07/10/2015 14:00 GMT+7

Quay cuồng kiểm tra và điểm số khi lên lớp 6

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Sau năm năm cấp I không chấm điểm mà được nhận xét, khích lệ, lứa học sinh đầu tiên được áp dụng cách đánh giá nhân văn này bước vào lớp 6 với không ít bị sốc vì chấm điểm.

Một tiết học của học sinh THCS ở Bắc Giang - Ảnh: Vĩnh Hà

Hiện chưa có quy định nào mang tính tiếp nối cách đánh giá từ khích lệ đến cho điểm. “Không có quy định mới thì chúng tôi vẫn theo quy định cũ để thực hiện”, hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho biết.

Chóng mặt với "làm bài kiểm tra"

“Mới hơn một tháng bước vào năm học mới, con tôi đã phải làm đến gần chục bài kiểm tra ở các môn học, bao gồm kiểm tra 15 phút, 1 tiết. Chưa bao giờ tôi thấy điểm số gây áp lực tinh thần kinh khủng như thế, không chỉ đối với con mà với cả bố mẹ. Lần đầu tiên kiểm tra toán cháu được điểm 6, cháu đã rất sốc. Đến lần kiểm tra 1 tiết cháu đã mất ngủ vì lo sợ, kết quả cháu mang về điểm 4. Chúng tôi không còn cách nào khác là xin cho cháu đi học thêm”, một phụ huynh có con học THCS ở quận Đống Đa, HN chia sẻ.

Theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT về kiểm tra, đánh giá đối với HS THCS và THPT, mỗi môn học sinh có kiểm tra thường xuyên gồm kiểm tra miệng, viết dưới 1 tiết, thực hành dưới 1 tiết; kiểm tra định kỳ (gồm kiểm tra viết, kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ).

Điểm kiểm tra thường xuyên tính hệ số 1, điểm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên tính hệ số 2, điểm kiểm tra học kỳ tính hệ số 3.

Bộ GD-ĐT cũng quy định trong kế hoạch dạy học số lần kiểm tra tối thiểu, bao gồm cả kiểm tra các chủ đề tự chọn trong một học kỳ. Cụ thể, môn học có 1 tiết/tuần trở xuống kiểm tra ít nhất hai lần; từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần kiểm tra ít nhất ba lần; môn học có từ 3 tiết/tuần trở lên phải kiểm tra ít nhất bốn lần.

Ngoài ra với các chủ đề tự chọn, học sinh học chủ đề nào phải làm bài kiểm tra theo chủ đề đó

Bộ GD-ĐT chỉ quy định số lần kiểm tra/môn ở mức tối thiểu, không khống chế mức tối đa nên số lượng bài kiểm tra nhiều khi tùy thuộc vào từng trường, thậm chí từng giáo viên.

Có những giáo viên do bận việc không dạy được cũng cho học sinh “làm bài kiểm tra”. Có giáo viên vì nôn nóng muốn học sinh tiến bộ cũng yêu cầu tăng số lần kiểm tra đối với cả lớp hoặc từng nhóm học sinh.

Khi bước vào lớp 6, các học sinh làm quen với số môn học nhiều hơn (13 môn học), trong đó có có những môn học mới mẻ hoàn toàn như vật lý, sinh học. Học sinh cũng phải làm quen với cách dạy học mới, mỗi môn học một giáo viên đảm nhiệm, với các quy định khác nhau trong yêu cầu học tập, hoàn thành bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ.

Cùng với những áp lực mới đó, tần suất kiểm tra dày đặc khiến rất nhiều học sinh bị sốc. Nhất là những học sinh đã quen với cách đánh giá mềm mại theo hướng “không điểm số” ở bậc tiểu học.

Chị Hồng, phụ huynh có con học trường THCS Phương Mai, bày tỏ “Với cách đánh giá như hiện nay ở 13 môn học, nếu không học thêm thì các cháu sẽ càng chịu áp lực nặng nề”.

Tại một trường THCS ở Hà Đông HN, phụ huynh lớp 6 bức xúc cho biết giáo viên chủ nhiệm công khai yêu cầu phụ huynh cho con học thêm, với lý do “học sinh không được rèn nề nếp từ tiểu học nên phải học thêm thì mới đủ thời gian kèm cặp”.

Đủ loại đánh giá

Trong chỉ đạo nhiệm vụ năm học mới, Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên tăng cường đánh giá học sinh qua các hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập, vở học tập, thực hiện dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, thuyết trình...

“Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành”, hướng dẫn nêu rõ.

Về cách thức đánh giá, bộ này yêu cầu kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và tổng kết cuối kỳ, cuối năm học.

Không chỉ giáo viên tự đánh giá và nhận xét mà học sinh cũng góp ý lẫn nhau rồi đánh giá của... cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Khi chấm bài kiểm tra, giáo viên phải có phần nhận xét, hướng dẫn, sửa sai, động viên sự cố gắng, tiến bộ của học sinh.

Về hình thức kiểm tra, Bộ Giáo dục - đào tạo yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề thi, kiểm tra theo phương pháp ma trận. Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc/và trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu, từ dễ đến khó.

Trong đó, mức độ cuối cùng là học sinh vận dụng được các kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn; đưa ra những phản hồi hợp lý trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống.

Chưa bỏ cũ, đã tăng mới

Theo rất nhiều giáo viên THCS, trong khi Bộ GD-ĐT chưa bỏ quy định cũ, vốn có nhiều bất cập mà lại bổ sung yêu cầu đánh giá mới như thế này thì sẽ khó khăn cho giáo viên và học sinh.

Một giáo viên Trường THCS Ba Đình, HN cho biết môn ngữ văn là môn có tới 6 bài kiểm tra 1 tiết và 10 bài kiểm tra 15 phút theo quy định cũ, giáo viên đã rất vất vả. Nay muốn đánh giá học sinh trong quá trình, tổ chức và qua hoạt động, dự án học tập, trong khi không được phép bỏ bớt số lần kiểm tra như quy định cũ thì sẽ không thể thực hiện được.

Cô Hải Yến, giám đốc điều hành Trường THCS Alpha, HN, nhận xét: Với một dự án học tập hoặc một hoạt động thực hành, nghiên cứu của học sinh phải tổ chức trong một khoảng thời gian dài từ nửa tháng đến một tháng thì mới có thể theo dõi, kiểm tra mức độ thực hiện của từng học sinh.

"Như vậy thời gian lao động của giáo viên sẽ phải tăng lên. Nếu các quy định về kiểm tra đánh giá không được điều chỉnh theo hướng linh hoạt sẽ gây áp lực cho thầy, trò. Và việc hướng dẫn trên của Bộ GD-ĐT sẽ không khả thi, nhất là ở các trường công lập hiện nay" - cô Yến nói.

Cho điểm học sinh qua kết quả thực hiện dự án học tập, hoạt động GD như hướng dẫn mới của Bộ GD-ĐT cũng là cái khó mới mà nhiều giáo viên ở HN nhận định.

Theo các giáo viên, trong một nhóm học sinh, việc đóng góp của các em không đồng đều. Nếu như ở tiểu học, việc đánh giá chỉ mang tính động viên, khích lệ, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh là chính thì ở bậc THCS, dù hình thức kiểm tra như thế nào cũng vẫn liên quan tới điểm số. Nhất là khi điểm học lực của học sinh THCS đang là một yếu tố quan trọng cho việc tuyển sinh vào bậc học cao hơn ở nhiều địa phương.

 

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên