Anh Nguyễn Phi Huấn, công nhân kéo cáp làm việc trên đường Thi Sách, Q.1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Bà Lành quệt mồ hôi ròng ròng, rồi kéo lại khăn che mặt. 11h trưa, bà đã uống cạn bình nước gần 2 lít. Còn một giờ nữa công trình xây dựng bà đang làm trên tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, TP.HCM mới nghỉ trưa, nhưng thợ đã uể oải. Phụ nữ say nắng, lừ đừ hẳn. Người cai tiếc việc mà đành im lặng. Chính mặt anh cũng đỏ lừ, ròng ròng mồ hôi...
"Nắng dữ quá, đi không nổi"
14h, bà Trần Thị Kim Trung (60 tuổi) vừa về đến phòng trọ ở quận 9 sau một buổi sáng đi bộ lang thang bán vé số. "Không biết sao mấy hôm rày nắng nóng dữ trời? Mới 11h mà tui đã choáng váng, không thấy đường sá gì nữa, muốn ngất luôn.
Nắng rát, rồi hơi nóng từ đường lộ hắt lên làm tui hoa mắt, nhức mũi. Mỗi ngày tui đi bộ tầm mấy chục cây số tới khi nào bán hết. Nhưng hai hôm nay nắng dữ quá, tui đi không nổi, đành phải trả lại xấp vé số" - bà Trung than thở.
Theo người bán vé số này, mọi hôm tầm 11-12h trưa nắng mới gay gắt. Mấy hôm nay, cỡ 9h bà đã thấy nắng dữ dội, rát bỏng cả da thịt. Thường ngày đi bán vé số mà lúc mệt quá, bà dừng chân tạm dưới bóng râm hay hiên nhà ai để nghỉ ngơi rồi đi tiếp. Nhưng hôm nay nắng quá, bà lừ đừ muốn bệnh, không đi nổi nữa nên phải về nhà sớm hơn mọi hôm.
Thợ phá dỡ nhà thêm vất vả khi làm việc dưới trời nắng nóng - Ảnh: TỰ TRUNG
Quê bà Trung ở Huế, cả nhà vào TP.HCM mưu sinh. Hai mẹ con bà chia nhau đi bán vé số, mỗi ngày mỗi người 100 tờ. Họ bán từ sáng tới đầu giờ chiều, rồi chiều tối lại cố gắng đi bán thêm "được đồng nào đỡ đồng nấy". Với bà, dù TP.HCM nắng nóng hay "tia UV gì đó" nguy hại, nhưng gia đình bà không lo đói như những ngày mưa rét dầm dề ở Huế.
Bên vệ đường Kha Vạn Cân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, ông Đậu (78 tuổi) cầm chiếc quạt nhỏ trên tay để phả gió mát vào lồng ngực trần và khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi. Ông Đậu bị cụt hai chân, phải ngồi xe lăn, bán vé số ở đây đã gần 20 năm.
Trời nắng nóng quá, ông hạ thấp dù, che cho cả người và bàn đựng vé số, đỡ bị hơi nắng nóng hừng hực phả vào. Người qua đường mua vé số phải cúi lưng lom khom lựa từng tờ.
"Trời sao mà nắng quá, tôi bán không chạy như mấy hôm trước. Mong ông trời bớt đổ lửa cho tui dọn bớt dù, để người ta còn thấy vé số mà mua" - vừa nói, ông vừa quệt mồ hôi.
Nắng thế nào cũng phải ra đường nhặt ve chai - Ảnh: UYÊN TRINH
Phơi mình làm hồ trong nắng đổ lửa suốt mấy ngày rồi, tôi không biết mình còn tiếp tục chịu đựng nổi không nữa. Lạy trời kéo mây, kéo mưa xuống.
Bà NGUYỄN THỊ LÀNH
Tụt huyết áp, xỉu
Mấy hôm nay, trên các nẻo đường thành phố như Cách Mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Phan Đăng Lưu, Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), Điện Biên Phủ (quận 3)... người đi đường, nhất là phụ nữ, đều che kín mình với áo khoác, kính râm, vớ, bao tay.
Ngày thường cánh phụ nữ ra đường đã kín mít như ninja, mấy ngày này họ càng bảo vệ da dẻ kỹ hơn trong màn trời đổ lửa. Nhiều xe máy còn được treo chai nước khoáng hay bình nước pha sẵn từ nhà mang đi. Tầm trưa, các tiệm ăn, quán cà phê đông nghịt người tìm đến tránh nắng nóng.
Buôn bán cũng chậm hơn do nắng nóng - Ảnh: UYÊN TRINH
Một phụ nữ đang nhặt ống nhựa từ công trình xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng. Được hỏi chuyện, chị kéo lại chiếc khẩu trang che kín mặt rồi lắc đầu, tỏ vẻ mệt mỏi: "Nắng gì mà khủng khiếp quá! Tôi đau đầu, xây xẩm mặt mày vài ba bữa nay rồi. Huyết áp cũng tụt mà phải ráng đi làm vì còn đứa con út đang học đại học. Mỗi ngày, tôi đạp xe cũng phải năm, bảy chục cây số đi mua ve chai".
Vừa nói, chị vừa đập gãy ống nhựa thành từng khúc rồi xếp chúng lên xe để tiếp tục đạp đi nơi khác. Lưng áo người đàn bà nghèo bết dính mồ hôi...
"Những người lượm ve chai mưu sinh như chúng tôi xỉu dưới trời nắng là chuyện bình thường, thậm chí về nhà sốt bệnh luôn" - ông Lê Văn Tám (47 tuổi, quận Bình Thạnh) nói.
Dưới gốc cây cổ thụ trên đường Nơ Trang Long, một tốp người nhặt ve chai đang ngồi tránh nắng. Họ tâm sự sẽ đi làm thêm trắng đêm để bù cho ngày nắng quá phải ngồi nghỉ.
Dừng xe sát vỉa hè bên đường, một bà cụ đang đẩy xe rác lấy chai nước vã lên mặt, rồi than mệt: "Trời nóng quá đi! Tôi muốn xỉu luôn rồi cô ơi". Nhưng nói chưa dứt câu, bà lại lầm lũi đẩy xe rác đi tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận