16/02/2022 14:04 GMT+7

Ra mắt 4 tập sách mới của văn chương TP.HCM, có 'Sài Gòn thở chậm hít sâu'

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Bốn tập sách đại diện cho 4 thể loại văn chương TP.HCM vừa ra mắt bạn đọc đầu năm Nhâm Dần 2022: Dòng biên viễn, Sài Gòn thở chậm hít sâu, Phù sa châu thổ, Cha tôi nhà thơ Nguyễn Bính.

Ra mắt 4 tập sách mới của văn chương TP.HCM, có Sài Gòn thở chậm hít sâu - Ảnh 1.

Nhà văn Trương Gia Hòa (thứ 2 từ trái) đang chia sẻ các đề tài tản văn của mình - Ảnh: L.ĐIỀN

Đây là kết quả của trại sáng tác mở từ năm 2021 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM và Hội Nhà văn TP. 4 tác phẩm chia đều cho 4 thể loại.

Dòng biên viễn của Hồ Thị Ngọc Hoài là tiểu thuyết lịch sử về nhân vật Nguyễn Hữu Cảnh, lúc vào Nam đóng ở cù lao Ông Chưởng (An Giang).

Sài Gòn thở chậm hít sâu của Trương Gia Hòa là tập tản văn mang hơi hướng thời sự với các góc nhìn nhân bản như phong cách sở trường của tác giả này.

Phù sa châu thổ của Hoài Hương là tập truyện ngắn với những trang viết mang hơi nóng của đợt dịch COVID-19 tại TP.HCM trong năm 2021.

Còn Cha tôi nhà thơ Nguyễn Bính của Nguyễn Bính Hồng Cầu, là tập ký sự nhân vật được tác giả hoàn thành như một tâm nguyện không chỉ với công chúng mà còn với gia tộc mang nhiều trắc trở của mình.

Ra mắt 4 tập sách mới của văn chương TP.HCM, có Sài Gòn thở chậm hít sâu - Ảnh 2.

4 tác phẩm vừa ra mắt - Ảnh: L.ĐIỀN

Buổi ra mắt 4 đầu sách này sáng 16-2 trong khuôn khổ một tọa đàm giao lưu nho nhỏ với sự góp mặt của PGS.TS Bùi Thanh Truyền và PGS.TS Võ Văn Nhơn.

Nhà thơ Lê Tú Lệ đại diện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM ghi nhận rằng đây là "4 tác phẩm đạt chất lượng khá và tốt" trong số nhiều tác phẩm của thành phố.

TS Bùi Thanh Truyền cho rằng tập tản văn Sài Gòn thở chậm hít sâu của Trương Gia Hòa có nét độc đáo là mang đầy chất thơ, chất triết lý và cả chất truyện. "Hòa trao gửi cho người đọc 1 loại vitamin thời nào cũng cần: vitamin niềm tin", nhà phê bình Bùi Thanh Truyền nhận định.

Về phần mình, tác giả Gia Hòa cho rằng mình chỉ viết về những chuyện thật từ chính cuộc sống của mình.

"Như tôi vừa phát hiện ra cây kéo cắt may của mình đã lụt, và sực nhớ ra từ tháng 10 tới giờ không thấy chú mài kéo mà mình tín nhiệm suốt 10 năm nay, giờ không biết chú đi đâu, có còn sống không. Có nhiều người không còn xuất hiện bên mình, nhưng họ cũng là trụ cột của một gia đình nào đó chứ..." - Gia Hòa chia sẻ.

Với Dòng biên viễn, nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài cho rằng đây thực sự là một đam mê của cô, khi hơn mười năm trước cô đã có thành tựu về truyện ngắn nhưng nay quyết định rẽ sang đề tài lịch sử. Cô nói rằng mình "muốn viết, muốn thể hiện một giai đoạn lịch sử đau thương và rất đẹp của cha ông, vậy mà vẫn chưa hài lòng".

Mặc dù tác giả tự nhận mình chưa hài lòng, TS Bùi Thanh Truyền cho rằng có nhiều thông điệp ngầm ẩn từ quyển sách Dòng biên viễn, đặc biệt là có những khoảng trống dành cho sự suy nghĩ của người đọc.

Trong khi đó, tập truyện ngắn Phù sa châu thổ của Hoài Hương là những trang viết về người trẻ, đặc biệt là người trẻ tại thành phố này trong cơn đại dịch vừa qua.

"Có thể xem đây là những trang viết hiện thực độc đáo, tập trung vào các vấn đề thời sự, những đề tài gần gũi với chúng ta; đặc biệt là các nhân vật đều đẹp, họ đầy ý chí để vượt qua vấp ngã và cống hiến, đóng góp cho cuộc đời", PGS.TS Võ Văn Nhơn nhận định.

Về phần mình, nhà văn Hoài Hương thừa nhận chính đại dịch COVID-19 đã là chất xúc tác quan trọng để chị hoàn thành tập truyện Phù sa châu thổ.

"Có những trang viết từ thực tế trải nghiệm của tôi trong khi tham gia làm tình nguyện các chương trình của Thành đoàn trong những ngày thành phố giãn cách nghiêm ngặt", Hoài Hương chia sẻ.

Về tập sách Cha tôi nhà thơ Nguyễn Bính, TS Võ Văn Nhơn ghi nhận: "Nguyễn Bính Hồng Cầu không chỉ thỏa mãn sự tò mò của người đọc quan tâm với Nguyễn Bính, mà tập sách còn là tư liệu quý như lý giải về hồn thơ, về vốn liếng văn hóa dân gian...; phần tiểu sử Nguyễn Bính cũng được Hồng Cầu viết kỹ lưỡng". Buổi giao lưu vắng mặt tác giả Nguyễn Bính Hồng Cầu vì lý do cá nhân.

Ra mắt 4 tập sách mới của văn chương TP.HCM, có Sài Gòn thở chậm hít sâu - Ảnh 3.

PGS.TS Võ Văn Nhơn đang nhận định về tác phẩm "Phù sa châu thổ" của nhà văn Hoài Hương - Ảnh: L.ĐIỀN

Hội Nhà văn TP.HCM vinh danh nhà văn Lê Văn Nghĩa với giải thưởng Cống hiến Hội Nhà văn TP.HCM vinh danh nhà văn Lê Văn Nghĩa với giải thưởng Cống hiến

TTO - Cố nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa vừa được Hội Nhà văn TP.HCM vinh danh với Giải cống hiến nhân đợt trao giải thưởng thường niên của hội. Giải thưởng Văn học thuộc về tiểu thuyết Nghiệp chướng của Lưu Vĩ Lân.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên