25/10/2005 08:19 GMT+7

Quốc hội lập Ủy ban Tư pháp giám sát việc phòng chống tham nhũng

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TT (Hà Nội) - Mô hình tổ chức nào cho cơ quan chịu trách nhiệm chính trước cử tri và nhân dân về phòng chống tham nhũng đã trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi khi Quốc hội thảo luận dự án Luật phòng chống tham nhũng chiều 24-10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án ban chỉ đạo quốc gia phòng chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, trong khi một số ý kiến đại biểu lại phản đối mô hình này.

“Làm công việc gì cũng cần có người chỉ huy, nhưng nếu chỉ huy mà... kiêm nhiệm thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ” - đại biểu Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) nhận xét. Ông Đức cũng thẳng thắn cho rằng trước đây chúng ta đã từng có một ban chỉ đạo chống tham nhũng nhưng không thành công, “biết không thành công mà lại đi theo vết xe cũ thì tính khả thi sẽ thấp, thà để như bây giờ tốt hơn”.

Đại biểu Lưu Thị Giang (Bắc Ninh) cũng không tán thành mô hình ban chỉ đạo, cũng như việc Thủ tướng Chính phủ đứng đầu ban này. “Đề nghị Quốc hội (QH) lập Ủy ban lâm thời làm công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, sau đó chúng ta sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để bổ sung ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vào luật thì vẫn chưa muộn” - bà Giang đề xuất.

Tuy nhiên, theo chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển, việc giám sát phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của QH, do vậy không thể lập một ủy ban lâm thời. Thay vào đó, Ủy ban Thường vụ QH sẽ chuẩn bị để trình Quốc hội sửa đổi Luật tổ chức QH tại kỳ họp sau, trong đó có qui định việc lập Ủy ban Tư pháp để giám sát việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Trước mắt, ông Khiển cho hay Ủy ban Pháp luật sẽ “gánh” trách nhiệm này.

1W4c8WpL.jpgPhóng to

Chính phủ cũng đã có qui định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí... nhưng chưa qui trách nhiệm được bao nhiêu, thậm chí còn rất ít.

Trừ trường hợp bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ trong vụ Lã Thị Kim Oanh, còn các vụ khác như cấp quota dệt may ở Bộ Thương mại, vụ việc ở Tổng công ty Dầu khí VN... chưa thấy người đứng đầu ở đó chịu trách nhiệm như thế nào.

Và nhiều bộ ngành có những vụ tiêu cực tương tự như vậy thì trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ như thế nào cũng chưa thấy rõ.

Mặt khác, việc xử lý tham nhũng hình như là “giơ cao, đánh khẽ”, nhất là đối với những cán bộ cao cấp. Chính vì vậy, tham nhũng ở nước ta không giảm mà ngày càng gia tăng, gây bất bình trong xã hội, trong nhân dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên