29/10/2007 03:00 GMT+7

Sân chơi thuần Việt cho cộng đồng

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Từ 28-10, người dân vùng đồng bằng Cửu Long sẽ có dịp đón xem Bước chân thần tốc (phát sóng trên Đài phát thanh - truyền hình Tiền Giang, ngoài ra còn phát trên đài phát thanh - truyền hình Cần Thơ, Cà Mau, mỗi tuần một kỳ, kéo dài đến 31-12-2007).

CjoUKm0Y.jpgPhóng to

Chặng thi Bước chân thần tốc - mô phỏng theo cuộc hành quân thần tốc của Tây Sơn

TT - Từ 28-10, người dân vùng đồng bằng Cửu Long sẽ có dịp đón xem Bước chân thần tốc (phát sóng trên Đài phát thanh - truyền hình Tiền Giang, ngoài ra còn phát trên đài phát thanh - truyền hình Cần Thơ, Cà Mau, mỗi tuần một kỳ, kéo dài đến 31-12-2007).

Bước chân thần tốc (BCTT) là loại hình trò chơi vận động. Lâu nay trò chơi truyền hình (game show) phần lớn được thu hình trong studio máy lạnh chạy ro ro. BCTT không theo lối mòn mà đưa ra ngoài trời, chấp nhận nhiều khó khăn như trời mưa nắng khó lường, thu tiếng giữa đám đông ồn ào, qui mô hoành tráng đòi hỏi có nhiều ngành, sở phối hợp... Khó khăn, mặc, bởi vì có một lợi ích rất lớn: đó là BCTT không còn dừng lại ở trò chơi mà trở thành sự kiện trong đời sống văn hóa bà con vùng đồng bằng!

Sân chơi cho bà con đồng bằng

Trong những ngày thu hình BCTT (để phát sóng theo lịch vừa nêu trên), cả ngàn người đến xem hò reo cổ vũ tại khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang), tại khu tượng đài Chiến Thắng (Cà Mau), tại bến Ninh Kiều (Cần Thơ).

Các trò chơi thuần Việt trên truyền hình

Cuộc sống quanh ta trên Đài PT-TH Hà Nội; Hương sắc Cửu Long trên Đài PT-TH Cần Thơ, VN quê hương tôi trên Đài BTV, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đắc Lắc, Thế giới tuổi teen trên HTV 9, Bước chân thần tốc trên Đài Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau...

Những trò chơi như Đường lên đỉnh Olympia, Sông nước phương Nam, Theo dòng lịch sử, Chắp cánh thương hiệu, Cây cao bóng cả... cũng được xem là do người VN thiết kế cấu trúc, trong khi những trò chơi như Chúng tôi là người lính, Trúc xanh, Hành trình văn hóa... mang nội dung rất Việt nhưng kỳ thực là format nước ngoài được nhượng quyền.

Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, nơi diễn ra ra trò chơi dân gian hoành tráng BCTT, vào một buổi sáng tháng mười trời nắng rát mặt. Mồ hôi tuôn nhễ nhại trên những khuôn mặt "dự thi" trong trò chơi lẫn người đứng xem. Có vẻ như "linh khí” của một thời quá khứ được trỗi dậy qua giai điệu hào hùng của nhạc hiệu soạn riêng cho chương trình. Mặt nhăn nhó vì nắng nhưng miệng vẫn cười xởi lởi, hò reo. Trên một ngàn người đến với sân chơi cộng đồng này.

Cuộc chơi gồm bốn chặng. Chặng 1 mang tên "Những nẻo đường quê”, các thí sinh mặc trang phục nghĩa quân thời xưa, đi qua hào sâu dài 5m. Chặng 2 "Đôi hia vạn dặm" - hai người cùng đi chung một đôi hia lớn, đua nhau di chuyển đến bến thuyền. Chặng 3 "Đi tìm mật mã”, thí sinh bơi chèo đi tìm mật mã được giấu trong các phao, ghi trên những cuộn mành tre. Chặng 4 "Bước chân thần tốc", khi thuyền cập bờ, các thí sinh di chuyển bằng hình thức cáng võng, mô phỏng theo cuộc hành quân thần tốc của Tây Sơn, trên đường đi cả đội phải giải cho được nội dung của mật mã.

BCTT thu hút 25 đội tham gia, ở mỗi tỉnh (Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau) có tám đội, cộng với đội Thủy Triều Đỏ (giành giải nhất tại "Ngày hội du lịch TP.HCM mở rộng" hồi tháng 4-2007). Cuộc chơi bắt đầu vào 6 và 7-10 tại Tiền Giang, 13 và 14-10 tại Cà Mau và kết thúc 21-10 vừa qua tại Cần Thơ. Giải nhất chung cuộc thuộc về đội Thanh Gươm Công Lý (Công an Cà Mau), giải nhì - đội Trấn Giang (Sở Thể dục thể thao Cần Thơ), giải ba - đội Thủy Triều Đỏ (ĐH Cần Thơ), giải tư - đội Đại Hồng Kỳ (Công an Tiền Giang).

Dân ta... cùng biết sử ta

Dư luận đã phát hoảng trước sự lạm phát game show chuyển nhượng bản quyền từ nước ngoài. Tại sao trên nhiều kênh truyền hình không tận dụng ưu thế hấp dẫn của loại hình "trò chơi" để đưa vào những tích sử VN? Câu hỏi khắc khoải, để rồi... chỉ còn biết trông cậy vào người cầm trịch ở các kênh truyền hình, nếu không làm thì cũng... đành chịu, như thực tế lâu nay.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Hữu, nguyên là giảng viên tại ĐH Munich, ĐH Passau (Đức), 43 năm sống bên châu Âu, nay trở về định cư trên quê hương. Ông cho biết: "Tôi rất buồn về tình trạng nhiều em học sinh không biết sử Việt. Tôi xa tổ quốc hơn nửa đời người, và chính những trang sử VN là "điểm son" để đưa tôi về nước. Trên xứ người, chúng tôi phải tự tìm tòi sử Việt nên thương yêu sử Việt vô cùng... Khi được biết đến chương trình BCTT, tôi rất ủng hộ, rất cảm động. Dân Việt mình thích chơi lắm, nhưng tiếc là trên một số đài hiện nay hiếm trò chơi truyền hình dám đặt nặng văn hóa hơn là kinh tế".

Đứng trước nhu cầu "dân ta phải biết sử ta", và nhu cầu về trò chơi dân gian, ba đài truyền hình nói trên phối hợp với Công ty truyền thông Nhất cho ra đời BCTT - một sân chơi thuần Việt cho cộng đồng - từ soạn ý tưởng, viết kịch bản, cho đến ghi hình đạo cụ, phục trang...

BCTT tôn vinh một thời quá khứ lẫm liệt của triều đại Tây Sơn, với chiến thắng Rạch Gầm 1785 trước giặc xâm lược từ phía Tây Nam, chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789 trước giặc phương Bắc. Chưa phải BCTT đã hoàn chỉnh, nhưng nỗ lực tạo sân chơi cộng đồng như thế đáng dành cho một sự thiện cảm.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên