07/03/2024 17:26 GMT+7

Phó thủ tướng 'chê' phương án xử lý Nhà máy đóng tàu Dung Quất chưa thuyết phục

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện đề án xử lý Nhà máy đóng tàu Dung Quất trình Chính phủ vào 25-3.

Chủ tịch PVN Lê Mạnh Hùng thông tin về phương án xử lý dự án - Ảnh: VGP

Chủ tịch PVN Lê Mạnh Hùng thông tin về phương án xử lý dự án - Ảnh: VGP

Ngày 7-3, cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, cho ý kiến về phương án xử lý đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được diễn ra.

Đề xuất phương án tái cơ cấu

Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), DQS hiện tại là đơn vị duy nhất trong tập đoàn có chức năng đóng mới, sửa chữa tàu, phương tiện thủy, có nhiều tiềm năng trong xu thế chuyển dịch năng lượng.

Vì vậy, việc tái cơ cấu DQS nhằm làm lành mạnh tình hình tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực sản xuất, góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu.

Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết trên cơ sở các giả định về thị trường, sử dụng 100% năng lực của DQS và các đề xuất xử lý tồn tại, vướng mắc được chấp thuận, PVN dự kiến 2 kịch bản về kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2023-2035 của DSQ.

Cụ thể, kịch bản thứ nhất, tái cơ cấu và chỉ đầu tư thêm cầu tàu và các hạng mục phụ trợ, doanh thu bình quân giai đoạn 2023-2025 khoảng 1.313 tỉ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 64 tỉ đồng/năm.

Kịch bản thứ hai, tái cơ cấu và đầu tư thêm cầu tàu và các hạng mục phụ trợ, hạng mục phá dỡ tàu biển, doanh thu bình quân khoảng 1.499 tỉ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 65 tỉ đồng/năm.

Đại diện lãnh đạo PVN bày tỏ so sánh các phương án khác nhau (gồm cả phá sản, tái cơ cấu phục hồi sản xuất kinh doanh, chuyển nhượng đấu giá theo quy định pháp luật), kết quả hoạt động và thị trường, thì phương án tái cơ cấu là khả thi và ít thiệt hại nhất cho Nhà nước và các doanh nghiệp liên quan.

Phó thủ tướng giao thời hạn hoàn thành đề án là ngày 25-3 - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng giao thời hạn hoàn thành đề án là ngày 25-3 - Ảnh: VGP

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho hay để thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp cần phải có cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đến nay cả ủy ban và PVN đều chưa nêu được cơ sở pháp lý rõ ràng, chưa xác định được thẩm quyền, cơ chế chính sách cần báo cáo, đề xuất các cấp.

Cần tính đến cơ chế đặc thù

Do đó, bà Vân đề nghị ủy ban và PVN cần chủ động, quyết liệt hơn, triển khai nghiêm túc, khẩn trương các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Việc xây dựng phương án tái cơ cấu DQS thuộc thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của PVN và có trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng đến nay các phương án đề xuất của PVN vẫn còn nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu, chưa làm rõ được tính khả thi, tối ưu, xử lý dứt điểm nếu tiếp tục tái cơ cấu DQS.

Trong đó, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đánh giá hồ sơ của PVN chưa chốt được số liệu và làm rõ tính khả thi, tối ưu. Đồng thời phải có sự so sánh với các phương án khác để làm rõ tính tối ưu, hiệu quả và khả thi nhất của phương án được lưa chọn để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp thống nhất cao cần có phương án cuối cùng để trình Bộ Chính trị, bởi càng kéo dài chi phí xử lý càng lớn.

Trong đó, cần phân định, tách bạch rõ ràng giữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp nhà nước tham gia xử lý doanh nghiệp yếu kém với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, hoạt động theo cơ chế thị trường để đề xuất cơ chế đặc thù xử lý.

Từ các ý kiến, Phó thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ không hài lòng khi Ban chỉ đạo đã có nhiều cuộc họp xử lý đối với dự án DQS, nhưng các phương án ủy ban trình vẫn chưa cụ thể, hợp lý.

Đánh giá "đề xuất ý tưởng tái cơ cấu thì tốt nhưng nội dung thuyết minh và các giải pháp kèm theo vẫn chưa khả thi, cụ thể, chặt chẽ, thuyết phục", ông Khái nhấn mạnh cần phải chọn giải pháp cuối cùng để xử lý dứt điểm, không thể kéo dài mãi, ảnh hưởng tới các cơ quan liên quan.

Theo ông đánh giá, phương án hiện nay mang tính hành chính, không rõ ràng, do tiếp cận không tổng thể, đánh giá chưa đầy đủ. Muốn giữ lại, tái cơ cấu nhà máy đóng tàu DSQ phải có giải pháp rõ ràng, đánh giá kết quả đạt được. Phương án xử lý phải tuân theo quy định pháp luật. Với cơ chế đặc thù, cần có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.

"Trường hợp đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, không có giải pháp đặc biệt thì khó vực dậy được" - ông Khái nói và yêu cầu ủy ban tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ ý kiến để hoàn thiện báo cáo Thường trực Chính phủ chậm nhất 25-3, đề xuất phương án tối ưu.

Đạm Ninh Bình lỗ 7.000 tỉ đồng, đóng tàu Dung Quất âm vốn chủ sở hữu: Xử lý dứt điểm năm nayĐạm Ninh Bình lỗ 7.000 tỉ đồng, đóng tàu Dung Quất âm vốn chủ sở hữu: Xử lý dứt điểm năm nay

TTO - 2 dự án đạm Ninh Bình và đóng tàu Dung Quất là những dự án vướng mắc, phức tạp của ngành công thương sẽ phải tìm phương án xử lý dứt điểm trong năm nay.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên