03/08/2015 06:35 GMT+7

Các liên đoàn thể thao nên mạnh dạn “xóa bàn cờ” làm lại

TRẦN VĂN NGHĨA
TRẦN VĂN NGHĨA

TT - Sau bài “Vì sao họ từ chối làm chủ tịch VFV?” (Tuổi Trẻ ngày 1-8), ông Trần Văn Nghĩa - nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM (HFV) - đã gửi đến bài viết chia sẻ suy nghĩ của ông.

Tôi thật tâm đắc với những trải lòng rất thật và thẳng thắn của ông Lê Quốc Phong - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền và ông Nguyễn Đức Hưởng - phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank trong bài viết “Vì sao họ từ chối làm chủ tịch VFV (Liên đoàn Bóng chuyền VN)?”. Tôi nghĩ các liên đoàn chuẩn bị đại hội nên mạnh dạn phá vỡ những rào cản hoặc ý tưởng cũ kỹ để xây dựng một bộ máy chuyên nghiệp và có tầm nhìn xa hơn...

30 năm trước và nay vẫn y hệt nhau

Hơn 30 năm trước, các liên đoàn thể thao mọc lên như nấm nhưng thời ấy giữa thể thao và kinh tế cùng đồng hành trên con đường bao cấp nên cần sự chia sẻ. Ví dụ thời ấy, anh chủ tịch liên đoàn hay viết thư tay đến các công ty làm ăn khá giả trực thuộc ngành của mình mời tài trợ giải đấu và anh tổng thư ký có nhiệm vụ đi nhận “quà” từ các nơi.

Thời đó, vị trí chủ tịch các liên đoàn thường do Tổng cục TDTT hoặc các sở TDTT chủ động đi mời và những người được mời hầu hết là doanh nhân để họ lo “cơm áo gạo tiền”. Trong khi đó, chức danh tổng thư ký liên đoàn, trưởng bộ môn đều do Tổng cục TDTT hoặc sở TDTT chỉ định. Các tiểu ban trực thuộc có việc thì được mời họp cho có “ghế” vì quyền xử lý mọi chuyện như phân công trọng tài, giám sát, đề xuất HLV, duyệt kế hoạch hằng năm của liên đoàn... đều thuộc về ông tổng thư ký kiêm trưởng bộ môn.

Vì vậy mới xảy ra chuyện ông chủ tịch phải ngồi nghe ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo ngành, nhiều khi ngao ngán đến tận cổ! Ông Nguyễn Văn Bên, nguyên giám đốc Công ty Vifon, thời ấy là phó chủ tịch VFV kiêm chủ tịch HFV, than với tôi rằng: “Tôi điều hành công ty nộp ngân sách nhà nước hằng năm cả trăm tỉ mà phải ngồi nghe mấy ông thể thao chỉ biết xài tiền nhà nước chỉ đạo thì phí thời gian của tôi quá...”. Nghe thì rất đau lòng nhưng cơ chế ràng buộc dễ làm các chủ tịch nản lòng và xa rời dần công việc chủ tịch, thậm chí họ luôn viện cớ bận họp ở công ty để không tham dự các cuộc họp của liên đoàn.

Nhưng hơn 30 năm sau, quy trình mời chọn chủ tịch các liên đoàn vẫn như xưa trong khi giữa thể thao và kinh tế không còn song hành từ lâu. Thể thao vẫn tiếp tục sống nhờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước, trong khi cơ chế, bộ máy vẫn cũ kỹ như xưa. Nói thật lòng là với cách tổ chức bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả và “nặng về tính nhà nước” như hiện tại ở các liên đoàn sẽ rất khó mời người nổi tiếng hay doanh nhân làm chủ tịch. Vì đơn giản là không một doanh nhân nào chấp nhận ngồi vào ghế chủ tịch nhưng để liên đoàn phải đi “ăn đong” từng giải đấu một, hay phải bỏ tiền túi hoặc lấy tên công ty tài trợ cho các giải đấu. Tôi rất chia sẻ với tâm tình của ông Lê Quốc Phong khi bàn về chuyện của VFV: “Cách của VFV hiện nay, điều đầu tiên là họ phải lấy người của VFV để làm vì họ có người, lấy người khác vào làm không được vì những người trong liên đoàn sẽ có ý kiến ngay”. Nhận xét của ông cho thấy cơ chế đang tồn tại rất khó thay đổi.

Bài học từ nước Úc

So với nhiều liên đoàn thể thao ở một số nước trên thế giới thì các liên đoàn ở VN có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều vì tiền tập huấn dài hạn hay ngắn hạn cho các đội tuyển quốc gia hoặc đội tuyển trẻ đều là kinh phí của Nhà nước. Ngay cả kinh phí trao thưởng cho các cầu thủ hoặc đội bóng đạt thành tích cao đều được Nhà nước quy định hẳn hoi, thậm chí các cuộc thi đấu ở giải trẻ hay đại hội thể thao toàn quốc đều sử dụng ngân sách nhà nước.

Vậy tại sao hằng năm các liên đoàn thể thao ở VN chỉ lo tổ chức vài giải đấu mà như con thuyền không còn dầu lênh đênh trên biển? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin lấy ví dụ câu chuyện bóng chuyền của Úc. Cách đây 10 năm, bóng chuyền không phải là môn thể thao có nhiều CĐV tại Úc, song lãnh đạo Liên đoàn Bóng chuyền Úc (AVF) nhiệm kỳ 2005 - 2009 đã quyết tâm thay đổi bằng cách đề ra mục tiêu “khuyến khích mọi người gắn bó với bóng chuyền”. Họ cũng hoạch định một chiến lược rất chi tiết mang tên “Hãy cùng chia sẻ tầm nhìn cho tương lai”. Tổng thư ký AVF chỉ là người tổng hợp tất cả hoạt động báo cáo cho chủ tịch, nhưng dưới tổng thư ký (không ăn lương nhà nước) là một giám đốc điều hành chuyên nghiệp cùng một vài nhân viên ăn lương chuyên nghiệp.

Những người này dù không có nguồn gốc liên quan đến bóng chuyền nhưng đã phân tích đầy đủ những điểm yếu, điểm mạnh, cùng ngồi lại hoạch định các mục tiêu phải làm, cùng nghĩ ra cách kiếm tiền... Và chỉ trong vòng 10 năm, Úc đã hái quả với hơn 50.000 hội viên gia nhập AVF, có nhiều cầu thủ Úc ký hợp đồng thi đấu cho các giải bóng chuyền tại Mỹ hay Ý...

Tôi kể câu chuyện ở Úc với hi vọng các quan chức thể thao sẽ ít nhiều có được những bài học kinh nghiệm từ đây. Vấn đề là ngành thể thao có chấp nhận “xóa bàn cờ” một lần, quyết tâm thay đổi toàn diện vì mục tiêu phát triển của thể thao VN hay không. 

 

Ông Lê Minh Hồng - Ảnh: CTV

“Tôi sợ mất uy tín doanh nghiệp”

Đó là chia sẻ của ông Lê Minh Hồng - phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) - với Tuổi Trẻ ngày 2-8 xung quanh câu chuyện các doanh nhân từ chối tham gia lãnh đạo các liên đoàn thể thao.

Ông Lê Minh Hồng chia sẻ: “Tôi rất yêu mến bóng chuyền vì thế mới đứng ra làm chủ tịch VFV đã bảy năm nay. Đáng lý đại hội VFV khóa VI phải tiến hành từ hai năm trước nhưng do không tìm ra được chủ tịch nên không thể đại hội. Tôi và ông Trần Đức Phấn - tổng thư ký VFV - đã tìm và thuyết phục lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đứng ra ứng cử chức chủ tịch nhiệm kỳ tới nhưng tất cả đều từ chối".

* Là lãnh đạo một tập đoàn lớn của VN, ông có thể lý giải vì sao các doanh nhân thành đạt, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty khi được mời tham gia lãnh đạo các liên đoàn thể thao đều nhất quyết từ chối?

- Tôi cũng tự đặt câu hỏi này với cá nhân tôi và những người được chúng tôi giới thiệu ra ứng cử chủ tịch VFV thời gian qua. Không chỉ với VFV, các liên đoàn khác cũng gặp nhiều khó khăn mỗi khi tổ chức đại hội vì không tìm được các ứng viên chủ tịch là các doanh nhân, lãnh đạo công ty. Lý do theo tôi thì có nhiều, có thể kể đến một vài trở ngại khiến họ không muốn nhận lời tham gia các liên đoàn thể thao là do họ bận rộn và gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay; các doanh nhân đến từ các doanh nghiệp ngân hàng, làm dịch vụ, xây dựng... mục tiêu quan trọng nhất của họ là tập trung phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do họ điều hành...

* Sau bảy năm làm chủ tịch VFV, bằng kinh nghiệm thực tế, theo ông, khúc mắc lớn nhất ở các liên đoàn là gì khiến các doanh nhân không mặn mà tham gia?

- Các doanh nhân khi được chúng tôi gửi lời mời tham gia ứng cử chủ tịch VFV thì họ băn khoăn lắm. Lo lắng là khi họ tham gia bất cứ lĩnh vực thể thao nào thì nó xuất phát từ lòng đam mê, ngoài ra khi tham gia cũng phải có ích cho doanh nghiệp của họ vì họ đang là lãnh đạo. Nếu tham gia không có ích cho doanh nghiệp, không tạo uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp mà lại ảnh hưởng đến doanh nghiệp thì họ không muốn. Thể thao thì ai cũng biết, khi tốt thì tất cả xã hội vỗ tay hoan hô, ca ngợi đủ kiểu, nhưng khi chẳng may VĐV thi đấu không tốt thì búa rìu dư luận rất ghê gớm.

* Khi rút lui, ông có giới thiệu bạn bè, đồng nghiệp của ông là các doanh nhân có tiếng tham gia ứng cử vị trí chủ tịch VFV nhiệm kỳ tới?

- Tôi có giới thiệu rất nhiều bạn bè, đồng chí của tôi nhưng họ đều từ chối hết vì chẳng ai muốn làm. Vì không có ai nên tôi đã phải vận động ông Trần Đức Phấn đứng ra làm chủ tịch VFV nhiệm kỳ VI. Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL cũng đã đồng ý với phương án này để tổ chức đại hội. 

KHƯƠNG XUÂN

TRẦN VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục