26/11/2013 02:04 GMT+7

Rắc rối bảo hiểm vì nồng độ cồn trong máu

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Người tham gia bảo hiểm tự nguyện đối với xe máy bị tai nạn giao thông tử vong. Bên công an xác nhận nạn nhân lái xe không có sử dụng rượu bia, trong khi bệnh viện điều trị lại xác định... có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, từ đó dẫn tới rắc rối khi giải quyết chi trả bảo hiểm.

Ông T.M.T. (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang) trình bày con ông là T.V.T.T. có mua bảo hiểm của Công ty CP bảo hiểm Pjico đối với xe máy. Ngày 7-6-2013, anh T. chạy xe máy đến thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên thì gặp tai nạn, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang cấp cứu, rồi chuyển lên tuyến trên điều trị và tử vong vào ngày hôm sau. Theo Công an huyện Tịnh Biên, lúc xảy ra tai nạn có đo nồng độ cồn nhưng không phát hiện và cơ quan này hai lần xác nhận điều này.

Bệnh viện xác định: có

Thế nhưng khi ông T.M.T. làm thủ tục xin chi trả bảo hiểm để có tiền trả nợ do trước đó phải vay mượn lo việc điều trị cho con thì Pjico chi nhánh An Giang cứ lần lữa mãi đến ngày 30-9 mới ra thông báo từ chối với lý do: căn cứ vào hồ sơ mà Pjico thu thập được thì lúc điều khiển xe máy, trong người anh T. có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là nguyên nhân trực tiếp trong vụ tai nạn nên không thể giải quyết bồi thường. Gia đình ông xin xem chứng cứ mà Pjico thu thập là gì nhưng đơn vị này không cho xem. “Theo nguyên tắc và quy định của bảo hiểm, nếu công an đã kết luận người lái xe bị tai nạn khi không có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định thì phía bảo hiểm phải chi trả” - ông T.M.T. khẳng định.

Ông Trần Thanh Hải - giám đốc Pjico chi nhánh An Giang - cho biết để làm thủ tục giải quyết bồi thường đối với trường hợp anh T., ngày 30-8 Pjico An Giang gửi đến Công an huyện Tịnh Biên đề nghị cho biết thông tin và được nơi đây xác nhận anh T. không có sử dụng rượu bia, đo không phát hiện nồng độ cồn. Tuy nhiên, do phần kết luận này chỉ do một điều tra viên ký, thấy chưa đủ cơ sở pháp lý nên sau đó Pjico An Giang tiếp tục thu thập thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang. Ngày 19-9, bệnh viện này có phiếu xác nhận (do một chuyên viên ký) lúc điều trị bệnh viện có đo được nồng độ cồn của anh T. là 0,9g/lít. Từ đó xác định anh T. điều khiển phương tiện trong tình trạng có sử dụng rượu bia, nồng độ cồn vượt quá quy định là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn. “Theo quy định, trường hợp này không thuộc phạm vi bảo hiểm tai nạn đối với người lái xe nên chúng tôi không giải quyết bồi thường” - ông Hải giải thích.

Tùy nghi xử lý

Mới đây, Pjico An Giang tiếp tục gửi công văn đề nghị Công an huyện Tịnh Biên và bệnh viện xác nhận lại thông tin. Bệnh viện khẳng định nội dung họ cung cấp trước đây là chính xác, còn lãnh đạo Công an huyện Tịnh Biên trả lời là không xác định được anh T. có sử dụng rượu bia hay không. Ông Hải giải thích rằng hiện nay không có quy định phải căn cứ vào kết quả của cơ quan nào về việc xác định nồng độ cồn để làm cơ sở giải quyết chi trả bảo hiểm tai nạn. “Trước đây chúng tôi từng gặp nhiều trường hợp tương tự và thường tự... linh động giải quyết” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, đáng lý khi xảy ra tai nạn, Công an huyện Tịnh Biên nên lấy mẫu máu thử tại chỗ, gửi bệnh viện làm xét nghiệm sinh hóa, hoặc căn cứ vào kết quả xét nghiệm lúc điều trị của bệnh viện để đưa ra kết luận người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức hay không, “đằng này công an không làm như vậy khiến thời gian giải quyết kéo dài, chúng tôi cũng phân vân, khó xử”.

Theo Pjico, anh T. mua bảo hiểm mức 80.000 đồng (gồm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự 60.000 đồng, VAT 6.000 đồng, bảo hiểm tai nạn cho hai người ngồi trên xe 14.000 đồng), mức trả bảo hiểm tai nạn tối đa cho anh T. chỉ 7 triệu đồng, chứ Pjico không thanh toán chi phí điều trị.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên