28/06/2018 21:47 GMT+7

Rơi nước mắt lắng nghe người chuyển giới

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Vào nhà vệ sinh nam thì bị cấu véo, chòng ghẹo, vào nhà vệ sinh nữ thì bị các chị la hét, xua đuổi. Tốt nghiệp đại học nhưng bị kỳ thị tại nơi làm việc đến bức bối, trầm uất phải bỏ việc. Có người lại bị cả bản làng cho là bị điên và ép đi chữa

Rơi nước mắt lắng nghe người chuyển giới - Ảnh 1.

Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 Hương Giang chia sẻ những khó khăn mà người chuyển giới Việt Nam đang gặp phải - Ảnh: T.Điểu

Đây là những câu chuyện đẫm nước mắt mà người chuyển giới đã chia sẻ trong buổi giao lưu Lắng nghe người chuyển giới diễn ra sáng 28-6 tại Hà Nội.

Tại đây, nhà văn Y Ban, tác giả của I am đàn bà, dù đã gần 60 tuổi, nhưng sau khi "lắng nghe người chuyển giới" đã quyết định mình sẽ phải thay đổi. "Tôi đã gần 60 tuổi rồi. Tôi thuộc về một xã hội truyền thống xa xưa rồi. Nhưng chính tôi sẽ phải thay đổi, phải tôn trọng sự khác biệt" - nhà văn Y Ban nói.

Rơi nước mắt lắng nghe người chuyển giới - Ảnh 2.

Nhà văn Y Ban cho rằng chính bà cần phải thay đổi, cần bao dung với những sự khác biệt - Ảnh: T.Điểu

Lò Văn Thủy có lẽ là người được chú ý nhất trong buổi giao lưu khi bạn vận trên mình một bộ quần áo dân tộc rất đẹp. Thủy là người dân tộc Kháng ở Sơn La.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Thủy cho biết để đến với buổi giao lưu hôm nay, Thủy phải mượn một người khác làm thay cho mình với giá 200.000 đồng/ngày. Thủy cho biết bạn đang làm đầu bếp kiêm nhân viên tiếp rượu tại một nhà hàng ở Sơn La.

Nụ cười hiền lành thường trực trên môi, gương mặt hiền hậu, hồn nhiên như bao người dân tộc Kháng khác, nhưng câu chuyện Thủy kể lại thấm đẫm nước mắt. Là người dân tộc thiểu số nên chuyện Thủy là người chuyển giới là chuyện quá xa lạ và “điên rồ” với bản làng.

Rơi nước mắt lắng nghe người chuyển giới - Ảnh 3.

Dù bị cả bản làng cho là bị điên cần đi chữa bệnh, Lò Văn Thủy vẫn giữ được nụ cười rạng rỡ - Ảnh: T.Điểu

Khi Thủy nói với cha mẹ mình là người chuyển giới thì không chỉ cha mẹ Thủy mà cả bản làng cùng hùa vào nói Thủy "bị điên" và ra sức khuyên bảo và cả ép buộc Thủy phải đi… chữa bệnh.

Thủy lúc đó chỉ biết một mực chối từ trong chán nản. "Không thể chữa được vì nó ở bên trong của con" - Thủy nói với cha mẹ, rồi khăn áo ra phố thị kiếm việc làm. Thủy vui vẻ với công việc ê hề cơ cực: đầu bếp kiêm nhân viên tiếp rượu cho một nhà hàng.

Cũng là người dân tộc thiểu số nhưng La Nam (Lò La Nam) lại may mắn hơn Thủy khi được mẹ đồng hành trên con đường đi tìm chính mình, được bản làng rộng lượng đón chào, thậm chí ngưỡng mộ, coi La Nam như một người con giỏi giang, đáng tự hào của cả bản làng.

Tuy thế, cuộc sống của một người chuyển giới vẫn đầy nước mắt với La Nam.

4, 5 tuổi, La Nam đã biết mình là con gái chứ không phải con trai như hình dạng mình được sinh ra, nhưng La Nam không thể tâm sự với bất cứ ai. Bức bối, cô đơn, La Nam viết truyện gửi đăng báo và được xuất bản, truyện của Nam kể về tâm tư của một người chuyển giới muốn cho cả thế giới biết mình là ai.

Rơi nước mắt lắng nghe người chuyển giới - Ảnh 4.

La Nam tự tin trình diễn catwalk tại buổi giao lưu - Ảnh: T. Điểu

Dù không dám công khai thừa nhận giới tính thật của mình nhưng từ bé Nam đã rất khác biệt với bạn bè nên Nam đã bị cô lập và bạo hành. Ký ức về những năm học cấp 2, cấp 3 của Nam chỉ là những ám ảnh khôn nguôi về những lời trêu đùa độc ác, những trận đòn dồn dập trút xuống thân gầy.

Nhưng nước mắt của đau khổ, tuyệt vọng không làm La Nam gục ngã mà càng thôi thúc bạn chú tâm vào học hành để khẳng định mình. Nam thi đậu vào Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, khăn gói tới Hà Nội học hành và bắt đầu một cuộc sống mới - một cuộc sống cho Nam được sống thực với giới tính của mình.

Nhưng những nỗ lực học hành của La Nam đã không được đền đáp xứng đáng. Nam bị kỳ thị khi đi tuyển dụng cũng như ngay tại môi trường làm việc, đến độ trầm uất. Cuối cùng Nam đã phải bỏ công việc mà mình có được sau nhiều năm học hành chăm chỉ. Nam trở thành người mẫu và hiện khá hài lòng với công việc của một người đào tạo catwalk.

Rơi nước mắt lắng nghe người chuyển giới - Ảnh 5.

Dù được đánh giá cao về trình diễn catwalk, La Nam vẫn bị phụ huynh của các học trò mình kỳ thị - Ảnh: T.Điểu

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ người chuyển giới trong cộng đồng là từ 0,3-0,5% dân số. Theo con số này thì Việt Nam hiện có từ 290.000 đến 480.000 người chuyển giới. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đã ghi nhận 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hooc môn, tiêm silicon trôi nổi ngoài thị trường.

Với công việc mới, Nam nuôi tóc dài, phẫu thuật nâng ngực và rất hạnh phúc với ngoại hình mới. Trong câu chuyện của mình, Nam nhắc đến mẹ với một sự biết ơn sâu sắc. Nam kể, mẹ luôn đồng hành trong quá trình La Nam phẫu thuật nâng ngực.

"Những người chuyển giới khi làm phẫu thuật phải chịu vô vàn đau đớn, nếu có được sự đồng hành của cha mẹ thì đó là điều vô cùng hạnh phúc. Rất nhiều bạn chuyển giới phải tự đi phẫu thuật một mình, rất cô đơn. Các bạn phải chịu đựng sự tổn thương tâm lý sâu sắc" - La Nam nói.

Có một công việc phù hợp, được mẹ ủng hộ, bản làng thương yêu, những tưởng cuộc sống đã "dễ chịu" với La Nam, nhưng cái kết ngọt ngào ấy có lẽ còn xa lắm với những người chuyển giới như Nam.

Hàng ngày Nam vẫn phải gặp bao cảnh chua xót dành cho người chuyển giới. Thậm chí, dù được đánh giá tốt trong công việc đào tạo người mẫu, La Nam vẫn vấp phải sự kỳ thị, phản đối của cha mẹ học sinh.

"Họ sợ con cái họ học với một người chuyển giới thì sẽ bị hỏng lây" - La Nam nói trong nỗi chua xót ngậm ngùi.

Dương Tú Anh dù sắp lấy chồng nhưng cô cũng thừa nhận cuộc sống "chưa OK lắm". Hiện tại Tú Anh làm công việc hỗ trợ các bạn chuyển giới. Nhưng cuộc sống hàng ngày, Tú Anh vẫn luôn phải nhận sự dòm ngó, soi mói của xã hội khiến bạn rất tự ti.

Tú Anh mong muốn có điều kiện để phẫu thuật chuyển giới, để được sống đúng như một người con gái mà cô vẫn hằng ao ước nhưng chi phí cho phẫu thuật chuyển giới với cô là hoàn toàn không thể.

Rơi nước mắt lắng nghe người chuyển giới - Ảnh 7.

Nhiều người nhận ra Mai Châu chính là Vũ Tiến Mạnh, top 6 cuộc thi Project Runway năm 2013 - Ảnh: T. Điểu

Nhìn Mai Châu - một người chuyển giới xinh đẹp, rạng ngời hạnh phúc trong vai trò MC của chương trình giao lưu, không ai nghĩ cô từng sống những ngày hoang mang, đau khổ tột cùng khi không biết mình là ai. Mai Châu từng nhầm tưởng mình là người đồng tính. Phải mới đây cô mới hiểu mình là người chuyển giới.

Mai Châu kể, cô từng may đồ cho các bạn trai giả gái, mỗi lần thử đồ lên người để kiểm tra trước khi giao cho khách, cô lại nhức buốt trong lòng giấc mơ một ngày được xúng xính váy áo xinh đẹp như bất kỳ cô gái nào khác, được mang ngoại hình của một cô gái.

Nhưng chi phí cho một cuộc phẫu thuật chuyển giới là quá đắt đỏ với Mai Châu. May mắn là Mai Châu đã được tài trợ phẫu thuật chuyển giới vào năm 2016, sau khi cô tham gia một chương trình trên truyền hình.

Nhưng ngay cả khi đã được sống là mình trong hình hài của một cô gái xinh đẹp, cô gái chuyển giới quê Thái Bình này vẫn ngày ngày phải vật lộn sống giữa muôn trùng những kỳ thị của xã hội.

Rơi nước mắt lắng nghe người chuyển giới - Ảnh 8.

Chu Thanh Hà (thứ 2 từ trái qua) chia sẻ mỗi lần phải đi vệ sinh ở nơi công cộng là cơn ác mộng với bạn - Ảnh: T. Điểu

Chu Thanh Hà, một người chuyển giới nam, thì lại mang đến những câu chuyện cười ra nước mắt. Bạn kể, mỗi lần phải đi vệ sinh ở nơi công cộng, là cơn ác mộng với bạn. Vào nhà vệ sinh nam, bạn luôn bị các anh chòng ghẹo, cấu véo; còn vào nhà vệ sinh nữ thì lập tức bị các chị la hét, đuổi ra.

Chu Thanh Hà bảo, với mọi người, chuyển giới chỉ là hai từ, nhưng với những người chuyển giới là chu kỳ 21 ngày một lần tự tiêm hooc môn vào người mình, lặp lại trong suốt cuộc đời; là nỗi thống khổ tìm kiếm nguồn hooc môn đáng tin cậy và là bao kỳ thị mà xã hội và cả bạn bè, người thân trút lên mình; là những ngày phải tìm kiếm sự hỗ trợ của các bác sĩ tâm lý để vượt qua khủng hoảng…

Thanh Hà chia sẻ câu chuyện, bao năm qua bạn chỉ đến giao dịch ở duy nhất một chi nhánh ngân hàng. Lý do là bởi ở đó, dù giấy tờ tùy thân của bạn ghi giới tính nữ, nhưng nhân viên đều gọi bạn bằng đại từ "anh".

Chỉ một tiếng "anh" đó thôi, với Thanh Hà là cả một bầu trời hạnh phúc. "Danh xưng là vô cùng quan trọng với người chuyển giới" - Thanh Hà nói.

7 năm gắn bó với công việc hỗ trợ người chuyển giới, Chu Thanh Hà mong muốn dự thảo luật chuyển đổi giới tính sẽ được Quốc hội thông qua càng sớm càng tốt.

Rơi nước mắt lắng nghe người chuyển giới - Ảnh 9.

MiA đến với buổi giao lưu cùng cô con gái 13 tuổi - Ảnh: T.Điểu

Tại cuộc tọa đàm, ngoài Hoa hậu chuyển giới quốc tế năm 2018 Hương Giang thì MiA có lẽ là một cổ tích thứ hai giúp truyền cảm hứng cho người chuyển giới. Sinh ra ở Bến Tre, MiA từng không biết mình là ai, từng viết thư cho một tờ báo hỏi rằng "Em sinh ra là nam nhưng em lại rất nữ tính, vậy em là ai?".

Khi lên TP.HCM học đại học, được tiếp xúc với cộng đồng người đồng tình, MiA nghĩ rằng mình là người đồng tính. Chỉ tới khi đi du học tại Úc, MiA mới nhận ra mình là người chuyển giới chứ không phải người đồng tính.

Năm 2004, MiA quyết định phẫu thuật chuyển giới. Tại Úc, MiA đã may mắn tìm được người bạn đời của mình. Cô kết hôn với một người đàn ông Úc. Anh rất yêu thương vợ và đã quyết định cùng vợ về Việt Nam sinh sống.

Hiện MiA rất hạnh phúc với chồng và một người con gái nuôi 13 tuổi.

Tại buổi giao lưu, Hoa hậu chuyển giới quốc tế Hương Giang đã khởi động chiến dịch thu thập chữ ký từ cộng đồng để gửi thư ngỏ tới Bộ Y tế và Quốc hội, mong muốn Bộ Y tế sớm trình Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính lên Chính phủ và Quốc hội.
Hoa hậu chuyển giới quốc tế Hương Giang làm vedette trên sàn diễn Hoa hậu chuyển giới quốc tế Hương Giang làm vedette trên sàn diễn

TTO - Lần đầu tiên trong cương vị Hoa hậu chuyển giới quốc tế, Hương Giang sải bước với vai trò người mẫu vedette tại đêm khai mạc Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2018.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên