Nhà báo Bạch Mai (phải) chia sẻ cảm nhận về tập sách Sài Gòn thương còn hổng hết trong buổi ra mắt - Ảnh: L.ĐIỀN
Từ khi đọc sách cho đến lúc gặp Hoàng My tại Đường sách trong buổi ra mắt sách sáng 20-7, mới thấy suy nghĩ kia là có cơ sở. Những trang viết của My vừa có độ lùi như tình nguyện làm người quan sát chậm lại đằng sau những chộn rộn của Sài Gòn; vừa lại có cái xốc xới của một trái tim nóng hổi trước những máy động của dòng đời xô bồ.
Sài Gòn thương còn hổng hết, vì vậy chính như một lời thốt ra tận đáy lòng của những ai đang "ăn nằm" với Sài Gòn hiểu theo nghĩa chân tình nghiêm túc nhất của từ này.
Với Hoàng My, Sài Gòn là quê ngoại, và cô có duyên gắn bó với mảnh đất này từ năm 1997 đến nay. Hơn hai mươi mùa mưa nắng xuôi ngược khắp Sài Gòn, làm qua nhiều công việc, tiếp xúc và kết giao với nhiều giai tầng xã hội, rốt cuộc Hoàng My tâm sự rằng điểm thích nhất trong tính cách người Sài Gòn là "sự thiệt tình và không kiểu cách".
Thật là chí lý, trải bao dâu biển đổi dời, chính sự thiệt tình và không kiểu cách ấy của người Sài Gòn đã biến mảnh đất này đến ngày nay vẫn là nơi hội tụ các cộng đồng cư dân, dung chứa nhiều sắc thái văn hóa, và nổi trội lên trên tất cả Sài Gòn vẫn toát lên tinh thần bao dung không kỳ thị phân biệt.
Nhưng, để hiểu thấu những thú vị sâu sắc làm nên giá trị của Sài Gòn lại không đơn giản. Do vậy, trong trào lưu "người người viết về Sài Gòn" như hôm nay, tìm được những trang viết đạt độ rung cảm và truyền được niềm rung cảm ấy cho những ai đang bắt đầu có cảm tình với Sài Gòn từ những trang sách, thật đáng trân trọng.
Và trong một tập sách nhỏ bé chưa tới hai trăm trang, không ít lần người đọc bắt gặp những ý tứ độc đáo. Chẳng hạn như trên chuyến xe tang đưa đám bà ngoại, bỗng dưng tác giả nhìn ngó phố phường và nảy ra ý nghĩ "nếu còn sống, biết đến khi nào ngoại mới có được một chuyến đi dạo phố như thế này... chắc phải mấy năm rồi không ai nghĩ đến việc đưa ngoại ra ngoài chơi một chút đặng khuây khỏa".
Một ý nghĩ tự nhiên, rất thật, nhưng lóe lên ngay thời điểm đăc biệt như thế, có sức nặng như cứa vào lòng người, khiến cho người đọc đến chỗ này, lại giật thốt tự vấn lại mình bấy lâu đã sống với trên trước ra sao.
Hay như câu chuyện của bác xe ôm lo chuyện "bao đồng" từng ra sức ngăn cản cô gái nghèo định thoát kiếp công nhân nhưng không lường được việc mình sắp sa chân vào cạm bẫy trụy lạc; và câu chuyện của một nhân vật giấu tên (ngầm hiểu là tác giả) tẩn mẩn theo dõi những tình huống buồn vui cảm động đáng thương lẫn đáng trọng của nghề giao thức ăn.
Giữa Sài Gòn hiện đại hào nhoáng hôm nay, ngày càng nhiều khách hàng chọn cách đặt mua thức ăn qua mạng sử dụng dịch vụ giao hàng, nhưng có mấy ai cầm trong tay hộp đồ ăn của mình mà nghĩ đến bữa ăn của anh chàng giao hàng đang tất tả ngoài kia...
Cho nên, nói như nhà báo Bạch Mai có mặt tại cuộc giao lưu ra mắt sách, tập sách nhan đề Sài Gòn thương còn hổng hết nhưng tìm khắp quyển không có bài nào mang tên này, đây chính là nội dung bao hàm trong cả tác phẩm, là tình thương từ Sài Gòn mà tác giả nhận được, cũng như tình thương tác giả dành cho Sài Gòn qua trang viết hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận