05/01/2019 08:19 GMT+7

Quần vợt mở ra cửa hội nhập cho gia đình gốc Việt ở Mỹ

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Nhiều năm sau khi đến Mỹ, gia đình của ông Kevin Cao vẫn không thể dung hòa được với nền văn hóa mới. Mọi giao tiếp với thế giới bên ngoài đều khép kín, cho đến khi cô cháu gái của ông tập chơi quần vợt.

Quần vợt mở ra cửa hội nhập cho gia đình gốc Việt ở Mỹ - Ảnh 1.

Cặp song sinh nhà họ Cao và cha mẹ với phần thưởng sau giải đấu năm 2015 - Ảnh chụp màn hình

Khi Elliott McDermed lần đầu gặp Doan Pham, ông cảm thấy sợ người cha gốc Việt này, từ lời ăn tiếng nói đến cái dáng đứng ủ rũ khi nhìn hai đứa con trai nhỏ là Vinh và Nam tập quần vợt.

Một thập kỷ trôi qua, giờ đây Doan Pham đã trở thành một người thân thiện và hướng ngoại trong mắt của McDermed. 

Ông chủ của CLB quần vợt ở thành phố Kansas không chỉ huấn luyện hai đứa con của ông Doan mà còn chỉ dạy nhiều đứa cháu khác của ông, như cặp song sinh Katherine và Josephine Cao, Jennifer Dien và Thompson Tong.

Tất cả các em đó đều trở thành những tay vợt xuất sắc tại trường đại học khiến nhiều người tin rằng gia đình này có truyền thống, có năng khiếu được truyền từ cha chú. 

Truyền thống đó lại thật ra chỉ mới bắt đầu từ Jennifer khi cô bé lên 10 tuổi.

Gia đình ông Kevin Cao đến Mỹ vào những năm 1970 và sống khép kín trong suốt nhiều năm sau đó. Thế giới của họ ở Mỹ chỉ quanh quẩn giữa các thành viên trong gia đình và một nhóm nhỏ các sư thầy tại ngôi chùa Phật giáo trong vùng. 

Cuộc sống mới chỉ thực sự bắt đầu khi cha của Jennifer, ông Sam Dien mở một cửa hàng buôn bán đồ điện tử và thuê chị em gái trong gia đình làm việc.

"Tôi còn nhớ các cô chú dặn chúng tôi đừng đi ra trước cửa hàng. Muốn gì thì cứ đứng ở đằng sau, sẽ có người đến giúp" - Thompson Tong nhớ lại cuộc sống lúc ban đầu khi trả lời với tờ Kansas City Star.

Khi Jennifer bắt đầu tập chơi quần vợt với cha, các anh chị em họ khác cũng thấy thích thú và tự tin muốn được cầm vợt ra sân. Cha của Jennifer trở thành huấn luyện viên nghiệp dư đầu tiên của các cháu trong gia đình.

"Lúc trước mọi người chỉ đi lễ chùa. Nhưng khi chúng tôi chơi quần vợt và du đấu, mọi người cũng bắt đầu đi đây đi đó, gặp gỡ người khác nhiều hơn" - Thompson kể. 

Cha của Thompson, ông Qua, gật gù đồng tình khi có người nói rằng quần vợt đã giúp cả ba thế hệ gia đình thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn và hòa nhập vào văn hóa Mỹ.

Đã có lúc cả gia đình suýt bị đuổi khỏi khán đài vì cổ vũ "quá sung" cho Jennifer khi cô thi đấu ở Wichita hay cùng nhau ăn mừng trước màn trình diễn của cặp song sinh tại các giải đấu ở thành phố Kansas hay Columbia.

"Nếu bạn cho con của bạn niềm đam mê mà chúng thực sự muốn có, đó là cách chúng ta đang giúp đỡ con của mình. Đừng ngại đầu tư đường dài, bởi cuối cùng công sức đó sẽ được đền đáp" - ông Kevin Cao - cha của cặp song sinh chia sẻ.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên