Thế nên các sân khấu nắm bắt thị hiếu đưa ra những vở có câu chuyện tương đối đơn giản, chủ yếu là bắt trend, người ta xem cười nghiêng ngả nhưng về nhà có khi quên luôn.

Những vở chính kịch để thưởng thức, chiêm nghiệm ngày càng khó khăn và dần vắng bóng. Vì vậy, ông nói: "Sân khấu đông ngày nào mừng ngày đó, chứ suy nghĩ đến tương lai thì đầy lo ngại".

Sân khấu Minh Nhí dù hoạt động chỉ vài năm nhưng thầy trò Minh Nhí, Việt Hương cũng đang cố gắng tạo niềm tin với khán giả.

Chưa có vở nào thật sự xuất sắc, đầy khắc khoải nhưng dù mang tính giải trí sân khấu luôn cố gắng bồi đắp để vở hấp dẫn. Vở Truy lùng thái tử được đầu tư về trang phục, cảnh trí tạo vẻ đẹp của kịch cổ trang.

Lẹ lẹ trễ phà sân khấu làm hẳn con đường là những tấm sắt chạy dài từ ngoài cửa rạp lên sân khấu tốn mười mấy triệu để khán giả hình dung ký ức về một bến phà.

Nghệ sĩ Minh Nhí cho biết: "Trong từng cái nhỏ chúng tôi luôn ráng làm cho tốt. Chẳng hạn, mùa Tết vừa qua có khán giả ở xa tới. Họ coi suất đầu, vãn tuồng ra ăn hủ tiếu chờ vô coi suất sau luôn. Nếu mình không đầu tư cho hai vở khác nhau thì khán giả sẽ chán và không ở lại với mình".

Vở Mỹ vị nam vương của sân khấu Thế Giới Trẻ - Ảnh: LINH ĐOAN

Vở Mỹ vị nam vương của sân khấu Thế Giới Trẻ - Ảnh: LINH ĐOAN

Với sân khấu Hoàng Thái Thanh thì nghệ sĩ Ái Như chia sẻ chị và nghệ sĩ Thành Hội đã kiên trì dòng chính kịch ngay từ đầu nên dù luôn gặp khó khăn họ vẫn không từ bỏ.

"Chúng tôi nghĩ rằng mình làm cái gì cảm thấy tự tin và sáng tạo được thì cứ chuyên cần với điều đó. Nếu có cách kể chuyện tốt hơn mình sẽ thử, chứ không nghĩ đến chuyện thay đổi thể loại" - Ái Như tâm sự.

Các ông bà bầu đều cho rằng hài kịch nhẹ nhàng vẫn đang lựa chọn của nhiều sân khấu.

Vì vậy, để có thể làm chính kịch, kịch lịch sử… trong tình hình hiện nay là thách thức với nhiều sân khấu, đòi hỏi kịch bản phải làm kỹ, làm sâu và thuyết phục được khán giả.

Đạo diễn, diễn viên phải giỏi nghề mới truyền tải được câu chuyện sâu sắc.

Các vở hài kịch giải trí thông thường cũng không thể chủ quan "cứ làm là ăn".

Ông Tuấn nói "Ruột không đủ thì vỏ phải dày", nghĩa là dù câu chuyện đơn giản nhưng phải đầu tư nhiều về phục trang, cảnh trí, kỹ thuật, mảng miếng, không gian vở diễn, không gian điểm diễn như thế nào để ít ra là có thể mãn nhãn người xem.

30 vở kịch mới dịp Tết, bán vé 30 vở kịch mới dịp Tết, bán vé 'lo quá trời', cạnh tranh 'khốc liệt'

Mùa kịch Tết năm nay quá đặc biệt khi nhiều năm rồi số đơn vị tham gia đường đua kịch Tết mới tăng lên mười mấy đơn vị với gần 30 vở kịch mới, dẫn đến thị trường cạnh tranh "khốc liệt".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên