26/10/2013 03:49 GMT+7

Phục dựng bản giao hưởng trong trại tập trung phát xít Đức

TUẤN KHANH (Theo CBS News, Fox)
TUẤN KHANH (Theo CBS News, Fox)

TT - Tại sảnh đường giao hưởng Boston (Boston’s Symphony Hall, Mỹ) trong suốt tuần rồi, khán phòng hơn 1.000 người luôn đầy khán giả đến dự và chứng kiến bản giao hưởng được sáng tác và trình diễn trong trại tập trung của phát xít Đức.

7AIUwsIE.jpgPhóng to
Nhạc sĩ sống sót từ trại tập trung George Horner (trái) trình diễn cùng nghệ sĩ cello Yo Yo Ma tại Boston, 70 năm sau khi bản nhạc được ra đời ở trại tập trung của Đức quốc xã - Ảnh: AP

Gần phân nửa số khán giả có mặt là nạn nhân hoặc gia đình của những người từng sống qua trong trại tập trung ở Dachau, Terezin, Auschwitz và Buchenwald.

Nhạc sĩ George Horner đã 90 tuổi, kết hợp với tay chơi cello hàng đầu thế giới là Yo Yo Ma đã cùng phục dựng và trình tấu bản giao hưởng này sau 70 năm nó ra đời trong nhà ngục. Buổi trình diễn này cũng giới thiệu lại những nhạc phẩm được viết trong trại tập trung, được cất giữ bằng giấy vụn hoặc chỉ bằng trí nhớ. Vì sợ bị trừng phạt nếu lính Đức biết được, nhiều nhạc sĩ đã chọn cách học thuộc lòng các nốt nhạc và sau đó xé đi, thậm chí nuốt vào bụng khi khám xét bất ngờ diễn ra.

Trong buổi diễn, trước khi trình tấu một bài kế tiếp, nhạc sĩ George Horner đã đùa với Yo Yo Ma rằng: “Tôi có cần nuốt bài nhạc này đi trước khi trình diễn không?”. Cả khán phòng vang lên tiếng cười nhưng sau đó là một chuỗi im lặng kéo theo. Thậm chí người ta nghe có tiếng khóc nho nhỏ của một vài người.

Yo Yo Ma nói rằng ông tham gia chương trình này để mong mọi người nghĩ đến một tương lai tốt đẹp hơn. “Thậm chí có ý kiến cho rằng việc tàn sát mang tính diệt chủng những nạn nhân Do Thái (Holocaust) là điều không có thật. Hôm nay chúng ta sẽ chứng minh quá khứ cần phải được tôn trọng và âm nhạc sẽ chữa lành trái tim mọi người” - Yo Yo Ma nói.

Còn George Horner nói rằng ông biết ơn âm nhạc vì khi mọi thứ tuyệt vọng và trống rỗng, ông nhận ra âm nhạc đã lấp đầy mọi thứ và giúp ông tồn tại trong cơn ác mộng có thật.

Khi George Horner được quân đội Đồng minh đến cứu vào năm 1945, ông chỉ mới 21 tuổi nhưng đã từng đi qua bốn trại tập trung, cha mẹ và chị của ông đã chết đói và kiệt sức lần lượt qua từng trại. Trên lưng của George Horner vẫn còn chằng chịt những vết sẹo do bị đánh đập.

Chương trình hòa nhạc được Tổ chức Terezin (Terezin Music Foundation) dàn dựng. Terezin là một khu tô giới (ghetto) của người Do Thái tại Tiệp Khắc cũ, khi quân Đức chiếm đóng. Điều kỳ lạ mà ông George Horner và mọi người nhớ lại là dù bị xử chết ngày mai, các sĩ quan Đức vẫn cho phép hòa nhạc hôm nay. Cũng nhờ vậy mà rất nhiều tác phẩm mô tả đời sống của người Do Thái, người trong trại tập trung được hình thành từ đó.

TUẤN KHANH (Theo CBS News, Fox)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên