18/09/2015 00:10 GMT+7

​Phú Yên chủ động trong sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Những năm gần đây, hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Yên đã chủ động chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả, chủ yếu là lúa 1 vụ.

Nhiều giải pháp ứng phó

Trước thực trạng thiếu nước diễn ra ngày càng gay gắt, tỉnh Phú Yên đã xây dựng qui hoạch tổng thể và các giải pháp đầu tư các công trình khai thác nguồn nước. Theo đó, có 20 giải pháp công trình khai thác nước mặt, trong đó đề nghị xây dựng mới 92 công trình hồ, đập và trạm bơm; 5 giải pháp công trình khai thác nước ngầm... với công suất hàng triệu mét khối nước mỗi năm.

Đại diện Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở TN-MT Phú Yên cho biết, tính đến năm 2014, toàn tỉnh tập trung xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 126 công trình thủy lợi, gồm 52 hồ chứa, 10 đập dâng và 9 trạm bơm điện, tổng dung tích hữu ích các hồ chứa ứng với mực nước dâng bình thường hơn 100 triệu mét khối.

Bên cạnh đó, để bảo vệ và phát triển nguồn nước mùa cạn kiệt, hạn chế dòng chảy vào mùa lũ, tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2015 nâng độ che phủ rừng lên 40%.

Hiện tỉnh đang tập trung công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chuyển đổi các phương thức canh tác từ hình thức đốt nương làm rẫy sang thâm canh; đa dạng các hình thức tái tạo rừng kết hợp phát triển lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng; kêu gọi đầu tư lĩnh vực chế biến có sử dụng nguồn nguyên liệu từ rừng trồng.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Phú Yên, từ đầu năm 2015 đến nay, tổng lượng mưa trong tỉnh chỉ đạt từ 20-80mm, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 đến 50%.

Còn theo Sở NN-PTNT, mấy năm gần đây vào mùa khô, nước các hồ thủy lợi luôn ở mức thấp, nên việc cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ hè thu gặp nhiều khó khăn. Một số vùng trồng lúa bị thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và thu nhập của người dân. Vì vậy, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây khác thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi cấp thiết hiện nay.

hinh-7-1442568333.jpg

Chủ động chuyển đổi cây trồng

Phú Yên có 24.000 ha đất trồng lúa hai vụ, sản lượng lương thực bình quân 34 vạn tấn/năm. Từ thực tế trên, tỉnh Phú Yên đã và đang tích cực vận động nông dân chuyển đổi tập quán chuyên canh sản xuất lúa ở các vùng thiếu nước, nhiễm mặn, nhất là đất lúa 1 vụ sang đa dạng trồng cây hàng năm khác đem lại hiệu quả cao.

Tính từ năm 2013 đến nay, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi và đăng ký chuyển đổi hơn 1.200 ha đất trồng lúa 1 vụ thiếu nước sang các loại cây khác, trong đó riêng năm 2015 hơn 700 ha. 

Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2015, toàn huyện sản xuất 620 ha lúa. Tuy nhiên, do các hồ đập, sông suối cạn kiệt nước, nên phải cắt giảm diện tích 70 ha. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng khô hạn sang trồng các loại cây trồng cạn dùng ít nước, mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Việc trồng lúa liên tục qua nhiều năm đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm (giá lúa chỉ giao động từ 5.200 - 5.400 đồng/kg). Khi mô hình luân canh lúa – ngô được triển khai tại một số địa phương, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi hơn từ 6 đến 8 triệu đồng/ha so với trồng lúa truyền thống.

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh Phú Yên cũng đã xây dựng và triển khai các mô hình luân canh trên đất lúa khác, như mô hình lúa - dưa hấu phủ bạt, lúa - đậu - dưa, dưa - mướp đắng - dưa… đạt doanh thu từ 90 đến 150 triệu đồng/ha.

Một số nơi, nông dân còn mạnh dạn chuyển đất trồng lúa thiếu nước sang trồng cỏ nuôi bò đạt doanh thu bình quân hàng năm từ 36 đến 90 triệu đồng. 

Ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công bố các giống ngô, lạc, dưa hấu, cỏ… cho năng suất cao, tạo điều kiện cho nông dân chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác thuận lợi. Đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp…

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên