22/10/2015 08:12 GMT+7

Quốc hội làm hết việc chứ không làm hết giờ

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Tại phiên họp sáng 21-10, Quốc hội đã kết thúc buổi làm việc vào 9g15, sớm hơn khoảng hai giờ so với thông lệ.

Tại phiên họp sáng 21-10, Quốc hội đã kết thúc buổi làm việc sớm so với thông lệ - Ảnh: Viễn Sự
Tại phiên họp sáng 21-10, Quốc hội đã kết thúc buổi làm việc sớm so với thông lệ - Ảnh: Viễn Sự

Theo chương trình, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật kế toán (sửa đổi).

Phần cuối, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật kế toán (sửa đổi).

Tuy nhiên chỉ có bốn phát biểu trong hơn 20 phút. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người chủ trì phiên họp, đã kết thúc phiên họp và đề nghị tiếp tục về nghiên cứu tài liệu.

Trước đó, Quốc hội cũng từng nghỉ họp sớm hơn thông lệ hai giờ vào phiên họp ngày 9-6-2015 (kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII) vì không có đại biểu nào có ý kiến về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sĩ Dũng - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nói: “Nghị viện các nước thì bao giờ người ta cũng làm hết việc, có nghĩa là chưa xong việc người ta chưa nghỉ, có những nghị viện người ta làm đến một, hai giờ sáng, khi nào xong thì thôi.

Nhưng mà xong là xong, chứ không phải xong lại phải bày ra việc khác để làm. Sáng 21-10, khi thảo luận về dự án Luật kế toán sửa đổi kết thúc phiên họp sớm hơn hai giờ, Quốc hội cũng làm theo chuẩn đó. Nghĩa là làm hết việc chứ không phải hết giờ”.

Với câu hỏi Luật kế toán sửa đổi là một dự luật mang tính chuyên ngành cao, không phải đại biểu nào cũng có thể thẩm định được hết vấn đề vì không phải là chuyên môn của họ, liệu có cách thức nào khác trong quá trình xây dựng luật, ông Dũng cho rằng đó là vấn đề nên tính toán.

Vấn đề chuyên môn chỉ nên xử lý ở ủy ban của Quốc hội, nếu ủy ban thông qua thì Quốc hội nên thông qua ở phiên họp toàn thể, còn khi tranh luận ở phiên họp toàn thể phải là những vấn đề về chính sách.

Nếu không có chính sách mà chỉ liên quan đến vấn đề kỹ thuật chuyên sâu, đưa ra phiên họp toàn thể để tranh luận rất khó. Phiên họp toàn thể không phải là nơi để xử lý các vấn đề như vậy.

Về thực tế hiện nay tất cả dự án luật đều phải được thông qua ở phiên họp toàn thể, ông Dũng cho rằng đó là quy trình lập pháp của Việt Nam.

“Chúng ta cũng đang trong quá trình chuyển đổi, còn phải cố gắng. Nhưng có lẽ cũng cần phải hội nhập dần với cách làm của thế giới.

Vấn đề kỹ thuật bao giờ cũng phải xử lý ở ủy ban vì không thể quyết bằng đa số như chính sách được, ở Quốc hội các nước người ta không bao giờ đưa vấn đề này ra phiên họp toàn thể cả. Đó là việc của các ủy ban chuyên môn phải tương tác với chuyên gia để làm” - ông Dũng nói.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên